Liên kết gắn sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản có vai trò rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp, giúp nâng cao lợi ích của các tác nhân tham gia, đặc biệt đối với nông dân; hạn chế tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, tăng quy mô sản xuất hàng hóa.
Bên cạnh đó, liên kết cho phép áp dụng các quy trình sản xuất phù hợp, hiện đại, đảm bảo chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm và nâng cao năng lực quản lý, điều hành và tổ chức sản xuất theo hợp đồng nhằm tránh tình trạng “được mùa mất giá”.
Trên cơ sở các văn bản quy định và hướng dẫn của Trung ương và địa phương, Sở Nông nghiệp và PNTN đã chỉ đạo UBND các huyện, thành, thị rà soát, đăng ký xây dựng phương án Cánh đồng lớn liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn địa phương mình.
Đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt 5/11 dự án cánh đồng lớn cho các địa phương: Quỳnh Lưu, Tân Kỳ, Yên Thành và Diễn Châu, với tổng diện tích 420 ha. Tổng kinh phí hỗ trợ được duyệt năm 2018 cho 5 dự án là hơn 1 tỷ 535 triệu đồng.
Tuy nhiên, việc liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản vẫn còn nhiều hạn chế. Quá trình vận động nhân dân tập trung ruộng đất để xây dựng dự án cánh đồng lớn còn nhiều khó khăn, việc lựa chọn địa điểm để đảm bảo quy mô về diện tích xây dựng cánh đồng lớn ở một số nơi chưa đạt.
Bên cạnh đó, việc ruộng đất manh mún, không bằng phẳng nên áp dụng tiến bộ KHKT, cơ giới hóa vào sản xuất đạt hiệu quả chưa cao. Tỷ lệ tiêu thụ nông sản theo các hợp đồng liên kết còn thấp, tình trạng phá vỡ hợp đồng vẫn còn xảy ra...
Vì thế, để thúc đẩy liên kết gắn với tiêu thụ nông sản theo Nghị định số 98/2018/NĐ - CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ , UBND tỉnh Nghệ An sẽ trích kinh phí hàng năm, dự kiến từ 15 - 17 tỷ đồng để thực hiện các giải pháp như hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng liên kết, hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết, hỗ trợ đào tạo, tập huấn và giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm...
Nguồn kinh phí chủ yếu trích từ Chương trình Nông thôn mới với 70%, các nguồn còn lại như ngân sách tỉnh 15%, chương trình giảm nghèo và các nguồn vốn hợp pháp khác 15%.