Giữa mùa dịch Covid- 19, hàng ngàn tàu thuyền tại các vùng biển Quỳnh Lưu, Diễn Châu vẫn ra khơi đều đặn. Mặc dù sản lượng đánh bắt vẫn đảm bảo nhưng giá thành hiện đang sụt giảm mạnh, từ 30-50% so với cùng kỳ năm ngoái... nên ngư dân không khỏi lo lắng.

tau_thuyen_tai_cang_lach_van_vuon_khoi_sau_tet_anh_quang_an2800983_2042020.jpgTàu thuyền của ngư dân Nghệ An vẫn bám biển trong mùa dịch bệnh. Ảnh: Quang An

Ngư dân Trần Văn Thấy ở xóm 5, xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu) cho biết: Bình quân mỗi chuyến vươn khơi bám biển, tàu cá của gia đình ông khai thác được từ 2,5 – 3 tấn hải sản, với giá trị đạt 150 triệu đồng. Tuy nhiên, từ đầu tháng 4 đến nay, giá hải sản bán tại cảng giảm mạnh.

Điển hình như, nếu như trước đây mực loại 1 được mổ sạch, phơi khô trên tàu bán với giá 1,4 triệu đồng/kg thì hiện tại chỉ 800- 1 triệu đồng/kg. Đối với mực khô loại nhỏ giảm từ 500.000 đồng/kg xuống còn 350.000 - 400.000 đồng/kg. Trong đó, cá hố xuất khẩu đã giảm một nửa giá, từ 140.000 đồng/kg nay chỉ còn 70.000 đồng/kg.

Theo tính toán của ông Thấy, sau khi trừ chi phí từ 50 – 65 triệu đồng/chuyến và trả tiền công cho các thuyền viên thì tàu của ông còn lại không đáng bao nhiêu.

Hải sản được đánh bắt về tại cảng Lạch Quèn, huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: Hồng Diện

Tương tự tại huyện Diễn Châu, giá hải sản cũng liên tục sụt giảm từ đầu tháng 4 đến nay. Trong đó, cá thu từ 250.000 đồng/kg xuống còn 170.000 đồng/kg, ghẹ ngon từ 400.000 đồng/kg chỉ còn 280.000 đồng/kg, các loại tôm, mực, ốc... giảm từ 30 - 50% giá. Các loại hải sản khô như tôm nõn, mực khô, cá chỉ vàng... cũng chịu cảnh giảm giá tương tự.

Theo tìm hiểu, nguyên nhân chính dẫn tới việc hải sản giảm giá mạnh là do ảnh hưởng từ dịch Covid- 19 đã khiến nhà hàng quán ăn nghỉ, các bếp ăn tập thể của nhiều trường học, nhà máy ngừng hoạt động, xuất khẩu đình trệ,...
Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc (Diễn Châu) cho biết: Tại cảng cá Lạch Vạn, nếu như bình thường có trên 1.000 người tập trung tại cảng để mua bán cá, tôm lúc thuyền về thì từ khi Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực, số lượng tiểu thương đến cảng giảm hẳn, hiện nay dao động khoảng 300 - 400 người.
Tại cảng Lạch Vạn, xã Diễn Ngọc (Diễn Châu), thương lái thu mua hải sản đã giảm một nửa vì dịch bệnh. Ảnh: Quang An

Trong tình cảnh được mùa rớt giá, bên cạnh việc chấp nhận bán giá thấp để không tồn hàng thì hiện nay, người dân các xã vùng biển tăng cường đầu tư các kho đông để bảo quản hải sản. Song song với đó, bà con cũng tranh thủ các kênh mạng xã hội như Facebook, Zalo để có thể quảng cáo bán hàng, tránh tình trạng ùn ứ hải sản.

Các loại tôm, cá, ghẹ ,mực... đồng loạt giảm giá giữa mùa dịch Covid- 19. Ảnh: Quang An - Hồng Diện

Ông Trần Hữu Tiến - Phó giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Việc giá hải sản sụt giảm trong thời điểm này là điều tất yếu trong điều kiện nền kinh tế đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Điều tích cực hiện nay là giá xăng dầu giảm mạnh đã giúp ngư dân giảm được chi phí đi biển, tránh thua lỗ. Hiện chúng tôi đang đề xuất ngân hàng giãn nợ, giảm lãi suất cho các chủ phương tiện tàu thuyền, các cơ sở thu mua trong thời gian này. Đồng thời, các huyện cũng khuyến khích đầu tư kho đông, ngư dân tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, nguồn lợi hải sản đang có dấu hiệu phục hồi thì vẫn duy trì bám biển, nhằm khi hết dịch bệnh có sản phẩm để xuất khẩu.