Với nền văn hóa nổi tiếng là mang tính bí mật cao, tất cả các sản phẩm của Apple đều có mật danh trong quá trình phát triển.
Khác với các công ty khác, Apple luôn đặt nặng yếu tố bí mật cho các sản phẩm của mình. Công ty do Steve Jobs sáng lập đã từng nhiều lần khiến người hâm mộ bất ngờ với các sản phẩm khó lường trước, mà gần đây nhất là Apple Watch và iPad Pro.
Phần lớn các tên gọi bí mật của các sản phẩm đang trong giai đoạn phát triển đều là những cụm từ mang tính chất bông đùa, nhưng một trong số này đã là trọng tâm của một vụ kiện chống phỉ báng đến từ một nhà thiên văn học nổi tiếng.
Hãy cùng điểm qua một số cái tên thú vị được Apple đặt cho các sản phẩm đang phát triển của mình.
Cuối năm 2004, tức là 3 năm trước khi Steve Jobs gây chấn động thế giới công nghệ khi tuyên bố ra mắt chiếc iPhone, Apple bắt đầu phát triển chiếc điện thoại này trong khuôn khổ một dự án bí mật mang tên gọi "Purple" (màu tím). Dự án Purple được tiến hành trong khu vực mang biệt hiệu là "Purple Dorm" ("Ký túc xá màu tím") của Apple. Trong vụ kiện bản quyền của Apple với Samsung, phó chủ tịch Scott Forstall khẳng định: "Chúng tôi đã đặt một cái biển hiệu có nội dung là 'Fight Club'– quy luật đầu tiên về Dự án Purple là bạn không được phép nói về Dự án Purple bên ngoài những cánh cửa kia". Fight Club là tên một bộ phim nổi tiếng có sự tham gia của Brad Pitt và Edward Norton với câu nói bí mật đã được Apple "đạo" phía trên. Chiếc iMac G3 ra mắt vào năm 1988 với màu xanh sáng "Bondi Blue". Sau khi Apple nâng cấp iMac lên thế hệ Rev C, công ty của Steve Jobs đã ra mắt thêm 4 màu mới cho chiếc PC huyền thoại này: xanh việt quất (Blueberry), xám nho (Grape), đỏ dâu (Strawberry) và vàng quýt (Tangerine). 5 chiếc iMac màu sắc được Apple đặt biệt danh là "Life Savers" theo tên một loại kẹo màu 5 vị nổi tiếng bán tại Mỹ. Steve Jobs đã từng bông đùa "Chúng tôi hy vọng mọi người sẽ muốn sưu tập cả 5". Khi phát hành chiếc Power Macintosh 7100 vào năm 1994, Apple hy vọng chiếc PC mạnh mẽ này sẽ kiếm về cho hãng "billions and billions" ("hàng tỷ tỷ đô la") theo đúng như tên gọi nội bộ của 7100. Ban đầu, Power Macintosh 7100 được đặt tên gọi là Carl Sagan theo tên một nhà thiên văn học nổi tiếng. Sau khi Apple hé lộ tên gọi này trong một cuộc phỏng vấn với MacWeek vào năm 1993, tức khoảng 1 năm trước khi sản phẩm lên kệ, nhà thiên văn học này đã lên tiếng phàn nàn. Ngay sau đó, Macintosh 7100 được đổi tên gọi nội bộ thành BHA, viết tắt của "Butt-headed astronomer" ("nhà thiên văn học cứng đầu"). Sagan đặc biệt khó chịu với tên gọi "BHA", tới mức ông đã một lần nữa khởi kiện tên gọi này và... thất bại. Một lần nữa, nhà thiên văn học này lại đưa tên gọi cũ "Carl Sagan" của Macintosh 7100 ra tòa với cáo buộc phỉ báng, và lại gặp thất bại. Cuối cùng, Sagan và Apple đạt được thỏa thuận ngừng kiện tụng, nhưng các kỹ sư của Apple vẫn kịp đặt thêm một tên gọi nữa cho Power Macintosh 7100: "LAW", viết tắt của "Lawyers are wimps" ("Luật sư là một lũ yếu đuối"). Trước khi có tên gọi cuối cùng, Mac OS được Apple đặt tên gọi rất đơn giản: System ("Hệ thống"). Năm 1995, Apple đã kịp phát triển tới bản System 7.5. Phiên bản System 7.5 có tên gọi nội bộ là "Mozart" theo tên gọi của nhà soạn nhạc lừng danh người Áo. Đến khi nghe tên đối thủ Microsoft đang phát triển Windows 95 với mã hiệu "Chicago" theo tên thành phố của nước Mỹ, System 7.5 lại được đổi biệt danh thành "Capone", một tên tội phạm nổi tiếng tại Chicago vào đầu thập niên 1930. Mục đích của Apple lúc đó là... gây khiếp sợ cho Microsoft. Dù vẫn được đồn đại với tên gọi iWatch nhưng Apple Watch lại có tên gọi riêng trong quá trình phát triển: "Gizmo". Tên gọi này có thể đã được ăn theo một nhân vật của bộ phim Gremlins phát hành vào năm 1994, nhưng cũng có thể đơn giản chỉ là một từ lóng để chỉ các phụ kiện điện tử. Ứng dụng MacDraw được Apple phát hành trên các dòng máy Mac của năm 1984. Ban đầu, MacDraw suýt nữa đã ra mắt với tên gọi "Mackelangelo", theo tên họa sĩ nổi tiếng Michelangelo. Macintosh 6100 đã từng được Apple coi là sản phẩm lấp đầy chỗ trống của các dòng Mac ra mắt trước đó. Các kỹ sư của Apple gọi tên chiếc Power Macintosh 6100 là "Piltdown Man", một mẫu vật khảo cổ giả mạo từng được coi là "cầu nối còn thiếu giữa vượn và người". Piltdown sau đó bị phát hiện là giả mạo, nhưng chiếc Mac 6100 thì vẫn tồn tại được tới 2 năm. Rất lâu trước khi ra mắt máy phát Apple TV, Apple đã từng phát triển một chiếc "TV lai máy tính" có tên gọi Macintosh TV. Ra mắt vào năm 1993, Macintosh TV tích hợp cả đầu thu cáp truyền hình lẫn máy Mac, cho phép bạn có thể vừa làm việc, vừa xem TV. Ngoài tên gọi Peter Pan, Mac TV còn có biệt hiệu "LD50", một cụm từ được dùng trong ngành y tế để chỉ các liều thuốc gây chết người khi được dùng ở mức 50%. Đáng tiếc là tên gọi này đã "vận" vào số phận của Macintosh TV, và Apple chỉ bán được 1000 chiếc trước khi khai tử dòng sản phẩm này. Dù được gọi tên theo các loài mèo lớn và gần đây là các địa danh, thực chất các hệ điều hành của Apple đều được đặt biệt hiệu nội bộ theo các loại rượu vang. Mac OS X 10.3 Panther có tên gọi nội bộ là Pinot, 10.4 Tiger có tên gọi nội bộ là Merlot còn 10.8 Mountain Lion có mật danh là Zinfandel. Với bản 10.9 Mavericks, Apple chuyển từ tên gọi các loài mèo sang các địa danh của bang California, nhưng phiên bản Mac OS X này vẫn có mã hiệu nội bộ là loại rượu Carbernet.
Theo VnReview