Vừa qua Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp với một số đơn vị tổ chức công bố Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI). Báo Nghệ An có cuộc phỏng vấn với ông Lê Xuân Đại - nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành viên Tổ tư vấn kinh tế - xã hội cho Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả Chỉ số PAPI của tỉnh Nghệ An năm 2018.
Tín hiệu vui
P.V:Theo kết quả công bố Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI), Nghệ An xếp thứ 4 toàn quốc với 46,57/80 điểm, trước đó năm 2017, Nghệ An xếp thứ hạng 44 toàn quốc. Ông đánh giá như thế nào về sự nhảy vọt thứ hạng chỉ số PAPI của Nghệ An năm 2018?
Ông Lê Xuân Đại:Tôi rất vui mừng khi được biết kết quả đầu năm 2019, công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Nghệ An cải thiện 2 bậc từ thứ hạng 21 lên thứ hạng 19. Và mới đây, công bố Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI), chúng ta rất phấn khởi khi thứ hạng tăng ngoạn mục từ thứ 44 năm 2017 lên thứ 4 năm 2018.
2018 là năm tỉnh Nghệ An chọn thực hiện 7 đơn vị điểm tại các sở, ngành và UBND TP. Vinh. Đây là những sở, ban, ngành quan trọng mà chắc chắn việc thực hiện cải cách hành chính sẽ tạo ra sự lan tỏa trong cải cách hành chính đối với tỉnh.
Kết quả thăng hạng ngoạn mục chỉ số PAPI của Nghệ An năm 2018 cho thấy sự nỗ lực của bộ máy chính quyền các cấp, sự ghi nhận biểu dương cũng như của người dân, đối với cơ quan nhà nước tốt hơn.
P.V:Vậy theo ông, chỉ số PAPI có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An?
Ông Lê Xuân Đại:Chỉ số PAPI đo lường và đánh giá tính hiệu quả về quản trị và hệ thống hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam dựa vào sự trải nghiệm và cảm nhận của người dân. Ngoài việc phản ánh và đánh giá mức độ hài lòng, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân đối với các cấp chính quyền, cán bộ, công chức khi tiếp xúc, giao dịch với cơ quan các cấp, PAPI còn phản ánh ý kiến phản hồi từ xã hội về hiệu quả hoạt động của chính quyền và các cơ quan hành chính công tại các địa phương trong cả nước.
Thông qua kênh này, người dân thấy được quyền lợi của mình được đảm bảo và tiếng nói của mình được quan tâm theo tinh thần của Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, góp phần xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh, phục vụ nhân dân.
PAPI, PCI và chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) là 3 chỉ số có ý nghĩa rất lớn đối với Nghệ An nói riêng, các địa phương khác và cả nước nói chung. Bởi việc cải thiện, nâng hạng 3 chỉ số này sẽ góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh và của cả nước.
Việc cải thiện 3 chỉ số đồng nghĩa tạo ra sự đồng thuận trong dư luận xã hội, tạo niềm tin của nhân dân đối với bộ máy Nhà nước và cũng tạo ra niềm tin đối với doanh nghiệp ngày càng lớn hơn.
Theo tôi, nếu cải thiện được 3 chỉ số đó chắc chắn sẽ thúc đẩy thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, trước mắt là của năm 2019 và hướng tới thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVIII nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra và Nghị quyết 26 đối với tỉnh Nghệ An.
Dư địa thăng hạng lớn
P.V:Năm 2018, PAPI của Nghệ An xếp tốp 4 của toàn quốc là rất cao. Việc xếp thứ hạng càng cao thì thăng hạng trong những năm tiếp theo lại càng khó, thậm chí nếu ko tập trung sẽ thụt lùi. Vậy theo ông, Nghệ An cần phải làm gì để giữ vững và thăng hạng chỉ số PAPI trong những năm tiếp theo?
Ông Lê Xuân Đại:Năm 2018, chúng ta đạt thứ 4 toàn quốc là bước nhảy vọt ngoạn mục.
Tuy nhiên, điểm tổng của chúng ta chỉ mới đạt 46,57 điểm/80 điểm. Khoảng cách giữa điểm chúng ta đạt được so với điểm trần vẫn còn rất xa. Như vậy, dư địa để chúng ta thăng hạng chỉ số PAPI trong những năm tiếp theo còn rất lớn.
Bên cạnh đó, tỉnh đứng thứ hạng cao nhất trong năm 2018 là Bến Tre đạt 47,05 điểm, như vậy khoảng cách giữa tỉnh đứng thứ hạng thứ nhất và Nghệ An đứng thứ 4 không xa và ngược lại khoảng cách giữa chúng ta và tỉnh sau cũng không xa.
Chỉ số PAPI của tỉnh những năm trước thăng hạng rất trồi sụt. Vì vậy, nếu không có những giải pháp mạnh mẽ, chúng ta có nguy cơ không giữ được thứ hạng mà có thể sụt, bởi vì chắc chắn sau khi công bố chỉ số PAPI của cả nước thì các địa phương khác sẽ rà soát lại kết quả và có giải pháp mạnh mẽ, bứt tốc để tiếp tục cải thiện PAPI.
Chúng ta chuyển động nhưng họ cũng không đứng yên, vì vậy, chúng ta không nên chủ quan, không thỏa mãn với kết quả đạt được mà cần rút kinh nghiệm, phân tích, đánh giá sâu hơn về những kết quả của năm 2018, làm rõ những tồn tại, hạn chế trong thực hiện các chỉ số thành phần của PAPI trong năm 2018, nhất là các chỉ số mà chúng ta chưa đạt như mong muốn.
Kết quả xếp hạng chỉ số PAPI năm 2018 là cơ hội nhưng cũng thách thức mà đòi hỏi năm 2019 chúng ta phải khai thác cơ hội để bứt tốc đạt kết quả tốt hơn nữa.
Clip đồng chí Lê Xuân Đại nói về giải pháp để cải thiện chỉ số PAPI. |
Tôi cũng tin tưởng, năm 2019 với sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành các cấp trong việc cải thiện toàn diện các chỉ số của PAPI, chắc chắn chúng ta có điều kiện để đạt được ở mức cao nhất trong năm 2019.
P.V:Xin cảm ơn ông!