(Baonghean) - Hiện tại, dù Nghị định 49 và Nghị định 74 đến đầu năm học 2015 -2016 đã hết hiệu lực, nhưng ở Nghệ An vẫn dự trù 60 tỷ đồng trong năm tài chính 2015 để thực hiện miễn, giảm học phí và chi phí học tập cho học sinh miền núi.
Trường Tiểu học Cắm Muộn 2 (xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong) cách đây chừng 10 năm là một trong những trường khó khăn nhất huyện với 3 điểm trường lẻ, cơ sở vật chất rất thiếu thốn, tạm bợ. Cũng vì lẽ đó, công tác vận động học sinh đến trường gặp rất nhiều trở ngại, phụ huynh học sinh không mặn mà với việc đưa con em đến trường.
Cứ đến mùa khai giảng, các giáo viên lại cất công vào những bản xa xôi như Đon Phạt, Khe Háng, Khe Què để vận động học sinh đến trường. Những bữa cơm trưa, thầy và trò chia nhau bát cơm, củ sắn…
Từ năm học 2010 - 2011 khi học sinh trong trường được thụ hưởng chương trình đảm bảo chất lượng trường học (SEQAP), mỗi tuần các em 2 buổi được hỗ trợ ăn cơm trưa ở trường. Học sinh diện hộ nghèo thì được hưởng chính sách miễn, giảm học phí theo Quyết định 49. Nhờ vậy, nhà trường có thể thực hiện bữa ăn bán trú, tổ chức dạy học 2 buổi ngày, học sinh, phụ huynh cũng không còn phải lo lắng vì quãng đường xa xôi, ngày 4 buổi phải đi về rất vất vả…
Các học sinh nghèo, dân tộc thiểu số ở Quế Phong cũng đang được hưởng ưu đãi về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập. Từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 - 2015, mỗi năm, Nhà nước hỗ trợ miễn giảm hơn 1 tỷ đồng cho học sinh mầm non và THCS của huyện; các đối tượng trên còn được hỗ trợ chi phí học tập với mức 70.000 đồng/học sinh/tháng để mua sách vở và các đồ dùng khác...
Thầy Sầm Hồng Lệ - Trưởng phòng Giáo dục huyện Quế Phong cho biết: Nhờ chính sách miễn giảm, hỗ trợ học phí của Nhà nước mà việc vận động học sinh đến trường ở những xã vùng sâu vùng xa của huyện như Tri Lễ, Thông Thụ, Châu Thôn… thuận lợi hơn nhiều. Phụ huynh cũng tạo điều kiện cho con em họ đến trường nhiều hơn trước; vì vậy mà tỷ lệ học sinh bỏ học hàng năm ở Quế Phong đã giảm nhiều.
Dù ngân sách tỉnh còn eo hẹp, có nhiều thời điểm kinh phí từ Trung ương chuyển về chưa kịp thời, nhưng tỉnh vẫn chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo phân bổ nguồn kinh phí cho các huyện, đảm bảo chi trả đầy đủ các chế độ cho giáo viên, học sinh và chi hoạt động của các trường.
Hiện tại, dù Nghị định 49 và Nghị định 74 đến đầu năm học 2015 -2016 đã hết hiệu lực, nhưng ở Nghệ An vẫn dự trù 60 tỷ đồng trong năm tài chính 2015 để thực hiện miễn, giảm học phí và chi phí học tập cho học sinh miền núi.
Tỉnh cũng đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục và đào tạo, trong đó đặc biệt quan tâm giáo dục mầm non; giáo dục tiểu học đúng độ tuổi ở vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, hàng năm tỉnh bố trí kinh phí từ ngân sách tăng cường cơ sở vật chất cho các trường DTNT, hỗ trợ xây dựng các trường bán trú; cân đối ngân sách giáo dục hàng năm để tu sửa cải tạo, mua sắm thiết bị đồ dùng dạy học cho các cơ sở giáo dục.
Tỉnh cũng tranh thủ nhiều chính sách hỗ trợ ở vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để cải thiện cơ sở vật chất và tiến tới xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Trong đó, riêng đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên đã đầu tư cho 11 huyện, thị miền núi là 775 tỷ đồng, chiếm khoảng 69% tổng vốn trái phiếu Chính phủ đầu tư cho tỉnh Nghệ An để xây dựng được hơn 2.600 phòng học và 945 phòng công vụ giáo viên.
Ngoài ra, hệ thống trường mầm non và phổ thông ở các thôn bản khó khăn cũng được đầu tư từ Chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn (Chương trình 135); mua sắm thiết bị, nhu yếu phẩm phục vụ học tập như giấy, bút từ Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo.
Các dự án sử dụng nguồn vốn ODA cũng ưu tiên đầu tư vùng miền núi, dân tộc như Dự án giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đầu tư cho huyện Tương Dương, Quế Phong; Dự án phát triển giáo dục trung học giai đoạn 2 đầu tư xây dựng phòng học của trường đặc biệt khó khăn thường xuyên bị ảnh hưởng của bão lụt...
Đặc biệt, để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo vùng miền núi, thực hiện tốt nhiệm vụ tạo nguồn đào tạo cán bộ cho các dân tộc thiểu số, đồng thời tạo nguồn đào tạo cán bộ có chất lượng tỉnh đã quan tâm đến việc xây dựng hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú với quy hoạch 6 trường PTDTNT huyện và 2 trường PTDTNT tỉnh. Tổng kinh phí để xây dựng từ năm 2009 đến nay là 143 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách tỉnh là 66,7 tỷ đồng.
Với những nỗ lực trên đã góp phần quan trọng để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục vùng miền núi. Từ đó, thực hiện thành công phổ cập giáo dục tiểu học năm 2000, phổ cập GDTH đúng độ tuổi 2005 và phổ cập THCS năm 2006 và đang từng bước phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi vào cuối năm 2015. Tỷ lệ phòng học kiên cố hóa và bán kiên cố đạt trên 80% (tiểu học đạt 85%, THCS đạt 94%, THPT đạt 99%). Tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia đạt trên 40%. Hệ thống nhà công vụ, nhà nội trú ở các trường vùng đặc biệt khó khăn từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho giáo viên và học sinh ở lại nội trú. Công tác xây dựng đội ngũ được quan tâm, đủ về số lượng, 100% đạt chuẩn đào tạo, tỷ lệ trên chuẩn tăng nhanh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thì một số chính sách trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc.
Đơn cử như trong việc thực hiện Quyết định số 85/2010/QĐ - TTg về chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú. Hiện theo quy định học sinh bán trú ở tỉnh đã được hỗ trợ tiền ăn, hỗ trợ nhà ở… Nhưng việc hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường thì vẫn chưa thể thực hiện. Vì vậy, nhiều trường bán trú (đặc biệt là các trường thuộc bậc THCS) cơ sở vật chất vẫn còn thiếu thốn, nghèo nàn và đang tận dụng từ những phòng học cũ hoặc nhà công vụ giáo viên.
Các công trình như nhà ở, giường nằm, nhà bếp, phòng ăn, nhà tắm, công trình vệ sinh, công trình nước sạch và các thiết bị kèm theo cho học sinh bán trú chưa được đảm bảo. Hầu hết, các trường bán trú vẫn đang hoạt động dưới hình thức xã hội hóa từ đóng góp của phụ huynh và các nhà hảo tâm.
Hệ thống các trường PT DTNT THCS cũng chưa hoàn thiện dù đã đi vào hoạt động được nhiều năm. Hiện trong 6 trường của cả tỉnh, chỉ mới trường PT DTNT THCS Tương Dương là hoàn thành các hạng mục, còn lại đang dở dang; trong đó, Trường PT DTNT THCS Quế Phong đang phải mượn cơ sở vật chất của trường THPT Quế Phong để giảng dạy. Các trường PT DTNT THCS Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Kỳ Sơn đang phải sử dụng lại cơ sở vật chất của trường tiểu học thị trấn đã xuống cấp, hư hỏng nặng; Trường PT DTNT THCS Con Cuông hiện còn phải học tạm ở Trường THCS Bồng Khê…
Thực tế trên đòi hỏi thời gian tới việc thực hiện chính sách cho học sinh miền núi cần được quan tâm, đầu tư hơn nữa.
Mỹ Hà - Đinh Nguyệt