Lợi ích lớn
Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Nghệ An trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng Bắc Trung Bộ và là điểm đến hấp dẫn của cả nước. Trong đó, hình thành sản phẩm mang thương hiệu du lịch Nghệ An, gồm: Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên (Nam Đàn), Khu đô thị du lịch biển Cửa Lò và Trung tâm dịch vụ du lịch thành phố Vinh.
Ba địa phương này sẽ tạo thành thế “chân kiềng” trong phát triển sản phẩm, dịch vụ để thu hút khách du lịch, tăng nguồn doanh thu từ du lịch. Hiện số lượng khách, doanh thu du lịch của 3 địa phương này chiếm tỷ trọng trên 90%, số đơn vị lữ hành chiếm hơn 84% toàn tỉnh.
Những năm gần đây, cả 3 địa phương đều nỗ lực trong việc đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng, hoàn thiện và làm mới các sản phẩm du lịch để thu hút ngày càng nhiều du khách tham quan, trải nghiệm. Thị xã Cửa Lò đang từng bước hình thành điểm trải nghiệm làng chài ven biển ở phường Nghi Thủy với chợ hải sản, làng nghề chế biến hải sản và các điểm văn hóa tâm linh.
Nghĩa là về với Cửa Lò, du khách không chỉ tắm biển, thưởng thức hải sản mà còn được trải nghiệm nhịp sống của cư dân vùng biển với công việc mưu sinh, sinh hoạt đời thường, đời sống tinh thần và truyền thống văn hóa. Qua đó, du khách có dịp hiểu rõ hơn về dòng chảy cuộc sống, vẻ đẹp ẩn chứa sau những ngôi làng, khu phố của thị xã biển.
Thành phố Vinh bước đầu thành công với phố đi bộ được tổ chức vào tối thứ Sáu và thứ Bảy hàng tuần, thu hút hàng nghìn người dân và du khách. Các hoạt động và dịch vụ tại phố đi bộ đang ngày một phong phú, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách, nhất là giới trẻ.
Bên cạnh đó, các di tích lịch sử - văn hóa được bảo tồn, trùng tu và nâng cấp như Đền thờ Hoàng đế Quang Trung, đền Hồng Sơn, chùa Diệc, Thành cổ Vinh cũng góp phần quan trọng trong thu hút khách du lịch.
Còn huyện Nam Đàn, cùng với trọng điểm Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên, cùng các điểm đến như chùa Đại Tuệ, Khu tưởng niệm chí sỹ Phan Bội Châu, đình Hoành Sơn…
Đồng thời, xây dựng không gian làng quê ở xã Kim Liên mang đậm sắc màu truyền thống với những ao sen ngát hương, lũy tre xanh ngát, dãy hàng rào dâm bụt, vườn cây trĩu quả. Một số homestay đã được hình thành, đi cùng với đó là sự ra đời của HTX Sen Quê Bác với những sản phẩm độc đáo, góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch.
Mối liên kết, hợp tác giữa 3 địa phương trong phát triển du lịch đã được hình thành từ nhiều năm trước. Trong bối cảnh hiện nay, sự hợp tác này cần được củng cố và nâng cao hơn nữa.
“Chỉ có sự liên kết, hợp tác mới mang lại lợi ích lớn về du lịch cho các địa phương. Điều này cần được thực hiện từng bước, theo lộ trình và kế hoạch cụ thể”.
Xây dựng các điểm đến mới
Vấn đề hợp tác phát triển “Ba địa phương một hành trình, nhiều trải nghiệm” giữa thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò và huyện Nam Đànsẽ phát huy tiềm năng, lợi thế, những sản phẩm du lịch đặc trưng của từng địa phương để liên kết xây dựng thương hiệu, điểm đến.
Bởi sự hợp tác này đã có nền móng từ nhiều năm trước, khoảng cách địa lý giữa 3 địa phương không xa, sản phẩm du lịch khá phong phú, có nhiều điểm đến được du khách khắp mọi miền đất nước lựa chọn.
Bà Trần Thị Cẩm Tú – Phó Chủ tịch UBND thành phố Vinh cho biết: Để hợp tác ngày càng hiệu quả, hàng năm 3 địa phương sẽ tổ chức khảo sát, đánh giá, xây dựng và công bố 1 – 2 tour liên kết, trong đó, lồng ghép đa dạng các sản phẩm nhằm thỏa mãn nhu cầu trải nghiệm của khách du lịch.
Đồng thời, tổ chức xúc tiến, quảng bá du lịch gắn với chuyển đổi số, phối hợp đón các đoàn Famtrip, Presstrip đến khảo sát du lịch, phối hợp xây dựng thương hiệu điểm đến và bộ nhận diện chung của du lịch 3 địa phương…
Ở góc độ kinh doanh lữ hành, theo ông Võ Hồng Sáng - Giám đốc Công ty Thái Sơn Travel, cả 3 địa phương đều đang có tiềm năng để khai thác và phát triển sản phẩm du lịch. Những sản phẩm hiện nay đã có thời gian trải nghiệm khá dài, cần được làm mới, bổ sung thêm cho phong phú để thu hút, giữ chân du khách và tăng khả năng cạnh tranh với các tỉnh trong khu vực.
Ví dụ như TX. Cửa Lò hoàn thiện điểm đến làng chài Nghi Thủy, sớm xây dựng hệ thống cáp treo ra đảo Song Ngư. Thành phố Vinh tiếp tục bổ sung các hoạt động kinh doanh, dịch vụ ở phố đi bộ để thu hút khách ngoại tỉnh. Đặc biệt, huyện Nam Đàn có thể xây dựng thêm các điểm tham quan như thành Lục Niên ở xã Nam Kim, làng nghề chế biến tương ở thị trấn, tham quan đền thờ Vua Mai và khám phá dấu tích thành Vạn An.
“Ngoài ra, huyện Nam Đàn có thể mở rộng diện tích trồng sen, lưu giữ và khôi phục nét đặc trưng của làng quê, tổ chức các CLB Dân ca ví, giặm và hát phường vải để phục vụ du khách. Bởi nhiều du khách có muốn được đắm mình giữa không gian làng quê khi về thăm quê Bác, muốn có một tour trải nghiệm nét đẹp văn hóa của vùng địa linh nhân kiệt”, ông Sáng nói.
Như vậy, thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò và huyện Nam Đàn là 3 địa phương trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh, có nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch, có nhiều sản phẩm khác biệt, đặc trưng để bổ trợ lẫn nhau. Việc liên kết điểm đến của 3 địa phương sẽ tạo ra sản phẩm du lịch đa loại hình, đa trải nghiệm để thu hút du khách.
Nếu hoạt động liên kết, hợp tác được thực hiện tốt sẽ tạo ra cực tăng trưởng du lịch của vùng, tạo động lực thúc đẩy phát triển du lịch của các địa phương khác trong tỉnh; khẳng định vai trò, vị trí đầu tàu trong thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh.
“3 địa phương sớm xây dựng chương trình, kế hoạch mỗi năm có thêm những điểm mới, mở rộng liên kết vùng để thu hút khách du lịch. Ngành Du lịch hướng dẫn 3 địa phương tổ chức triển khai thực hiện, xây dựng điểm đến, tour, tuyến, phát triển sản phẩm mới; các doanh nghiệp lữ hành tích cực tư vấn xây dựng sản phẩm du lịch mang lại hiệu quả thiết thực”.