Nhiều năm nay, do cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, lượng trâu bò nuôi trong dân giảm dần, khiến người nông dân ít quan tâm đến rơm rạ sau khi thu hoạch lúa.
Bà Nguyễn Thị Hòa ở xóm Đồng Bàn, xã Lăng Thành (Yên Thành) cho hay, trước đây gia đình nuôi 1 – 2 con trâu, bò để lấy sức kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp. Vào vụ thu hoạch lúa, toàn bộ rơm của gia đình được phơi khô, xây thành cây to ở góc vườn, làm thức ăn dự trữ cho trâu bò. Nay do cơ giới hóa vào khâu làm đất, thu hoạch, vận chuyển, nên gia đình không nuôi trâu, bò lấy sức kéo nữa, toàn bộ rơm sau khi thu hoạch đều bỏ lại ruộng.
Nghệ An có diện tích gieo cấy lúa trên 95.000 ha, và khoảng 60.000 ha ngô. Hàng năm, vào vụ thu hoạch, ngoài một số phụ phẩm được bà con thu gom, xử lý, làm thức ăn cho gia súc, vẫn còn một khối lượng lớn phụ phẩm chưa được thu gom, sử dụng.
Theo ông Nguyễn Tiến Đức – Trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV cho biết: Qua nghiên cứu cho thấy trên mỗi ha lúa, lượng rơm rạ ngang bằng sản lượng lúa thu về; chưa kể vỏ trấu. Đối với cây ngô, lượng thân lá thu được trên 1 ha ngô bằng 2 lần sản lượng ngô thu được trên 1 ha đó và tỷ lệ hạt ngô bằng 80% của bắp ngô, còn lại 20% là lõi ngô.
Như vậy, mỗi năm Nghệ An có sản lượng lúa 920 nghìn tấn, thì lượng rơm rạ thu được cũng tương đương, ngoài ra còn có 184 nghìn tấn vỏ trấu (vỏ trấu chiếm 0,2% của lúa) và sản lượng ngô đạt 203 nghìn tấn, thì đối với thân, lá ngô đã có 406 tấn và 40.600 tấn lõi ngô.
Trong số 920 nghìn tấn rơm rạ đó, chỉ có 50% được thu gom để sử dụng, 40% để lại ruộng và 10% được đốt; trấu là 100% được thu gom để sử dụng. Đối với cây ngô, 30% cây, lá và 10% lõi được thu gom xử lý, sử dụng; 60% thân, lá và 90% lõi được đốt; 10% thân, lá của cây ngô để lại đồng ruộng.