Nhìn lại năm 2021, Báo Nghệ An đã có cuộc phỏng vấn BSCKII Nguyễn Bá Tân - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An.
P.V:Thưa ông, trong năm vừa qua, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Vậy, ngành Dân số tỉnh nhà đã nỗ lực như thế nào để hoàn thành tốt nhiệm vụ?
Bác sỹ CKII Nguyễn Bá Tân: Năm 2021 quả thực là một năm đầy khó khăn khi đại dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp và khó lường.
Tại Việt Nam, đợt bùng phát dịch lần thứ 4 do biến thể Delta lây lan nhanh gây tác động lớn đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội thì công tác dân số không nằm ngoài những tác động tiêu cực của đại dịch. Hơn nửa thời gian đầu năm 2021, nhiều chương trình truyền thông, tư vấn, chăm sóc sức khỏe vị thành niên, thanh niên; các chương trình cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ các vùng khó khăn và khu công nghiệp; các khóa tập huấn về công tác dân số; việc thực hiện các chương trình, đề án... bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, kinh phí Chương trình Mục tiêu Y tế - Dân số đã cắt giảm rất nhiều hoạt động và chỉ cung ứng một số thiết bị kế hoạch hóa gia đình. Khó khăn này đã ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai thực hiện các hoạt động, nhất là ở cơ sở.
Trước tình hình đó, ngành Dân số Nghệ An vẫn nỗ lực, thích nghi. Một thuận lợi cho ngành đó là từ năm 2020 Chi cục tham mưu 2 đề án rất quan trọng.
Đó là: Đề án “Bồi dưỡng nâng cao chất lượng công chức, viên chức làm công tác dân số trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2020 – 2025”; Đề án “Đổi mới và nâng cao chất lượng truyền thông về dân số trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2020 - 2025”. Khi có 2 đề án làm tiền đề, thì đầu năm 2021, Chính phủ ban hành 8 chương trình như: Điều chỉnh mức sinh hợp lý giữa các vùng, chương trình nâng cao dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, chương trình chăm sóc người cao tuổi…
Ngoài các chương trình này, Chi cục ban hành 6 kế hoạch cho công tác dân số của tỉnh thời kỳ mới. Đây là cái “gậy” cho ngành Dân số nói riêng và ngành Y tế nói chung khi tổ chức các hoạt động.
P.V: Trước đại dịch thì ngành Dân số đã thích ứng như thế nào để triển khai hiệu quả các chương trình hoạt động?.
Bác sỹ CKII Nguyễn Bá Tân: Chúng ta đều biết, nhiệm vụ chính của dân số là tuyên truyền, vận động, tư vấn. Nếu làm trực tiếp thì bức tranh sẽ rất sinh động. Tuy nhiên, khi dịch bùng phát thì chúng tôi thích ứng, áp dụng ngay công nghệ 4.0. Cụ thể, Chi cục đã đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về dân số, y tế trên các trang mạng xã hội như facebook, zalo, tiktok,...
Những kênh này đã trở thành kênh thông tin, tuyên truyền nhanh chóng, hiệu quả của ngành về chính sách và các hoạt động dân số, y tế.
Đến nay, 100% viên chức dân số - y tế của 461 xã, phường, thị trấn; 100% trung tâm y tế của các huyện, thành, thị trên toàn tỉnh Nghệ An đều có tài khoản facebook tuyên truyền về dân số - y tế của đơn vị; các đơn vị từ xã đến huyện đều có sự kết nối chặt chẽ với Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh qua tài khoản Facebook "Dân số Nghệ An" và các trang thông tin truyền thông y tế - dân số. Đây là kênh tuyên truyền hiện đại, có khả năng tương tác, lan tỏa đến đông đảo người dân.
Chúng tôi cũng rất vui bởi dù nhân lực của ngành Dân số rất mỏng, năm vừa qua có nhiều thay đổi về đội ngũ cộng tác viên dân số ở các thôn, bản, khối, xóm, nhưng công tác tuyên truyền của ngành Dân số đã được ngành Y tế đánh giá cao bởi áp dụng nhanh nhất, có hiệu quả nhất, sôi nổi nhất, rộng khắp nhất và đều khắp nhất ở mọi thời gian.
P.V: Được biết, bên cạnh những thành tựu thì công tác dân số Nghệ An cũng đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là tỷ lệ sinh con thứ 3 vẫn tiếp tục tăng. Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân là bởi thời gian qua, vẫn còn tình trạng một số cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách dân số và điều này đã ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền, vận động; ông có thể cho biết thêm về điều này?.
Bác sỹ CKII Nguyễn Bá Tân:Nói về sinh con thứ 3 thì phải nói rằng, ở Nghệ An ta nói riêng và một số địa phương mà có mức sinh cao thì đây là một vấn đề hết sức nan giải. Hiện mức sinh ở Nghệ An là 2,68 con. Nguyên nhân chính là bởi nhiều người dân ở Nghệ An vẫn có suy nghĩ theo “đường mòn” muốn có con trai để nối dõi tông đường và có nhiều hình thức để họ thực hiện, dù rằng pháp luật đã nghiêm cấm việc lựa chọn giới tính khi sinh.
Trong những trường hợp sinh con thứ 3, vẫn còn tình trạng một số cán bộ, đảng viên, những công dân có hiểu biết, có tầm ảnh hưởng trong xã hội. Dù các trường hợp này chỉ chiếm tỷ lệ 5% nhưng việc vi phạm chính sách dân số, không gương mẫu sẽ kéo theo những tác động xấu đến công tác tuyên truyền, vận động.
P.V: Trong hoàn cảnh mới, ngành Dân số sẽ đề ra những giải pháp nào để triển khai nhiệm vụ cho năm 2022.
Bác sỹ CKII Nguyễn Bá Tân:Những chỉ số về dân số chưa đạt như kỳ vọng là điều mà những người làm dân số hết sức trăn trở. Chính vì thế, trong năm 2022 và những năm tiếp theo, toàn ngành vẫn xác định chương trình dân số vẫn phải đi “2 chân”.
Trong đó, “chân” thứ nhất là giảm sinh để đảm bảo quy mô dân số, khống chế đạt chỉ tiêu tăng dân số không quá 1,2% từ nay cho đến năm 2025. Muốn vậy, phải đẩy mạnh KHHGĐ cho gần 1 triệu phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ bằng hình thức tuyên truyền và xã hội hóa các phương tiện tránh thai và tăng cường các dịch vụ KHHGĐ để tất cả người dân ở mọi vùng, miền đều được thụ hưởng.
“Chân” thứ 2, đó là chúng ta phải tiếp tục thực hiện nâng cao chất lượng dân số. Trong đó, phải bắt đầu từ công tác đầu tiên, đó là đẩy mạnh việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh để đảm bảo người phụ nữ phải sinh ra một đứa con khỏe mạnh. Còn nữa, là cần phải tăng cường sức khỏe sinh sản và sức khỏe kế hoạch hóa gia đình ngay từ bậc THCS, tránh để “sai lầm” như quan hệ tình dục trước hôn nhân, mang thai ngoài ý muốn...
Chúng tôi cũng quan tâm đến sức khỏe phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, bởi phụ nữ khỏe thì mới sinh con khỏe, gia đình khỏe và xã hội khỏe. Đây cũng là khẩu hiệu mà toàn ngành Dân số đang hướng tới.
P.V: Xin cảm ơn ông!.