Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa công bố kết quả kiểm tra ớt bột, ớt khô nguyên liệu tại các cơ sở sản xuất, chợ dân sinh và siêu thị trên toàn quốc.

Theo đó, 2 đoàn kiểm tra đã tổ chức kiểm tra 3 đợt với 262 mẫu ớt bột, ớt khô nguyên liệu tại các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh trong chợ dân sinh và siêu thị. Kết quả cho thấy số mẫu vượt ngưỡng dư lượng Aflatoxin cho phép là 95 mẫu/262 mẫu, chiếm 36,25%.

 
28099004_1952018.jpgNhiều mẫu ớt lấy từ 10 tỉnh, thành phố có tồn dư chất aflatoxin gây ung thư gan
Aflatoxin là độc tố và có thể gây bệnh ung thư. Đây là độc tố vi nấm sản sinh tự nhiên bởi một số loài Aspergillus, là một loại nấm mốc.

Tỷ lệ mẫu vượt ngưỡng dư lượng Aflatoxin tại cơ sở sản xuất, kho bảo quản chiếm 30,7%, tại hộ kinh doanh trong chợ chiếm 48,6%, tại siêu thị chiếm 21,62%.

Ông Nguyễn Văn Tiến, quyền Chánh thanh tra Bộ NN&PTNT, nhận định hầu hết cơ sở sản xuất, chế biến, bảo quản, kinh doanh ớt bột khô là quy mô hộ gia đình, điều kiện chế biến, bảo quản không đảm bảo, dẫn tới có độc tố vi nấm Aflatoxin trong sản phẩm ớt bột.

Ngoài ra còn do người sản xuất và kinh doanh thiếu hiểu biết về quy trình sản xuất, bảo quản để không tạo độc tố.

Ớt bột bẩn có thể gây ung thư. Ảnh minh họa.

Một nguyên nhân khác cũng được đại diện Bộ NN&PTNT chỉ ra, là nhiều địa phương có độ ẩm cao, mưa nhiều, không có thiết bị sấy, chủ yếu phơi tự nhiên, bao gói sơ sài dẫn đến ớt bột thường bị nhiễm nấm mốc Aspergillus flavus, Aspergillus parasiticus, là nguyên nhân chính sinh ra độc tố Aflatoxin.

Hiện Thanh tra Bộ NN&PTNT, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đang phối hợp với Cục An ninh Nông nghiệp nông thôn (A86) để xử lý các cơ sở sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh ớt bột vi phạm.

Đoàn kiểm tra cũng thông tin có 5 công ty nhập khẩu và kinh doanh ớt bột có Giấy chứng nhận sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm nhưng lại có rất nhiều lô hàng nhập về trong thời gian này mà không rút mẫu kiểm tra chất lượng trong đó có chỉ tiêu độc tố nấm mốc Aflatoxin.

Đoàn kiểm tra đã yêu cầu các cơ sở nghiêm túc bảo đảm điều kiện sản xuất, bảo quản theo quy định. Ngoài ra cũng kiểm tra, giám sát chất lượng không chỉ với ớt bột mà còn các loại nông sản có nguy cơ lây nhiễm nấm mốc như lạc, đỗ, hồ tiêu, điều….

Đoàn đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với 5 cơ sở sản xuất, nhập khẩu có vi phạm đề xuất xử phạt với số tiền 110 triệu đồng. Toàn bộ số hàng vi phạm sẽ bị thu hồi và tiêu hủy.