(Baonghean.vn) - Thời tiết nắng nóng kéo dài không những ảnh hưởng đến sản xuất mà còn khiến hơn 50% hộ dân ở các xã vùng cao của huyện Yên Thành rơi vào tình cảnh "khát" nước sinh hoạt trầm trọng.
Là một trong những xã miền núi cao của huyện Yên Thành, nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt hàng ngày của bà con xã Quang Thành hầu hết đều phụ thuộc vào nước ở hồ đập, nước giếng đào, giếng khoan. Tuy nhiên, nắng hạn gay gắt kéo dài, nguồn nước tự nhiên đang dần cạn kiệt, khiến 50% hộ dân trên địa bàn thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Nhiều hộ đã phải bỏ hàng chục triệu đồng để cải tạo, đào giếng, khoan giếng sâu hàng chục mét, nhưng vẫn không có nước.
Bà Nguyễn Thị Tịnh, xóm Đông Thành, xã Quang Thành cho biết: Gia đình tôi có 2 cái giếng, một giếng phục vụ tưới cây, chăn nuôi, một giếng phục vụ cho sinh hoạt cho gia đình. Nhưng hiện tại cả hai đều đã cạn hết nước. Gia đình đã phải bỏ ra gần 10 triệu đồng để thuê người cải tạo, đào sâu thêm xuống 3m. Hiện tại giếng nhà tôi sâu hơn 10 mét rồi nhưng vẫn chưa có nước. Tôi phải dùng thùng, can nhựa đi xin nước về để nấu nướng, sinh hoạt; dùng nước cũng phải dè xẻn khổ lắm.
Toàn xã Quang Thành có khoảng 15 giếng làng, chưa kể hàng trăm giếng của các hộ gia đình nhưng cùng chung tình cảnh sắp cạn nước. Cứ sáng sớm và chiều tối, bà con tay xô, tay chậu, can nhựa đổ ra các giếng làng, hồ đập để chắt nước về dùng sinh hoạt. Thời gian tới nếu không có mưa thì nguồn nước này cũng sẽ hết.
Ông Phan Đức Tiến - Phó Chủ tịch UBND xã Quang Thành cho biết: Chưa năm nào hạn hán nặng nề như năm nay, nhiều diện tích thiếu nước nên đề án sản xuất hè thu của xã không thể triển khai, nước dân sinh cũng thiếu trầm trọng. UBND xã tập trung tuyên truyền vận động bà con sử dụng nước tiết kiệm, chia sẻ nước với nhau.
Trước mắt, xã tổ chức khảo sát, chỉ đạo các xóm khơi thông, nạo vét hệ thống giếng làng, các giếng khơi để lấy nước dùng. Sắp tới xã sẽ triển khai khoan giếng tại một số điểm để lấy nước cho dân sinh hoạt. Nhưng khó khăn là bởi đặc điểm đất đai ở đây nền đất đá cứng, khó tìm thấy mạch nước ngầm, kinh phí để đào hoặc khoan giếng khá lớn, 10 triệu trở lên.
Trên địa bàn huyện Yên Thành, tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang xẩy ra ở nhiều xã như: Hùng Thành; Tiến Thành, Kim Thành, Quang Thành, Tây Thành… Có đến 50% hộ dân ở các xã này thiếu nước sinh hoạt do hạn hán. Ông Cao Đình Nhàn, xóm Sơn Thành, xã Hùng Thành cho hay: Mặc dù xóm 1 nằm ngay dưới hạ lưu đập Vệ Ran, một trong những con đập lớn của địa phương. Thế nhưng lòng đập đã cạn kiệt, các giếng khoan, giếng đào đều bắt đầu trơ đáy nên không có nước để phục vụ sinh hoạt, chưa kể đến nước uống cho trâu bò, vật nuôi, tưới cho cây trồng. Chúng tôi phải đi xin nước ở các hộ có bể nước mưa hoặc mua nước tinh khiết về dùng.
Để hỗ trợ người dân khắc phục tình trạng hạn hán, xã Hùng Thành tổ chức nạo vét, khơi thông các giếng làng, giếng khoan chống hạn ở 9 xóm. Đồng thời, đào mới mỗi xóm ít nhất 3 giếng với kinh kinh phí hỗ trợ từ 5-7 triệu đồng/giếng.
Tình hình thời tiết nắng nóng vẫn còn tiếp diễn trong thời gian tới, để góp phần hạn chế ảnh hưởng tình hình hạn hán, thiếu nước sinh hoạt cho bà còn nhân dân, UBND huyện Yên Thành đã có công văn đề nghị Công ty thủy lợi Bắc và các địa phương chú trọng phân bổ nguồn nước hợp lý, sẵn sàng cấp nước cho các xã trong giới hạn cho phép; để nhân dân có nước sản xuất, sinh hoạt.
Ông Nguyễn Văn Dương – Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Trước mắt, đối với những xã vùng cao bị hạn hán nặng thì bố trí chuyển đổi cây trồng phù hợp. Chỉ đạo các xã rà soát lại mực nước ở các hồ đập, các giếng khơi để có kế hoạch tu bổ, sữa chữa; cải tạo và đào hoặc khoan mới các giếng để người dân có nước sử dụng. Tùy tình hình hạn hán thực tế của các địa phương, huyện sẽ xây dựng chính sách hỗ trợ phù hợp.
Tuy nhiên, về lâu dài, các địa phương cần chú trọng công tác đầu tư, sửa chữa, nâng cấp các công trình cấp nước tại các vùng thiếu nước. Đồng thời tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong sử dụng nước; góp phần hạn chế tình trạng thiếu nước tại các địa phương trong mùa khô hạn.
Anh Tuấn - Phan Hiền
Đài Yên Thành