(Baonghean.vn) - Các địa phương trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng do bão số 10 đang tập trung khắc phục hậu quả, ổn định đời sống và khôi phục sản xuất.

* Tại huyện Đô Lương,bão số 10 đã làm ngập úng cục bộ một số tuyến giao thông và gãy đổ nhiều cây cối, làm sập tường rào và ách tắc giao thông.

1505530533955.jpgĐồng chí Chủ tịch UBND huyện Đô Lương yêu cầu xã Lưu Sơn khẩn trương giải toả cây cối bị đổ, đảm bảo an toàn giao thông. Ảnh: Hữu Hoàn

Hiện các xã, thị đang khẩn trương huy động lực lượng, xe ô tô và máy cắt tập trung giải tỏa đảm bảo giao thông đi lại thuận lợi.

Đối với tàu thuyền trên sông Lam, tuyệt đối không hoạt động đến khi hết mưa bão nhằm đảm bảo an toàn.

Mưa lớn cũng làm ngập hàng chục diện tích ngô vụ đông của các xã Lưu Sơn, Trù Sơn, Hiến Sơn... Hiện nay bà con nông dân ra đồng khơi thông hệ thống thoát nước để  giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn gây ra.

Hữu Hoàn

* Sau bão số 10, các cấp chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang huyện Quỳ Hợp đang tập trung dọn cây gãy đổ, khắc phục môi trường, sửa chữa đường sạt lở… 

Trên địa bàn Quỳ Hợp hiện có 43 điểm cầu tràn, cầu tạm qua khe suối đang có lực lượng 4 tại chỗ của 21 xã, thị trấn túc trực 24/24h, không để người dân tự ý qua các điểm cầu tràn, cầu tạm đe dọa đến tính mạng. 

Lực lượng dân quân giúp dân vệ sinh môi trường sau bão ở xã Châu Thái, Quỳ Hợp. Ảnh: Phan Giang
Tại các điểm cầu tràn, cầu tạm qua khe suối ở Quỳ Hợp đang có lực lượng 4 tại túc trực 24/24h. Ảnh: Phan Giang

Tiếp tục rà soát, chủ động sơ tán người dân ra khỏi các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các khu vực có nguy cơ ngập lụt để đảm bảo an toàn. Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho đê điều, hồ đập./.

Phan Giang

Tại huyện Nghĩa Đàn nước đã ngập sâu, gây nguy hiểm cho người dân khi tham gia giao thông. Cụ thể Cầu Tràn Hiếu xã Nghĩa Thịnh đoạn KM92+B50, Quốc lộ 48E nối Nghĩa Thịnh với Nghĩa Hưng bắc qua cầu sông Hiếu ngập sâu khoảng 2m; Tràn Dinh Km97+850 nối liền xã Nghĩa Hưng, huyện Nghĩa Đàn và xã Nghĩa Xuân, Quỳ Hợp, ngập sâu 1,2m; các tràn khác trên địa bàn huyện như Thị trấn Nghĩa Đàn; Nghĩa Bình…cũng ngập sâu khoảng 0,4m.

Tràn qua xã Nghĩa Hưng (Nghĩa Đàn) đã bị cô lập. Ảnh: Minh Thái

Tại xã Nghĩa Hưng, đường đi lại của 11 xóm với trên 1.000 hộ dân đã bị chia cắt  và cô lập. Nước đã tràn vào nhà, vào vườn và cả giếng nước, có chỗ lên cao hơn 1m.  

Tại cầu Tràn Hiếu xã Nghĩa Thịnh (Nghĩa Đàn) đoạn KM92+B50, Quốc lộ 48E nối Nghĩa Thịnh với Nghĩa Hưng, nước ngập sâu gần 1 mét, nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại. Trước tình hình này, UBND xã Nghĩa Thịnh đã lập hàng rào, biển báo cấm không để người dân qua đập tràn bị ngập.

Tràn Hiếu, xã Nghĩa Thịnh được đặt biển cảnh báo khi qua lại.Ảnh: Minh Thái

Để cảnh báo người dân khi lưu thông qua đập tràn, huyện đã chỉ đạo cho các xã đặt biển cảnh báo nguy hiểm; cử cán bộ canh trực, ngăn không cho người và phương tiện qua lại đập tràn trong những ngày mưa lũ. 

Minh Thái

Tại huyện Tương Dương, sau bão số 10, nhiều ao cá, lồng bè bị cuốn trôi, ngập trường học, hư hỏng hoa màu. Huyện đang chỉ đạo các địa phương khẩn trương khắc phục sau bão.

Lồng cá bè nuôi trên sông ở Tam Thái, Tương Dương bị lũ cuốn trôi hư hỏng. Ảnh: Văn Trường.

Ông Vi Viết Kiều - Phó chủ tịch UBND xã Tam Thái cho biết: Bão số 10 làm trôi 6 lồng cá trên sông. Riêng hộ ông Lô Văn Tuyến ở bản Cánh Tráp, Tam Thái bị hỏng 3 lồng cá, tổng thiệt hại khoảng trên 150 triệu đồng. Hiện nay xã đang chỉ đạo bà con khắc phục.

Lực lượng dân quân tự vệ xã Tam Thái kết hợp với bà con cố định lại một lồng cá bị trôi. Ảnh: Văn Trường.

Sau bão huyện Tương Dương bị cuốn trôi 6 lồng ở xã Tam Thái, 2 lồng cá ở Thạch Giám, 13 ao cá tại Xá Lượng, sản lượng cá bị thiệt hại khoảng gần 1 tấn. Nhiều công trình thuỷ lợi bị hư hỏng như công trình thủy lợi ở Na Can, Tam Thái bị lấp hơn 15m3. Hai công trình nước sinh hoạt bản Xoóng Con xã Tam Thái, và bản Lở, xã Xá Lượng cũng bị hư hỏng.     

Tuyến đường Na Bè - Hợp Thành, xã Xá Lượng bị sạt lở ta ly dương khoảng 10m. Tuyến đường Na Ca - Xốp Kho, xã Nga My bị sạt lở, cuốn trôi 50m; Sập mố cầu bản phòng, xã Thạch giám, đã được khắc phục. Có 04 phòng học và toàn bộ khuôn viên trường THCS xã Yên Tĩnh bị ngập và bùn lấp khoảng 0,5 m. Tổng thiệt hại của huyện Tương Dương khoảng trên 2 tỷ đồng.

Lực lượng bộ đội, công an và dân bản cùng dọn dẹp bùn ngập tại Trường THCS xã Yên Tĩnh. Ảnh: Văn Trường

Ông Lô Khăm Kha - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT Tương Dương cho biết: Ngay trong sáng nay 16/9, huyện đã chỉ đạo các xã khắc phục dọn dẹp các lồng cá hư hỏng. Huyện sẽ có kế hoạch hỗ trợ các hộ dân nuôi cá lồng bị thiệt hại nặng. Đồng thời, huy động lực lượng quân sự, công an huyện, nhân dân bản Cặp Chạng xã Yên Tĩnh và các giáo viên trường THCS xã Yên Tĩnh tiến hành dọn dẹp bùn đất để đảm bảo kịp ổn định cho việc dạy và học. Chỉ đạo các xã huy động sức dân để khắc phục tạm hệ thống giao thông, thủy lợi hư hỏng./.

Văn Trường

TIN LIÊN QUAN