Sau khi tìm hiểu kỹ về đặc tính của giống chim đà điểu châu Phi và tham quan, học hỏi kinh nghiệm một số mô hình nuôi con vật này ở phía Bắc, năm 2016, anh Bùi Văn Quang ở xóm 5, xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã đầu tư xây dựng chuồng trại trên diện tích gần 2.000 m2. Đồng thời, mua 56 con đà điểu sinh sản ở Ba Vì (Hà Nội) về thả nuôi.
Anh Quang chia sẻ: Đà điểu là loại chim hoang dã mới được thuần chủng, phát triển tốt trong môi trường tự nhiên nên khu vực sống của chim được anh thiết kế rộng rãi, phía dưới để mặt đất tự nhiên, giúp con vật chạy nhảy được thoải mái. Thức ăn chủ yếu của đà điểu là cỏ, bèo tây, chuối, rong rêu và có thể ăn tất cả các loại cây, lá có màu xanh khác. Đối với các loại rau, cỏ thu hái về, anh xay nhỏ trộn với cám gạo, cám ngô, bỏ vào máng cho đà điểu ăn dần.
Theo tính toán của anh, một con đà điểu ăn hết 7 nghìn đồng tiền thức ăn/ngày. Do vậy, để giảm chi phí đầu tư và có nguồn thức ăn xanh tại chỗ, anh đã trồng 2 ha cỏ voi quanh khu vực chuồng trại. Trong quá trình chăm sóc đà điểu hầu như không có dịch bệnh, dễ nuôi, lớn nhanh.
Nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, đến nay trang trại của gia đình anh đã phát triển lên 120 con đà điểu. Sau thời gian từ 10 - 12 tháng thả nuôi, đà điểu thịt đạt trọng lượng 100 kg/con trở lên thì anh tiến hành xuất bán ra thị trường, với giá 100 nghìn đồng/kg thịt hơi. Đối với thịt thương phẩm anh bán 250 nghìn đồng/kg.
Theo anh Quang, mùa sinh sản của đà điểu bắt đầu từ giữa tháng 12 kéo dài đến tháng 8 âm lịch năm sau. Một con đà điều đẻ từ 40 - 50 quả trứng/năm, mỗi quả đạt trọng lượng từ 1,4 - 1,5 kg. Sau khi thu lượm trứng, anh Quang cho vào máy ấp, sau 42 ngày mới nở con. Bình quân một tháng, anh xuất bán ra thị trường từ 70 - 100 con giống, với giá bán dao động từ 1,7 - 2 triệu đồng/con. Hàng năm, từ việc bán thịt thương phẩm, con giống, trứng và da đà điểu vào các tỉnh phía Nam, gia đình anh có thu nhập khoảng 700 triệu đồng.