(Baonghean) - Sau khi nhận được danh sách dự kiến luân chuyển, cô Yến làm đơn trình bày và được lãnh đạo trường xác nhận về tình trạng sức khỏe. Tuy nhiên, huyện Hưng Nguyên vẫn quyết định luân chuyển cô đến một trường khác với quãng đường xa gấp 3 trường cũ...
Ngày 21/9, ông Hồ Văn Thắng - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh, cho biết, bệnh nhân Lưu Mai Yến (43 tuổi, trú ở phường Vinh Tân, TP. Vinh) đang được các bác sỹ phẫu thuật vì căn bệnh đa nhân xơ tử cung. Cô Yến nhập viện từ 3 ngày trước.
Cũng trong ngày này, trên tài khoản Facebook cô Yến, con trai cô đăng lời “kêu cứu” tới lãnh đạo huyện Hưng Nguyên vì chuyển mẹ đến dạy ở trường quá xa. “Mẹ con hiện đang phải mổ. Con cầu xin các bác khi mẹ con khỏe lại hãy chuyển mẹ con về gần hơn để mẹ con đỡ đau…”, đoạn chia sẻ của con trai cô Yến viết.
Cô Lưu Mai Yến là một trong những giáo viên ở huyện Hưng Nguyên bức xúc vì bị luân chuyển đến dạy tại một trường quá xa, trong khi đang mang trong mình nhiều căn bệnh. Năm 20 tuổi, cô Yến tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm Nghệ An và được điều lên xã Hữu Dương, huyện Tương Dương (nay là xã Hữu Khuông, một xã nằm trong lòng hồ thủy điện Bản Vẽ) “cắm bản”.
Sau đó, cô được chuyển về giảng dạy tại xã Hưng Lợi (Hưng Nguyên). Ba năm sau (năm học 1997 - 1998), cô lại được điều chuyển về công tác tại Trường Tiểu học Hòa Bình (xã Hưng Phúc) và dạy ở đây đến tận bây giờ.
Tháng 8/2017, cô Yến nhận được danh sách dự kiến điều chuyển công tác giáo viên theo đề án của huyện, theo đó cô sẽ phải chuyển đến Trường Tiểu học Hưng Yên Nam, cách nhà đến 22 km, trong khi trường cũ chỉ cách khoảng 8 km. Sau khi trình bày nguyện vọng và tình trạng sức khỏe với sự xác nhận của lãnh đạo nhà trường, cô Yến nghĩ nguyện vọng của mình sẽ được lãnh đạo huyện xem xét.
Tuy nhiên, ngày 1/9, cô bàng hoàng khi nhận được tờ quyết định do đích thân hiệu trưởng mang đến tận nhà. “Hiện tôi đang mắc rất nhiều bệnh và đang phải điều trị lâu dài như bệnh tim, bệnh bướu cổ, đa nhân hai thùy tuyến giáp và đa nhân xơ tử cung. Chuyển tôi đến trường xa như vậy sẽ không đủ sức khỏe để đi lại”, cô Yến nói.
Cô Yến cho biết, ngày 4/9, cô có đơn gửi lãnh đạo huyện xem xét trường hợp của mình với các bệnh án liên quan. Một ngày sau, cô được mời lên Phòng Giáo dục huyện làm việc. “Tại phòng họp, do quá bức xúc nên tôi lại lên cơn đau thắt và ngất xỉu. Tỉnh dậy lúc 20h tối tại Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh...”, cô Yến cho biết. Xác nhận về tình trạng bệnh tật của cô Yến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hòa Bình Phan Thị Bích Liên cho hay, trong trường hợp này, lãnh đạo trường chỉ có thể xác nhận hoàn cảnh, tình trạng bệnh để mong lãnh đạo huyện xem xét. Nhà trường không có thẩm quyền quyết định.
Trong khi đó, thầy Phan Xuân Lợi - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hưng Yên Nam, tỏ ra lo ngại về sức khỏe của cô Yến sẽ ảnh hưởng đến quá trình giảng dạy. “Trước khi cô Yến được chuyển đến, trường đã có 7 giáo viên chuyển đi và 7 giáo viên chuyển đến”, thầy Lợi nói và cho hay, đến nay cô Yến nhận công tác ở trường này được 3 tuần nhưng chỉ mới đi dạy được 5 buổi vì sức khỏe yếu. Tuần dạy thứ 3, cô Yến xin nhà trường nghỉ dài ngày để nằm viện điều trị.
Theo tìm hiểu, cô Lưu Mai Yến không phải là trường hợp duy nhất ở Hưng Nguyên bức xúc với công tác luân chuyển của huyện. Đầu năm học 2017 - 2018, huyện Hưng Nguyên đã luân chuyển hơn 130 giáo viên, trong đó phần lớn là giáo viên tiểu học.
Cô N.T.H (43 tuổi, phường Trung Đô, TP. Vinh), là một trong số đó. “Tôi đi dạy đã hơn 20 năm, cũng từng nhiều năm bị luân chuyển ra trường vùng xa ở Hưng Yên Nam. Nhưng đến nay vẫn bị điều đi xã xa nhất của huyện là xã Hưng Trung”, cô H. nói. Trước đây, từ nhà cô H. đến trường cũ chỉ mất chưa đầy 10 km, nhưng nay ra dạy ở Hưng Trung, quãng đường lên tới 26 km.
“Ở trường Hưng Trung năm nay ngoài tôi còn có 3 giáo viên khác cùng ở TP. Vinh bị chuyển ra, quãng đường quá xa. Trong khi, đề án luân chuyển quy định chỉ chuyển trong bán kính không quá 15 km so với nhà”, cô H. nói.
Ông Hồ Văn Hiệp - Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên - người được phân công chủ trì đề án luân chuyển giáo viên của huyện khẳng định, việc điều chuyển được đưa ra bàn bạc, thống nhất của 5 thành viên hội đồng. “Theo đề án thì những người công tác tại một đơn vị từ 8 – 10 năm thì buộc phải luân chuyển đi trường khác công tác. Trường hợp cô Yến đã công tác tại Trường Tiểu học Hòa Bình 18 năm. Trong đơn trình bày, cô Yến cũng chỉ cung cấp 1 sổ khám bệnh, 1 số giấy siêu âm và đơn thuốc, không có hồ sơ bệnh án. Trong khi đó, làm nghề giáo viên ai mà chẳng có bệnh...”, ông Hiệp nói.
Ông Hiệp cũng cho biết, theo đề án thì những người mắc bệnh nặng sẽ được tạm hoãn việc luân chuyển. Tuy nhiên, vị Phó Chủ tịch UBND huyện không đưa ra được khái niệm như thế nào là “bệnh nặng”. “Không có quy định như nào là bệnh nặng. Nhưng theo tôi cũng có thể là nằm liệt giường”, ông Hiệp nói và cho rằng, trường hợp của cô Yến “không phải bệnh nặng” nên vẫn phải luân chuyển.
Cũng theo ông Hiệp, đề án luân chuyển được xây dựng và thực hiện trong suốt 3 năm qua và thừa nhận, có khả năng yếu tố tình cảm sẽ tác động đến các quyết định luân chuyển của thành viên hội đồng.
Cũng tại Hưng Nguyên, tháng 11/2016, bà Lê Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hưng Thắng bị kỷ luật về mặt Đảng và chính quyền sau khi bị phát hiện chỉ đạo thu nhiều khoản tiền trái quy định. Các em mầm non học tại trường này phải “gánh” đến 80 khoản thu khác nhau. Cô Hà sau đó bị điều chuyển về Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện làm chuyên viên. Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 10 tháng sau án kỷ luật đó, cô được giao về làm quyền Hiệu trưởng Trường Mầm non Hưng Tiến. Do hai xã Hưng Tiến và Hưng Thắng nằm sát nhau, trong khi bê bối thu hàng loạt khoản tiền sai quy định vẫn chưa lắng xuống, việc điều động này khiến nhiều người dân bức xúc. |
Tiến Hùng