Vừa là chủ nợ, vừa là con nợ

Nhiều tháng nay, gia đình ông Nguyễn Vĩnh Tám (trú xã Công Thành, huyện Yên Thành) thường xuyên phải tiếp những người khách lạ. Lạ là vì những người đến đây không phải mua vàng bạc, xe máy mà là để đòi lại số tiền đã gửi vào tiệm vàng do ông Tám cùng vợ làm chủ.

bna_image_7578515_5122018.jpgTiệm vàng Tám Nhâm thường xuyên có nhiều thanh niên lạ mặt đến đòi nợ. Ảnh: Phạm Bằng

“Nhiều thanh niên được thuê đến đây đòi tiền, họ chửi bới, quát tháo, khạc nhổ lung tung rồi nói tôi ăn quỵt tiền. Nhưng bản thân gia đình tôi cũng đã phải bán đất đai, xe ô tô, cầm cố sổ đỏ để trả được hơn 21 tỷ đồng cho người dân. Số còn lại cũng phải nhờ đến pháp luật, vì mình vừa là chủ nợ nhưng cũng là con nợ. Quá bế tắc, tôi phải làm đơn gửi Báo Nghệ An để nhờ tiếng nói của công luận”, ông Tám chua xót nói.

Hơn 2 năm trước, bà Đậu Thị Nhâm (vợ ông Tám) giấu chồng bắt đầu chơi phường hụi. Ngoài số tiền mà người dân các xã lân cận gửi vào tiệm vàng, bà Nhâm còn dùng số tiền tích lũy của gia đình cho Phạm Thị Thương (42 tuổi, trú xóm 6, xã Liên Thành, huyện Yên Thành) vay. 

“Ngày 14/10/2016, tôi cho Thương vay 1,9 tỷ đồng và 3,67 tỷ đồng tiền phường mà Thương bốc suất của vợ chồng tôi. Tổng số tiền mà Thương vay của gia đình tôi là 5,57 tỷ đồng với thời hạn trả là 1 tháng. Thương có thế chấp một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên Thương và chồng, nói rằng giá trị thửa đất hơn 2 tỷ đồng. Vì thế, tôi mới dám cho Thương vay”, bà Nhâm nói.

Ông Nguyễn Vĩnh Tám và bà Trần Thị Oanh phải ôm cục nợ khi Thương rời khỏi địa phương. Ảnh: Tiến Hùng

Không chỉ cho Thương vay tiền, gia đình bà Nhâm còn cho hàng chục người dân khác vay tổng cộng gần 30 tỷ đồng. Những người vay tiền của bà Nhâm lại tiếp tục cho Phạm Thị Thương vay. Tất cả số tiền đổ dồn về “cái oi” của người phụ nữ này. Thương được xem là “con nợ” lớn nhất ở huyện Yên Thành thời điểm hiện tại.

Đùng một cái, tháng 10/2016, Thương tuyên bố vỡ nợ, không có khả năng chi trả. Bà Nhâm và hàng chục người dân khác nháo nhác đến nhà Thương đòi nợ thì mới vỡ lẽ, căn nhà Thương sống lâu nay đã được sang tên cho anh em, chiếc ô tô 7 chỗ cũng đã bán. Thửa đất Thương thế chấp cho bà Nhâm chỉ có đáng giá vài chục triệu đồng. Vợ chồng Thương xây 2 gian nhà nhỏ trong thửa đất bố mẹ chồng cho và không đoái hoài gì đến việc trả nợ.

Từ ngày Thương tuyên bố vỡ nợ, gia đình anh Nguyễn Đình Hinh (49 tuổi, trú xã Bảo Thành, huyện Yên Thành) như “chết đứng”. Anh Hinh và vợ là chị Vũ Thị Tuyết (46 tuổi) sau nhiều năm đi lao động ở Nga thì có tích lũy được ít tiền. Do quen biết từ trước, Thương đến đặt vấn đề vay tiền, anh Hinh không ngần ngại đưa hết tiền trong nhà, vay mượn anh em “dâng” cho Thương.

Tin tưởng đến mức, anh này còn cầm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình đem đi vay được gần 2 tỷ đồng rồi đưa cho Thương. Có thời điểm, chỉ trong vòng 1 tuần, Thương vay của gia đình anh 1 tỷ đồng. Tổng số tiền mà gia đình anh Hinh cho Thương vay là 3,4 tỷ đồng.

Gia đình ông Nguyễn Đình Hinh trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An. Ảnh: Phạm Bằng

Khi nghe Thương nói vỡ nợ, anh Hinh không tin vào sự thật bởi anh không chơi phường hụi. Vợ anh quá đau xót, lại bị áp lực khi có nhiều người xã hội đen đến đòi nợ nên bị tai biến, phải nằm điều trị trong bệnh viện 8 tháng trời. “Giờ vợ tôi ra viện rồi nhưng thần kinh không ổn định, lúc nhớ, lúc quên, sống kiểu như người thực vật”, anh Hinh nói và cho biết thêm, anh đã phải bán ô tô, bán đất mới trả được 530 triệu đồng và đang còn nợ hơn 2 tỷ đồng.

Theo tổng hợp của gia đình ông Tám, tổng số tiền mà Thương vay, ôm phường của người dân vào khoảng 50 tỷ đồng. Như gia đình ông Tám là gần 6 tỷ đồng, gia đình chị Trần Thị Oanh (xóm ngã tư, xã Công Thành) là 5,6 tỷ đồng; gia đình chị Đặng Thị Bình (xóm 7, xã Liên Thành) là 5,5 tỷ đồng; gia đình chị Phạm Thị Quý (xóm 22, xã Liên Thành) là 3,7 tỷ đồng… Người ít nhất cũng cho Thương vay 800 triệu đồng.

“Không ai biết Thương vay số tiền lớn để làm gì, hỏi thì Thương cũng không nói. Trong khi Thương cũng không cho ai vay tiền nên chúng tôi nghĩ rằng, Thương đã dùng số tiền đó để vào TP Hồ Chí Minh mua đất, nhà nhằm tẩu tán tài sản”, chị Oanh - một trong những người cho Thương vay tiền nói và cho biết, chị cũng đang vay 1,4 tỷ đồng của gia ông Tám rồi sau đó cho Thương vay lại.

Trong số những người vay tiền của ông Nguyễn Vĩnh Tám có bà Đặng Thị Quyên - hiện đang là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Công Thành. Bà Quyên vay của gia đình ông Tám 2,3 tỷ đồng nhưng đến nay mới chỉ trả được 300 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Hồng - Bí thư Đảng ủy xã Công Thành, bà Quyên nói vay tiền của ông Tám cho đứa cháu con gì để đi buôn gỗ lậu nhưng sau đó bị bắt giữ nên chưa có khả năng trả nợ. Ban Tổ chức Huyện ủy Yên Thành và Đảng ủy xã Công Thành đã tổ chức làm việc với 2 bên, nhưng sau đó không đưa ra hình thức xử lý đối với bà Quyên.

Trả lời khó hiểu…

Không thể trực tiếp đòi lại tiền từ Thương, gia đình ông Tám và nhiều hộ dân khác đã làm đơn gửi nhiều nơi, với mong muốn sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng. “Chúng tôi gửi đơn ra cả Bộ Công an, Công an tỉnh Nghệ An và tất cả đều chuyển về cho Công an huyện Yên Thành giải quyết. Nhưng cách mà Công an huyện Yên Thành trả lời người dân khiến chúng tôi vô cùng khó hiểu”, ông Tám nói.

Anh Nguyễn Đình Hinh lo lắng khi không biết lấy đâu ra tiền để trả nợ. Ảnh: Tiến Hùng

Thông báo kết quả giải quyết đơn thư ngày 15/4/2017 của Công an huyện Yên Thành nêu, tranh chấp phường hụi giữa chị Đậu Thị Nhâm và chị Phạm Thị Thương là tranh chấp dân sự, thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án nhân dân huyện Yên Thành theo quy định của Luật Tố tụng dân sự. Đề nghị chị Nhâm viết đơn sang Tòa án nhân dân huyện Yên Thành.

Công an huyện Yên Thành còn cho rằng, việc chị Thương vay nợ chị Nhâm số tiền 1,9 tỷ đồng là đúng, tuy nhiên hiện nay vẫn chưa chứng minh được chị Thương có phạm tội hay không. “Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Thành đã tạm dừng việc xác minh tin báo tố giác tội phạm theo quy định. Khi có căn cứ, tài liệu mới, Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Thành sẽ tiếp tục điều tra xác minh”, thông báo nêu.

Theo tìm hiểu của phóng viên, sau khi tuyên bố vỡ nợ, Thương không hề có kế hoạch trả nợ cho người dân. Thương cũng không có nghề nghiệp ổn định, phải nuôi 3 con nhỏ, chồng Thương cũng đi làm thuê và không chứng minh được “đầu ra” của số tiền đã vay. Bên cạnh đó, theo người dân thì hiện Thương không có mặt tại địa phương, có nguồn tin còn nói Thương đã vào TP Hồ Chí Minh mua nhà, đất đai.

Căn nhà của gia đình Phạm Thị Thương luôn đóng kín cổng sau khi tuyên bố vỡ nợ. Ảnh: Tiến Hùng

Cho rằng, hành vi của Thương đã có dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, người dân tiếp tục gửi đơn đến các cơ quan chức năng. Thời điểm vào đầu tháng 10/2018, Công an huyện Yên Thành sau khi nhận được đơn của người dân và đi tiến hành xác minh thì cho rằng, Phạm Thị Thương hiện không có mặt tại địa phương nên “chưa có căn cứ phục hồi xác minh tố giác tội phạm”.

Người dân phân tích, hành vi vay tiền để chiếm đoạt của Phạm Thị Thương là rõ ràng vì Thương không chứng minh được việc sử dụng số tiền vay để làm gì. Thương cũng không có khả năng trả lại số tiền đã vay, vì Thương đã có ý định chiếm đoạt từ trước. Thương còn dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả bằng việc lừa vợ chồng ông Tám thế chấp thửa đất có giá hơn 2 tỷ đồng nhưng thực chất có giá chỉ vài chục triệu đồng để được vay 1,9 tỷ đồng.

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của vợ chồng Thương thế chấp khi vay của gia đình ông Tám 1,9 tỷ đồng. Ảnh: Phạm Bằng

Khi công an đi xác minh theo đơn thư thì Thương không có mặt tại địa phương, tức là đã có dấu hiệu bỏ trốn. Đó là những cơ sở để xác định Thương có dấu hiệu phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Vì thế, người dân cho rằng việc Công an huyện Yên Thành trả lời “chưa chứng minh được chị Thương có phạm tội hay không” là không thỏa đáng.

Phóng viên Báo Nghệ An đem những thắc mắc của người dân trao đổi thì Trung tá Phạm Ngọc Cảnh - Trưởng Công an huyện Yên Thành cho biết, phía công an cũng muốn bắt, khởi tố nhưng các vụ việc phường hụi, dấu hiệu tội phạm thì không xử lý được vì nó nằm ở vấn đề dân sự. Sau đó, Trung tá Cảnh cáo bận, không trả lời cụ thể thêm.