Giá lợn hơi giảm kỷ lục
Vừa xuất bán đàn lợn 10 con, trọng lượng trung bình mỗi con 75-80kg với giá 60.000 đồng/kg, chị Nguyễn Thị Hồng (Thanh Mai, Thanh Chương) cho biết: “Đầu tháng 7, giá lợn còn 65.000 - 67.000 đồng/kg, chần chừ chưa bán thì nay lại giảm mạnh. Với mức giá này, không những không có lãi mà còn phải bù lỗ”.
Theo tính toán của chị Hồng, lứa lợn này chị vào đàn khi giá lợn giống còn cao, 300.000 đồng/kg, mỗi con giống mất 2 - 2,5 triệu đồng (trọng lượng từ 7-8kg). Từ khi nuôi đến khi xuất chuồng, chị phải đầu tư 3 triệu tiền cám công nghiệp và tiền điện nước, vắc-xin… khoảng 400.000 đồng, tính chi phí, mỗi con hết khoảng 5,5 triệu đồng, chưa kể tiền công chăm nuôi. Theo giá lợn hiện tại, 1 con chị bán được khoảng 5 triệu đồng, như vậy mỗi con còn phải bù lỗ 500.000 đồng.
Sau thời gian dài “trắng chuồng” vì dịch bệnh, gia đình anh Phạm Văn Tuế, xóm Tân Hòa, xã Nghĩa Hành (Tân Kỳ) bắt đầu tái đàntừ tháng 2/2021 với tổng đàn 18 con. “Lúc đó, giá lợn thịt còn cao nên hy vọng lứa lợn này sẽ đem lại lợi nhuận, bù cho thời gian qua thua lỗ do dịch bệnh. Vậy mà, giờ bán lứa này lại phải bù lỗ cả chục triệu đồng”, anh Tuế cho biết.
Anh Nguyễn Mạnh Hùng (Nghĩa Thuận, TX.Thái Hòa), thương lái chuyên thu mua lợn thịt trên địa bàn Nghệ An cho hay, thời điểm này, giá lợn hơi đang lao dốc, mức giá xuống thấp nhất trong vòng 2 năm qua. Trong vòng 10 ngày qua đã phải điều chỉnh giá thu mua lợn hơi đến 7 lần, mỗi lần 1-2 giá theo quy luật thị trường. Với mức giá hiện tại, những trang trại quy mô lớn thì vẫn có lãi nhẹ, còn những mô hình chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ thì chấp nhận thua lỗ.
Theo lý giải, sở dĩ giá lợn thịt xuống thấp là do sau khi dịch tả lợn châu Phi được khống chế thì các công ty, các trang trại, gia trại và chăn nuôi nông hộ đều tập trung tái đàn. Do đó, lợn đến kỳ xuất chuồng khá nhiều, cộng với số lợn và thịt đông lạnh nhập khẩu từ các nước về, giá lợn ở Thái Lan, Trung Quốc cũng đang “chạm đáy” nên nguồn cung tăng cục bộ, đẩy giá lợn trong nước xuống thấp.
Trong khi đó, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc vận chuyển lợn gặp khó khăn, mặt khác hoạt động kinh doanh ăn uống ngưng trệ, bếp ăn tập thể, trường học ngừng hoạt động nên nhu cầu thịt lợn cũng giảm mạnh. Điều này cũng góp phần khiến lợn khó tiêu thụ hơn, giá xuống thấp.
Mặc dù giá lợn hơi chạm đáy, xuống thấp đỉnh điểm nhưng giá thịt lợn mảnh, thịt lợn thành phẩm lại xuống “nhỏ giọt”, chỉ điều chỉnh rất thấp. Cụ thể, giá thịt lợn ở các chợ dân sinh vẫn dao động từ 120.000 - 150.000 đồng/kg tùy loại, giảm khoảng 5.000 đồng - 10.000 đồng/kg, trong khi giá lợn hơi giảm 20.000 - 30.000 đồng/kg. Nguyên nhân được cho là do từ trang trại đến tay người tiêu dùng phải qua quá nhiều khâu trung gian nên giá thịt bị đẩy lên cao; giá lợn xuống thấp nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua thịt giá cao.
Người dân e ngại tái đàn
Giá lợn thịt hơi giảm mạnh song giá lợn giống vẫn ở mức cao, dao động từ 180.000 đồng – 250.000 đồng/kg tùy loại (lợn siêu nạc, lợn lai hay lợn Móng Cái), một con lợn giống có giá khoảng 1,7 – 2,5 triệu đồng. Chị Lê San Na, chuyên mua bán lợn giống ở Tường Sơn (Anh Sơn) cho biết: “So với cách đây vài tháng thì giá lợn giống có giảm nhẹ, khoảng 10.000-15.000 đồng/kg, song so với giá lợn thịt thì vẫn ở mức cao. Khoảng 2 tháng lại nay, số lượng lợn giống bán ra chậm và giảm so với trước đó, nguyên nhân là người chăn nuôi sợ thua lỗ nên chưa dám tái đàn”.
Mặt khác, giá thức ăn chăn nuôi những tháng đầu năm đến nay tăng phi mã. Theo Cục Chăn nuôi, tính bình quân 6 tháng đầu năm, giá các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đều tăng so với cùng kỳ 2020 khiến giá thức ăn chăn nuôi đều tăng mạnh. Cụ thể, giá thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho lợn thịt từ 60 kg đến xuất chuồng hiện là 10.785,8 đ/kg (tăng 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái). Theo dự báo, xu hướng giá thức ăn chăn nuôi sẽ còn tăng 2 đợt với khoảng 5% trong thời gian tới.
Chi phí đầu tư ban đầu cao trong khi giá đầu ra của lợn thịt liên tục xuống thấp khiến người dân không dám “mạnh tay” khi tái đàn. Anh Phạm Văn Tuế, một hộ chăn nuôi ở Nghĩa Hành (Tân Kỳ) cho biết: “Trước đến nay, chăn nuôi là thu nhập chính của gia đình. Giờ chẳng lẽ để trống chuồng mà vào đàn tiếp thì không biết giá lợn biến động thế nào. Quy mô chuồng trại của gia đình có thể nuôi được 30-35 con, nhưng bán hết lứa này cũng chỉ dám nuôi 5-7 con thôi”.
Theo khuyến cáo từ cơ quan chức năng, giá lợn thịt sắp tới được cải thiện song chắc chắn sẽ không có kiểu tăng nhanh, đột biến như thời gian qua. Việc người dân e ngại khi tái đàn sẽ làm giảm hụt nguồn cung trong thời gian tới, do đó, để điều tiết theo cung – cầu thị trường, người chăn nuôi cần chủ động thay đổi phương thức kinh doanh, ứng dụng công nghệ để giảm chi phí sản xuất, cần thiết hình thành chăn nuôi theo chuỗi, giảm rủi ro, giảm thua lỗ./.