Clip: Thanh Phúc

TRÙNG ĐỒNG, NÔNG DÂN PHẢI “LỤY” MÁY GẶT

Nhiều vùng đồng ở Hưng Nguyên lúa đã chín rũ nhưng chưa máy gặt chưa về kịp. Ảnh: Thanh Phúc

Vụ xuân năm nay, toàn xóm 3, xã Hưng Phúc (Hưng Nguyên) gieo cấy 134 mẫu lúa. Hiện, toàn bộ diện tích lúa xuân đã chín vàng, cần được thu hoạch ngay. Tuy nhiên, do cả xã chỉ có 1 máy gặt nên không đáp ứng đủ. Ông Hồ Đỗ Nhuận, xóm trưởng xóm 3 phải chạy khắp các xã lân cận liên hệ máy về gặt cho dân song vẫn khó khăn.

Ông Nhuận cho biết: “Hiện đã có 2 máy ở Hưng Mỹ nhận về gặt cho dân song cũng phải 2 ngày nữa. Nếu thu hoạch chậm thì không chỉ ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng, sợ gặp mưa mà còn ảnh hưởng đến kế hoạch thời vụ hè thu sắp tới”.

Làm gần 1 mẫu ruộng, trong đó có 3 sào nếp đã chín rũ, mấy ngày nay, nhất là khi thông tin dự báo thời tiết có gió mùa kèm mưa khiến ông Nguyễn Văn Tú (Xóm 3, Hưng Phúc) đứng ngồi không yên. 

Người dân xã Hưng Phúc, Hưng Lợi (Hưng Nguyên) "chạy" theo máy gặt, đứng chờ máy cả ngày với hy vọng sớm thu hoạch. Ảnh: Thanh Phúc

Ông Tú cho biết: “3 sào nếp nếu không gặt kịp sẽ bị chim, chuột phá hoại. Lúa cũng chín quá rồi, giờ máy không về kịp là hạt rụng nhiều, ảnh hưởng đến năng suất. Mặt khác, năm nay, lúa bị đạo ôn cổ bông, nếu để chín quá sẽ rục, sẽ bị rụng hạt. Với lại đặc thù của vùng đồng xóm này là chưa mưa đã lụt, chưa nắng đã hạn nên nếu không thu hoạch kịp sẽ ảnh hưởng đến thời vụ hè thu, làm muộn sẽ bị ngập úng”.

Không riêng gì ở Hưng Phúc mà các vùng đồng của các địa phương khác như: Nam Đàn, Thanh Chương, Tân Kỳ… lúa đã chín đại trà song máy khan hiếm nên người dân rất lo lắng. Nhiều người khi nghe tin có máy gặt về đã ôm bì tải, dây buộc đứng chờ trên bờ từ sáng tới tối, kể cả ban đêm để “kéo” máy về gặt ruộng mình.

Cả vùng đồng hàng trăm mẫu, lúa đã chín nhưng chỉ có 1 máy gặt phục vụ dân. Ảnh: Thanh Phúc

Ông Ngô Quang Phấn, một chủ máy cho biết: “Các vùng đồng như Hưng Thịnh, Hưng Phúc, Hưng Lợi, Hưng Mỹ cả nghìn ha lúa xuân nhưng chỉ có dăm máy gặt trong khi lúa chín đại trà nên không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Hiện nay, ngoài 3 máy gặt của gia đình, chúng tôi đã kết nối, liên hệ với máy gặt ở các tỉnh phía Bắc như Thái Bình, Nam Định – nơi những vùng lúa chín sau về địa phương để phục vụ bà con. Hiện, các máy làm hết công suất từ 4h sáng đến 22-23h đêm mới nghỉ. Hiện chúng tôi đang gặt ở vùng đồng Hưng Phúc nhưng các nơi khác đã liên tục gọi giục đưa máy về. Nguyên nhân khan hiếm máy một phần do trùng đồng, lúa chín cùng lúc; phần nữa do xăng dầu tăng giá cao nên máy các nơi không muốn về vì chi phí quá nhiều”.

GIÁ DỊCH VỤ GẶT MÁY TĂNG

Năm nay, giá xăng dầu liên tiếp tăng,đạt đến mức kỷ lục khiến giá dịch vụ gặt máy cũng tăng theo. Hiện, giá dịch vụ gặt máy dao động từ 160.000-220.000 đồng/sào (tùy vùng đồng, tùy tình trạng lúa đứng hay lúa bổ). So với các năm trước tăng từ 20.000 – 70.000 đồng/sào.

Hiện giá gặt máy mỗi sào dao động từ 160.000 - 220.000 đồng, tăng 20.000-70.000 đồng/sào so với cá năm trước. Ảnh: Thanh Phúc

Anh Nguyễn Văn Hòa, chủ một máy gặt ở xã Thanh Phong (Thanh Chương) cho biết: “Giá xăng dầu tăng khiến giá cả các dịch vụ đều tăng theo. Giá vận chuyển một máy gặt từ vùng đồng ở địa phương này sang địa phương khác tăng mạnh. Nếu như năm ngoái, chuyển đồng từ Nam Định vào Nghệ An chỉ hết 2,5-3 triệu đồng/máy thì nay đã lên đến 4,5 triệu đồng; còn chuyển đồng nội tỉnh cũng tăng thêm 50.000-150.000 đồng/lượt (tùy khoảng cách).

Giá dầu tăng, để gặt 1 sào lúa tiêu tốn 2,5 lít dầu, hết khoảng 70.000 đồng/sào, tăng gấp rưỡi so với vụ xuân năm trước; giá nhân công đóng bao tăng từ 300.000 đồng/ngày lên đến 450.000 đồng/ngày; giá tài lái máy tăng từ 600.000 đồng/ngày lên đến 700.000 đồng/ngày. Do đó, giá dịch vụ gặt máy của chúng tôi cũng phải tăng theo mới đủ chi phí”.

Giá nhân công đóng bao, giá tài lái máy đều tăng so với trước. Ảnh: Thanh Phúc

Theo phản ánh của người dân, giá dịch vụ máy gặt tăng thêm 20.000 đồng/sào là có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, nhiều vùng đồng, do qua “cò” máy nên giá tăng thêm 50.000-70.000 đồng/sào là khó có thể chấp nhận. Bởi, năm nay, giá vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chi phí đầu vào như: giống, công cày bừa, công gieo cấy… đều tăng. Trong khi đó, năng suất lúa giảm mạnh, có những vùng đồng, năng suất giảm đến 50%, giá lúa vẫn giữ nguyên nên nếu giá dịch vụ máy gặt tăng quá cao người dân phải chấp nhận thua lỗ. 

Ông Lê Văn Thành, một hộ dân ở xóm 3 Hưng Phúc chia sẻ: “Tính tổng chi phí cho 1 sào lúa từ khi gieo giống đến khi thu hoạch hết khoảng 1,1-1,2 triệu đồng. Năng suất như vụ này chỉ đạt 1,5-1,7 tạ/sào, giá lúa 7.000 đồng/kg thì số tiền thu về chưa đủ bù vốn bỏ ra chứ chưa nói đến tiền công chăm sóc 4 tháng trời. Do đó, điều chúng tôi mong muốn là các chủ máy gặt cũng xem xét, tính toán lấy mức giá vừa phải, không nâng quá cao khiến người dân phải chịu thiệt”.

Cần có sự kết nối, phối hợp chặt chẽ giữa địa phương và chủ máy để tránh tình trạng cò "thổi giá" dịch vụ gặt máy, dân "khai man" diện tích ruộng. Ảnh: Thanh Phúc

Tại nhiều địa phương, chính quyền và ban cán sự xóm đã kết nối, phối hợp chặt chẽ với các chủ máy gặt để làm việc, ký hợp đồng và thỏa thuận mức giá gặt máy phù hợp cho dân, tránh tình trạng “cò máy gặt” thổi giá, chèn ép dân. Đồng thời, phía chính quyền cũng cung cấp sơ đồ, diện tích các vùng đồng cụ thể cho các chủ máy, tránh người dân “khai man” diện tích dẫn đến mâu thuẫn giữa dân và chủ máy nhằm đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Ông Hồ Đỗ Nhuận, xóm trưởng xóm 3, xã Hưng Phúc cho biết: “Ban cán sự xóm đã trực tiếp liên hệ với chủ máy, thỏa thuận giá cả và cam kết thu đúng giá, không “thổi giá” làm khó dân. Đồng thời, tránh tình trạng mảnh ruộng 2 sào mà dân báo với chủ máy chỉ 1,5 sào dẫn đến xích mích, cãi cọ thì chúng tôi cũng sẵn sàng cung cấp diện tích các vùng đồng cho các chủ máy trên tinh thần song phẳng, hai bên cùng có lợi”.

Nhiều vùng đã có thêm dịch vụ cuộn rơm. Khi rơm trên đồng đã khô, máy sẽ cuộn theo luống, người dân chỉ việc mang về cất kho sử dụng dần. Giá dịch vụ cuộn rơm hiện tại dao động từ 55.000-60.000 đồng/sào. Ảnh: Thanh Phúc

Vụ xuân năm nay, ngoài dịch vụ gặt máy thì nhiều vùng đồng đã có thêm máy cuốn rơm, giúp người dân đẩy nhanh tiến độ thu hoạch, giảm nhân công lao động, giảm chi phí sản xuất. Đây là tín hiệu đáng ghi nhận khi nông nghiệp đang dần dần cơ giới hóa hoàn toàn.