(Baonghean) - Bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng đã tạo ra cơ hội và cả những thách thức với các doanh nghiệp; đặt ra yêu cầu bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Sau 3  năm thực hiện đề án “Bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân Nghệ An giai đoạn 2012 – 2015” đã thu hút được trên 3.300 lượt học viên tham gia.

image_9157924.jpgĐông đảo doanh nhân tham gia lớp Quản trị doanh nghiệp Chuyên sâu - CEO do Trung tâm XTĐT &TVPT, phối hợp với Trường Top Olympia tổ chức

Đáp ứng nguyện vọng của doanh nghiệp


Tháng 5/2016, lớp bồi dưỡng Quản trị doanh nghiệp - Giám đốc điều hành (CEO) năm 2016 do Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Tư vấn phát triển phối hợp với Trường Đại học Kinh tế và Trường Doanh nhân Top Olympia tổ chức đã thu hút trên 80 học viên tham gia. Họ là những nhà quản lý của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Đến với lớp học, các học viên  đã được trang bị những kiến thức, kỹ năng hoạch định chiến lược, năng động, nhạy bén thích nghi với môi trường kinh doanh; xây dựng văn hóa doanh nghiệp… Sau 3 năm triển khai, Nghệ An đã tổ chức 35 lớp khởi sự doanh nghiệp, quản trị và quản trị chuyên sâu – CEO; với 3.317 lượt học viên tham gia. Các lớp học đã được sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân bởi đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của họ; đồng thời từng bước hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững, hiệu quả

Ông Trần Văn Minh – Giám đốc Công ty TNHH Hồng Minh, là học viên tham gia khóa 7, lớp CEO cho biết: Lớp CEO do Sở KHĐT mở, hội tụ các giáo sư, tiến sỹ, chuyên gia kinh tế, với chương trình giảng  dạy linh hoạt, sát thực tiễn đã giúp cho các doanh nhân mở rộng tầm hiểu biết, bổ sung kiến thức hội nhập kinh tế; chủ động trong hoạch định chiến lược. Qua lớp học, tôi đã hiểu công ty mình cần phải thay đổi thế nào để thích ứng? Tại sao các nhân viên vào làm việc đến khi trưởng thành lại ra đi? Tại sao ý thức tự giác của các nhân viên lại kém và hiệu quả kinh doanh của công ty chưa cao… Từ đó, tôi đã xây dựng lại quy trình quản lý, làm việc của một số bộ phận.

Còn với ông Đinh Tiến Thu – Giám đốc Công ty CP Thủy Lực, những bài học từ lớp CEO có ý nghĩa quan trọng giúp ông thêm kiến thức điều hành doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khủng hoảng. Ông Thu cho biết: Tôi đã thay đổi phương pháp quản lý, quan hệ với đối tác, người lao động; nhìn nhận khách hàng theo hướng khác trước, đó là tiếp cận, chăm sóc, phục vụ. Với người lao động, tôi coi họ là khách hàng đầu tiên của mình, bởi vậy mềm dẻo hơn trong việc quản lý, điều hành. Môi trường làm việc cũng vì thế mà thay đổi, thân thiện, văn minh hơn.


Đáp ứng yêu cầu hội nhập


Tuy nhiên, thực tế là đội ngũ doanh nhân Nghệ An phần lớn trưởng thành từ thực tiễn. Họ chủ yếu tham gia thương trường bằng kinh nghiệm của bản thân hoặc thừa hưởng từ gia đình, ít được đào tạo bài bản. Do đó, còn một bộ phận doanh nhân chưa có sự nhìn nhận hoặc đánh giá đúng về sự cần thiết phải trang bị kiến thức cần thiết để tạo nền tảng vững chắc để phát triển doanh nghiệp.

Ông Trương Quốc Tuấn – Giám đốc Công ty TNHH Thiện Mỹ, Chủ tịch Hiệp Hội doanh nghiệp CCN Hưng Lộc cho biết: Trong bối cảnh hội nhập kinh tế, để phù hợp với xu thế, việc bồi dưỡng kiến thức quản lý điều hành rất cần cho các doanh nhân. Tuy nhiên, do một phần thiếu thời gian, phần vì chưa mấy quan tâm đến các chương trình đào tạo, hiện tại trong CCN Hưng Lộc có 11 doanh nghiệp nhưng các doanh nhân tham gia các lớp học đào tạo, bồi dưỡng còn rất ít.

Một nguyên nhân khác là, hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tỉnh hoạt động khá độc lập, chưa tích cực tham gia vào các hiệp hội, hội tại địa phương. Bởi vậy, việc tuyên truyền, phổ biến các nội dung liên quan đến công tác bồi dưỡng doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn khó đến được với các doanh nghiệp. Mặt khác, còn có nhiều doanh nghiệp xa trung tâm nên việc tiếp cận thông tin, tìm kiếm cơ hội học tập, nâng cao trình độ vẫn còn hạn chế. Nhu cầu đào tạo của đội ngũ doanh nhân rất lớn, nhưng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách tỉnh mới chỉ đáp ứng được 30 – 40%.

Sau 3 năm triển khai, đề án “Bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân Nghệ An giai đoạn 2012 – 2015” đã thu hút được khoảng 30% doanh nghiệp trên địa bàn tham gia. Tư duy về quản lý, quản trị doanh nghiệp, kiến thức về hội nhập của các doanh nhân, doanh nghiệp có chuyển biến tích cực. Xác định doanh nhân, doanh nghiệp là “hạt nhân” quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nhà, bởi vậy mục tiêu của đề án nhằm xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh cả về lượng và chất; thích nghi hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới.

Theo ông Nguyễn Văn Nam – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và tư vấn phát triển: Kế hoạch giai đoạn từ năm 2016 - 2020, đề án sẽ tiếp tục mở rộng các đối tượng doanh nghiệp, phân loại đối tượng tham gia, để tổ chức lớp, xây dựng chương trình, chuyên đề phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp. Từ nay đến năm 2020, dự kiến sẽ mở 68 lớp học, bao gồm: lớp khởi sự doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp và quản trị doanh nghiệp chuyên sâu… 10 hội thảo, hội nghị chuyên đề; dự kiến sẽ thu hút được khoảng 3.200 lượt học viên tham gia.

Công tác quản lý, điều hành, môi trường làm việc tại Công ty CP Thủy Lực đã chuyển biến tích cực sau khi đại diện lãnh đạo công ty tham gia lớp bồi dưỡng doanh nhân


Chương trình đào tạo doanh nhân, doanh nghiệp góp phần thực hiện mục tiêu, đến năm 2020, Nghệ An có 13.000 – 15.000 doanh nghiệp hoạt động, trong đó, có nhiều doanh nghiệp quy mô lớn, nguồn lực mạnh; nhiều doanh nhân có thương hiệu quốc gia và đủ năng lực cạnh tranh khu vực Đông Nam Á.

Kết quả khảo sát cuối năm 2015 cho thấy, có 20% số lượng học viên sau khi học xong các lớp khởi nghiệp có hoạt động thành lập doanh nghiệp, 30% học viên có ý tưởng kinh doanh sáng tạo và 40% học viên sau khi tham gia học tập tại các lớp quản trị, tiếp tục đăng ký tham gia các lớp quản trị chuyên sâu, đào tạo CEO. Các chương trình đào tạo của đề án còn góp phần tích cực trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả; góp phần quan trọng trong sự phát triển KT – XH của tỉnh.


Nguyệt Minh

TIN LIÊN QUAN

TIN LIÊN QUAN