Theo ghi nhận của P.V, trong sáng 25/3, hàng trăm héc ta ngô xuân trên địa bàn huyện Hưng Nguyên trải dài ven sông Lam vẫn nằm bẹp dù cơn mưa lớn đã xảy ra 3 ngày.
Mặc dù vậy, không hề xuất hiện xe giải cứu ngô cho bà con, người dân bất lực trước diện tích ngô thiệt hại quá lớn, việc phục hồi là điều không thể.
Ông Phạm Văn Oanh, một trong những hộ dân có diện tích ngô lớn nhất trên địa bàn huyện Hưng Nguyên thở dài: "Tôi thuê 40ha đất tại xã Xuân Lam để trồng ngô sinh khối, tổng chi phí tiền giống, công chăm sóc... ước tính lên đến 600 triệu đồng. Chỉ còn thời gian ngắn nữa sẽ thu hoạch thì mưa kèm theo gió lớn ập xuống, hơn 50% diện tích ngô đổ rạp, không thể cứu vãn, giờ tôi không biết xoay sở thế nào vì bao nhiêu vốn liếng đã đổ dồn vào vụ này rồi...".
Không chỉ ông Oanh mà đó cũng là tâm trạng của hàng trăm hộ dân trồng ngô trên địa bàn huyện Hưng Nguyên thời điểm này. Theo quan sát, hàng ngàn cây ngô đang thời điểm phát triển mạnh nhất bị gãy ngang thân, nằm bẹp, bắp ngô non cũng rụng đầy ruộng.
Ông Nguyễn Văn Hùng, xã Châu Nhân (Hưng Nguyên) cho biết: "Vụ ngô này đa số đều đã hợp đồng với doanh nghiệp chăn nuôi bò sữa thu mua, tuy nhiên, họ chỉ mua khi mình chăm sóc tốt và đến vụ thu hoạch thôi, còn đang giữa vụ mà bị đổ rạp cả cánh đồng thế này thì mình không thể ép họ mua được vì trong hợp đồng không có điều khoản thu mua ngô gãy đổ, mình phải tự chịu thôi".
Một số cơ sở đồng ý bao tiêu thì họ yêu cầu người dân phải tự chặt cây, vận chuyển đến nơi tập kết theo chỉ định, họ sẽ không về tận ruộng để mua. Tuy nhiên, theo tính toán của người dân thì tiền thuê máy, nhân công thu hoạch, thuê xe vận chuyển quá cao nên nếu làm theo cách này thì bà con càng lỗ. Do đó, hiện nhiều hộ trồng ngô trên địa bàn huyện Hưng Nguyên đang trong tình cảnh "tiến thoái lưỡng nan".
Được biết, không chỉ Hưng Nguyên mà các huyện như Thanh Chương, Anh Sơn, Tân Kỳ cũng có diện tích ngô xuân bị gãy đổ trong đợt mưa lớn vừa qua. Hơn lúc nào hết, bà con mong muốn các mạnh thường quân, các tổ chức, đoàn thể có thể chung tay giải cứu ngô cho người dân, vừa giúp bà con giảm thiểu thiệt hại, vừa giải phóng đất để bà con yên tâm gieo trồng vụ mới.