Theo Ban tổ chức, từ năm 2018, Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) bao gồm 8 chỉ số lĩnh vực nội dung, 28 chỉ số nội dung thành phần và hơn 120 chỉ tiêu cụ thể về hiệu quả quản trị và hành chính công của toàn bộ 63 tỉnh/thành phố. Chỉ số PAPI được cấu thành từ việc tính toán, tổng hợp từ hơn 6.000 biến số cấu thành các chỉ tiêu, hình thành từ hơn 550 câu hỏi trong Bộ phiếu hỏi PAPI.

cong_bo_chi_so_papi4060464_242019.jpgSơ đồ đánh giá của PAPI.
Hơn 14.300 người dân được chọn ngẫu nhiên từ 63 tỉnh/thành phố đã được phỏng vấn trong nghiên cứu Chỉ số PAPI 2018 chia sẻ về trải nghiệm và cảm nhận qua nghiên cứu PAPI về hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương. Bên cạnh 6 chỉ số nội dung như những năm trước, năm 2018, PAPI có thêm 2 chỉ số là quản trị môi trường và quản trị điện tử.

Theo đánh giá chung, năm 2018, người dân cũng ghi nhận một số thay đổi tích cực trong hiệu quả huy động sự tham gia của người dân vào đời sống chính trị, xã hội cấp cơ sở. Kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ người dân bị chính quyền địa phương ép buộc đóng góp cho dự án mới/tu sửa công trình công cộng tại địa phương giảm. Khoảng 50% những người đóng góp cho biết, họ đã đóng góp tự nguyện trong năm 2017, 2018 cao hơn so với tỷ lệ 45% trước năm 2017.

Một góc thành phố Vinh. Ảnh: Devi Nguyễn

Ngoài ra, người dân hài lòng hơn với mức độ công khai, minh bạch của chính quyền trong việc tổ chức lập danh sách hộ nghèo và chia sẻ thông tin thu, chi ngân sách cấp xã/phường. Tuy nhiên, công khai, minh bạch quy hoạch/kế hoạch sử dụng đất vẫn là khía cạnh chính quyền địa phương cần cải thiện.


 5 tỉnh, thành đứng đầu về điểm số chỉ số PAPI 2018:

          1. Bến Tre: 47,05 điểm

          2. Lạng Sơn: 47,05 điểm 

          3. Bắc Giang: 46,83 điểm

          4. Nghệ An: 46,57 điểm

          5. Quảng Bình: 46,27 điểm

Về trách nhiệm giải trình với người dân, năm 2018, số người gặp gỡ cán bộ, công chức chính quyền cấp thôn/tổ dân phố hoặc cấp xã/phường khi có bức xúc về chính quyền hoặc hàng xóm tăng lên, và số người cho rằng những cuộc tiếp xúc đó đem lại kết quả cũng tăng lên so với năm 2017. 

Bản đồ công khai minh bạch cấp tỉnh năm 2018, Nghệ An thuộc nhóm các địa phương được xếp ở mức cao nhất.
 Về cung ứng dịch vụ công căn bản, chỉ tiêu đánh giá độ bao phủ của bảo hiểm y tế được cải thiện, tỷ lệ người dân có bảo hiểm y tế tiếp tục tăng từ 80% năm 2017 lên 87% năm 2018. Cơ sở hạ tầng căn bản, bao gồm các dịch vụ như đường xá, thu gom rác thải, cung cấp điện lưới và nước sạch cho ăn uống, sinh hoạt cũng được người dân đánh giá tích cực hơn trong năm 2018.

  5 tỉnh, thành có điểm chỉ số PAPI 2018 thấp nhất:

          1. Bình Định: 41.04 điểm

          2. Quảng Ngãi: 41,33 điểm

          3. Bình Thuận: 41,06 điểm 

          4. Hậu Giang: 42,06 điểm

          5. Khánh Hòa: 42,17 điểm

Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh của Nghệ An trong những năm qua đã có những bước cải thiện đáng kể, từ vị trí 46 năm 2013 đã từng bước vươn lên đứng thứ 21 cả nước năm 2017 và năm 2018 đã có bước tăng trưởng mạnh mẽ, xếp thứ 4/63 tỉnh, thành. Đây là kết quả của nỗ lực của tỉnh trong lãnh đạo điều hành, nhất là trong công tác cải cách thủ tục hành chính.
Việc tăng thứ bậc chỉ số PAPI đã và đang góp phần tạo động lực nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công của địa phương. PAPI góp phần xây dựng một nền công vụ vì dân và thúc đẩy phát triển bền vững ở Nghệ An.