Bị cáo Nguyễn Thị Lam bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Hai bị cáo là Đặng Đình Hồng - (SN 1973, nguyên Giám đốc phòng giao dịch Eximbank Đô Lương) và Trần Kim Thoa (SN 1982, nguyên Phó phòng Tín dụng Eximbank chi nhánh Vinh) cùng bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
13 bị cáo khác nguyên là nhân viên của 2 đơn vị trên cùng bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" gồm: Hồ Thanh Huyền (SN 1979), Nguyễn Thị Hiền (SN 1986), Đặng Thị Thanh Huyền (SN 1984), Bùi Văn Trường (SN 1974), Nguyễn Thị Hương Giang (SN 1984), Nguyễn Thị Hải Nga (SN 1983), Nguyễn Thị Trang (SN 1989), Lê Thị Thu Hà (SN 1987), Vương Thị Hà (SN 1986), Trần Thị Hoài Thu (SN 1987), Bùi Như Chương (SN 1988), Phan Thị Vinh (SN 1982), Hoàng Anh Tuấn (SN 1984). 
bna_bicao_phuongthao4053149_1652018.jpgCác bị cáo bị đưa ra xét xử sáng 16/5. Ảnh: Phương Thảo
Tại phiên tòa sáng 16/5, vắng mặt 1 số người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Để đảm bảo tính khách quan, công bằng, HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa và sẽ đưa ra xét xử vào thời điểm khác. 
Trước đó, ngày 26/4, TAND tỉnh Nghệ An đã từng quyết định đưa vụ án ra xét xử. Tuy nhiên, phiên tòa cũng đã phải hoãn vì ngày 20/4, TAND tỉnh Nghệ An nhận được đơn đề nghị hoãn phiên tòa của ông Lê Văn Quyết - Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam với lý do ngày 26/4 quá cận với thời điểm Eximbank tổ chức đại hội cổ đông.
Bị cáo Nguyễn Thị Lam (SN 1987), trú tại xóm Yên Hương, xã Yên Sơn, huyện Đô Lương. Lam có một thời gian làm việc kế toán tại doanh nghiệp gia đình, sau đó cuối năm 2010 vào thử việc tại Ngân hàng Eximbank chi nhánh Vinh.

Tháng 3/2011, Lam được nhận vào làm nhân viên ngân quỹ tại Phòng giao dịch Đô Lương, Ngân hàng Eximbank chi nhánh TP. Vinh, với nhiệm vụ thu chi tiền mặt, kiểm tra hồ sơ cho vay vốn của khách hàng, huy động vốn, cho vay theo chỉ tiêu...

Còn trẻ, mới vào làm việc ở Ngân hàng Eximbank được hơn 5 năm, nhưng rồi người ta nhận thấy Lam giàu lên một cách bất thường khi đi xe ô tô đắt tiền, xây nhà, mua nhiều đất đai…

Qua công tác nắm tình hình, bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan chức năng nhận thấy Lam có dấu hiệu của tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" theo điều 140 Bộ Luật Hình sự, và chuyên án 916E được xác lập. 

Bị cáo Nguyễn Thị Lam. Ảnh: Phương Thảo

Ngày 19/9/2016, Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án, thời điểm này, Lam vắng mặt tại địa phương. Thông qua công tác vận động, đến ngày 21/9/2016, Lam ra đầu thú và khai báo thành khẩn các hành vi phạm pháp.

Ngày 24/9/2016, Đặng Đình Hồng (SN 1973), nguyên Giám đốc Phòng Giao dịch Eximbank Đô Lương đã bị bắt khẩn cấp". Mở rộng điều tra, cơ quan chức năng khởi tố các bị can còn lại.

Theo kết luận cáo trạng của VKSND tỉnh Nghệ An, từ năm 2012 đến 2016, Nguyễn Thị Lam đã lợi dụng lòng tin của khách hàng, lừa dối khách hàng ký các lệnh chi, ký khống ủy nhiệm chi, bảng kê chi tiền.

Mỗi lần cần chữ ký của khách hàng, Lam dùng thủ đoạn như trả lãi suất, tiền thưởng cho khách hàng và trộn lẫn các thủ tục này là các chứng từ như: Lệnh chi, bảng kê tiền, ủy nhiệm chi để khách hàng ký khống.

Sau đó, Lam cầm về hợp thức hóa rút tiền hoặc chuyển tiền. Cũng có nhiều trường hợp, Lam giả mạo chữ ký của khách hàng sau đó cầm đưa đến cho nhân viên ngân hàng nói dối là rút, chuyển tiền hộ cho khách hàng.

Do tin tưởng Lam và với sự chỉ đạo, quản lý lỏng lẻo của  Đặng Đình Hồng - nguyên giám đốc Phòng giao dịch Eximbank Đô Lương, các nhân viên ngân hàng đã làm thủ tục cho Lam rút, chuyển tiền mặc dù sổ tiết kiệm khách hàng đang giữ, khách hàng không có mặt.

Bằng các thủ đoạn trên, Lam đã rút tiền gửi của 6 khách hàng ở Nghệ An trong hệ thống ngân hàng Eximbank với tổng số tiền hơn 50 tỷ đồng.