13 tỉnh điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất gồm: Hà Nam, Hà Giang, Bắc Kạn, Bắc Giang, Phú Thọ, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Phú Yên, Quảng Bình, Gia Lai, Khánh Hòa, Vĩnh Phúc và Nghệ An.
Diện tích đất trồng lúa cần bảo vệ nghiêm ngặt. Ảnh: Lúa được mùa ở huyện Đô Lương. Ở Nghệ An quy hoạch đất nông nghiệp được sử dụng đến 2020 là 1.454.055 ha, trong đó đất trồng lúa là 101.027 ha, đất rừng phòng hộ là 365.000 ha, đất rừng sản xuất 615.000 ha, đất khu công nghiệp là 6.110 ha, đất phát triển hạ tầng là 68.328 ha, đất chưa sử dụng là 22.633 ha.
Chính phủ cũng phê duyệt chuyển đổi 38.667 ha đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp ở Nghệ An trong giai đoạn 2016 - 2020, trong đó năm 2018 chuyển đổi 7.747 ha, năm 2019 chuyển đổi 9.698 và năm 2020 chuyển đổi 13.958 ha.
Chính phủ yêu cầu Nghệ An chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng sang các mục đích khác, hạn chế tối đa việc chuyển mục đích đất rừng và trong việc rà soát, kiểm tra hiện trạng sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên trước khi chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các công trình, dự án theo quy định.
Rừng măng thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt. Ảnh tư liệu Đối với các công trình, dự án có sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên thuộc trường hợp phải báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì gửi báo cáo về Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ trước khi quyết định chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định.
Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An chỉ đạo, kiểm tra và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.
Xác định ranh giới và công khai diện tích đất trồng lúa cần bảo vệ nghiêm ngặt; điều tiết phân bổ nguồn lực, trước hết là nguồn ngân sách nhà nước bảo đảm lợi ích giữa các khu vực có điều kiện phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ với các khu vực bảo vệ đất trồng lúa, đất rừng; có chính sách, biện pháp phù hợp để giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập, để người trồng lúa yên tâm sản xuất; tăng đầu tư hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa các khu vực.