(Baonghean) - Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 là sự kiện chính trị rất quan trọng của cả nước trong năm 2016. Báo Nghệ An đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Cao Thị Hiền - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh về các nội dung liên quan
P.V: Tiếp nối thành công Đại hội Đảng các cấp, hiện tại Nghệ An cũng như cả nước đang tiến hành chuẩn bị cho cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016 - 2021. Xin đồng chí cho biết mục đích, ý nghĩa và quan điểm chỉ đạo đối với cuộc bầu cử lần này?
Đồng chí Cao Thị Hiền - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh trao đổi kinh nghiệm hoạt động với thường trực các huyện, thị xã cụm tuyến Quốc lộ 1.
Đồng chí Cao Thị Hiền: Cuộc bầu cử ĐBQH khoá XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 diễn ra vào thời điểm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đó là Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng vừa thành công tốt đẹp; Đại hội đã thông qua các văn kiện quan trọng có ý nghĩa định hướng xây dựng đất nước giai đoạn 2016-2021 và những năm tiếp theo, tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; thực hiện thành công công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Đối với tỉnh Nghệ An, Đại hội Đảng các cấp, đặc biệt là Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 thành công cũng trở thành động lực động viên các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị đoàn kết, chung sức đồng lòng với ý chí quyết tâm cao nhằm thực hiện tốt những mục tiêu, định hướng, đưa Nghệ An trở thành tỉnh khá vùng Bắc Trung bộ.
Đại biểu HĐND tỉnh tìm hiểu sự hài lòng của bệnh nhân tại bệnh viện Sản nhi Nghệ An. Cuộc bầu cử ĐBQH khoá XIV và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016 - 2021 là sự kiện chính trị quan trọng, là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý, dân chủ sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Đây là cơ hội để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu, có đức, có tài, xứng đáng đại diện cho nhân dân tại Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Đây cũng là dịp để tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Nhận thức đầy đủ tầm quan trọng cũng như ý nghĩa to lớn của cuộc bầu cử lần này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Chỉ thị số 01-CT/TU, ngày 04/02/2016 về việc lãnh đạo bầu cử ĐBQH khóa XIV và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016 - 2021; đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo để đảm bảo sự lãnh đạo kịp thời, toàn diện công tác bầu cử. Đến thời điểm này, các công tác “khởi động” cho công tác chuẩn bị bầu cử đã được tỉnh triển khai đúng yêu cầu quy định và tiến độ. Theo đó, tỉnh đã tổ chức hội nghị triển khai công tác bầu cử toàn tỉnh; tiến hành thành lập Ủy ban bầu cử ĐBQH và HĐND tỉnh, nhiệm kỳ 2016 – 2021 và phân công cụ thể cho từng thành viên; ban hành kế hoạch triển khai công tác bầu cử.
Song song với đó thành lập các tiểu ban giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiểu ban tuyên truyền, tiểu ban an ninh trật tự và tổ chuyên viên giúp việc cho Ủy ban bầu cử; trong đó quy định rõ chức năng, nhiệm vụ để đảm bảo thực hiện đồng bộ và toàn diện công tác bầu cử. Tỉnh cũng đã tiến hành hiệp thương lần 1 để thảo thuận cơ cấu, thành phần, số lượng ĐBQH khóa XIV được bầu tại Nghệ An và đại biểu HĐND tỉnh, nhiệm kỳ 2016 – 2021. Để bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân, yêu cầu các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở cần đoàn kết thống nhất, tăng cường phối hợp, tập trung dốc sức chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử trên địa bàn tỉnh.
P.V:So với các cuộc bầu cử trước, cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016 – 2021 có nhiều điểm mới. Xin đồng chí làm rõ hơn vấn đề này?
Đồng chí Cao Thị Hiền: Ngày 04/01/2016, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị số 51/CT-TW về lãnh đạo cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016 – 2021. Theo đó, Chỉ thị đã đề ra một số điểm mới, đó là yêu cầu việc giới thiệu phải là những người tiêu biểu, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, có năng lực, điều kiện thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Không đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; đã bị các cơ quan có thẩm quyền kết luận không trung thực; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra những vụ việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết nghiêm trọng.
Lãnh đạo bầu đủ số lượng ĐBQH và HĐND các cấp, đặc biệt coi trọng chất lượng đại biểu. Giảm hợp lý số đại biểu công tác tại cơ quan hành chính; tăng số lượng đại biểu chuyên trách; bảo đảm tỷ lệ người ứng cử là phụ nữ, người dân tộc thiểu số theo đúng quy định của Luật Bầu cử. Bổ sung tỷ lệ hợp lý đại biểu đại diện các hiệp hội, nghiệp đoàn về các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân không chỉ trong việc lựa chọn, giới thiệu ứng cử ĐBQH và HĐND mà còn trong công tác bầu cử.
Đây cũng là cuộc bầu cử đầu tiên được thực hiện theo Luật Bầu cử ĐBQH và HĐND số 85/2015/QH13, ngày 25/6/2015 của Quốc hội với việc bổ sung một số điểm mới để đảm bảo phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và tình hình mới. Bao gồm quy định quyền quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp; quyết định việc bầu cử bổ sung ĐBQH trong thời gian giữa nhiệm kỳ: quyết định thành lập Hội đồng bầu cử Quốc gia là thẩm quyền của Quốc hội thay vì Ủy ban Thường vụ Quốc hội như trước đây.
Luật cũng quy định rõ số lượng người dân tộc thiểu số được giới thiệu ứng cử ĐBQH đảm bảo có ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH; số lượng người được giới thiệu ứng cử là nữ chiếm ít nhất 35%. Điểm mới đáng chú ý nữa, đó là những người đang bị tạm giam, những người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc cũng sẽ được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu ĐBQH và HĐND cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, đang được giáo dục, cai nghiện bắt buộc.
Trên cơ sở các quy định và những điểm mới của cuộc bầu cử lần này, ở Nghệ An, số lượng ĐBQH được bầu gồm 13 đại biểu, trong đó có 5 đại biểu Trung ương và 8 đại biểu ở địa phương. Trong tổng số 13 ĐBQH sẽ có 2 đại biểu chuyên trách, tăng 1 đại biểu chuyên trách so với nhiệm kỳ trước. Tương tự, đối với HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 - 2021 sẽ có 91 đại biểu được bầu, tăng 6 đại biểu so với nhiệm kỳ 2011 - 2016. Và số lượng đại biểu HĐND chuyên trách nhiệm kỳ này cũng từ 6 đại biểu lên 10 đại biểu, mỗi Ban HĐND tỉnh được tăng thêm 1 đại biểu chuyên trách.
P.V:Để chuẩn bị chu đáo, đảm bảo thành công của cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016 – 2021 dự kiến được tổ chức vào ngày 22/5/2016 tới, xin đồng chí cho biết những công việc cần thực hiện và yêu cầu đặt ra đối với cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân?
Đồng chí Cao Thị Hiền: Để cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 được tổ chức thắng lợi, đảm bảo dân chủ, bình đẳng, đúng luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân, các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết.
Tập trung quán triệt đầy đủ, nghiêm túc các văn bản pháp luật và những văn bản hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh một cách sâu rộng trong toàn bộ hệ thống để đảm bảo thực hiện đúng luật và tiến độ. Chú trọng làm tốt công tác nhân sự, bảo đảm phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ; gắn công tác quy hoạch cán bộ, kết quả nhân sự sau Đại hội Đảng các cấp và thực hiện các quy định của Trung ương, của tỉnh và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân về ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử; các quy định của Luật Bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp; về vị trí, vai trò của Quốc hội và HĐND trong bộ máy Nhà nước; về vị trí, vai trò của người đại biểu nhân dân; về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân trong việc xây dựng bộ máy Nhà nước trong sạch, vững mạnh, có hiệu lực, hiệu quả. Từ đó để đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác bầu cử của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị; động viên cử tri tự giác, tích cực, chủ động tham gia bầu cử. Mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đề cao trách nhiệm, tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia bầu cử.
Trong quá trình chuẩn bị cho công tác bầu cử ĐBQH khóa XIV và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016 – 2021, các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở cần phối hợp chặt chẽ để tham mưu, hướng dẫn kịp thời cũng như giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức bầu cử, bảo đảm cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016 – 2021 diễn ra trên phạm vi toàn tỉnh đảm bảo yêu cầu về tiến độ, đúng luật và thành công tốt đẹp.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Mai Hoa
(Thực hiện)