Đáp ứng đủ nhu cầu nội địa và xuất khẩu
Hai tháng đầu năm nay, do chịu tác động khá mạnh bởi dịch Covid-19 nên kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp Việt Nam chỉ đạt 5,34 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2019. Kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản ước khoảng 4,3 tỷ USD, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Không chỉ bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh Covid -19, ngành nông nghiệp còn phải đối mặt với tác động biến đổi khí hậu làm hạn hán, xâm nhập mặn xuất hiện ngay từ đầu năm; nguy cơ các loại bệnh dịch trên đàn vật nuôi chưa được khống chế hoàn toàn; thẻ vàng xuất khẩu thủy sản khai thác biển chưa được gỡ bỏ…
Nông dân Nghi Lộc sử dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa gạo. Ảnh: Phú Hương Tuy nhiên, đúng như tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, càng trong khó khăn, càng cần phải bình tĩnh, ngành nông nghiệp buộc phải có các giải pháp phù hợp, sản xuất đáp ứng nhu cầu lương thực thực phẩm của gần 100 triệu người dân. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, không để bị gián đoạn làm mất thị trường; đáp ứng nhu cầu “bùng nổ” về nhu cầu lương thực và thực phẩm sau khi dịch kết thúc.
Năm 2020, Việt Nam dự kiến sản xuất 43,4 triệu tấn lúa; 4,7 triệu tấn ngô; 18,2 triệu tấn rau màu và 13,3 triệu tấn trái cây. Ngoài ra, dự kiến đạt 5,8 triệu tấn thịt các loại; 8,5 triệu tấn thủy sản. Mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 42 tỷ USD. Như vậy, sản lượng các loại nông sản chủ yếu vẫn không những đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn dư ra xuất khẩu.
Tại “Hội nghị thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn dịch Covid-19” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, nhiều giải pháp đã được đưa ra, với mục tiêu là sản xuất đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ nội địa và cả xuất khẩu, không chỉ trong giai đoạn dịch bệnh mà còn phải “đón đầu” khi hết dịch. “Các hoạt động xúc tiến thương mại phải tiếp tục được triển khai ngay sau khi Trung Quốc khống chế được dịch Covid-19 và nước bạn công bố mở cửa trở lại bình thường.
Mặt khác, thường sau dịch bệnh, sẽ có sự bùng nổ về nhu cầu lương thực, thực phẩm vì nhiều vùng bị dịch phải ngừng sản xuất, nguồn cung thiếu hụt - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo và đề nghị các ngành, địa phương phải tăng cường thúc đẩy sản xuất, tập trung các biện pháp khống chế dịch bệnh, không để phát sinh, không để thực phẩm neo giá cao nhằm chống trục lợi, duy trì sản xuất để khi dịch bệnh kết thúc sẽ tiếp tục có đà để phát triển sản xuất, đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực và xuất khẩu.
Khu trồng rau tập trung xã Hưng Đông, TP. Vinh. Ảnh: Phú Hương Định hướng rõ thị trường nông sản Nghệ An
Đến nay, Nghệ An đã gieo trồng trên 124.903 ha cây trồng các loại, trong đó hơn 91.673 ha lúa, gần 16.000 ha ngô, trên 11.000 rau đậu và gần 11.000 ha lạc. Toàn tỉnh hiện có gần 730.000 con trâu bò, tổng đàn lợn trên 864.000 con, trên 26 triệu con gia cầm…
Theo ông Nguyễn Văn Đệ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện chúng ta còn một lượng tương đối sản phẩm hải sản đang bị tồn kho không tiêu thụ được, giá bán hải sản giảm 20- 30% so với cùng kỳ hàng năm; các mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc và các nước Trung Đông như chè, tinh bột sắn, thủy sản khô bị ảnh hưởng nặng nề.
Trong khi đó, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi vẫn đang diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu dừng lại, hiện toàn tỉnh vẫn còn 26 xã thuộc 8 huyện có dịch chưa qua 30 ngày.
Nghệ An hiện có hơn 24 triệu con gia cầm, thủy cầm. Ảnh: Xuân Hoàng
Trước những khó khăn đó, Nghệ An quyết tâm chủ động và quyết liệt tổ chức sản xuất nông nghiệp, đảm bảo cung ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân, nhất là các mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt cá, rau xanh… Chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng đa dạng sản phẩm, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, tăng các loại sản phẩm ít phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và các nước có dịch. Đồng thời tăng cường phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, không để dịch chồng lên dịch.
Về lâu dài, tiếp tục quyết liệt thực hiện tái cơ cấu sản xuất theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy lợi thế vùng. Chú trọng yếu tố thị trường, đặc biệt là các thị trường lớn để có định hướng sản xuất phù hợp. Phát triển sản xuất tập trung các sản phẩm chủ lực và có tín hiệu thị trường thuận lợi như gạo, cây ăn quả. Ưu tiên nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong bảo quản, chế biến đồng thời khuyến khích doanh nghiệp đầu tư liên kết với nông dân trong chuỗi giá trị đối với các cây trồng chủ lực”, ông Nguyễn Văn Đệ cho biết.
Đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp tiếp tục kiểm soát dịch bệnh trong chăn nuôi, đẩy nhanh tiến độ tái đàn lợn một cách phù hợp cũng như khuyến khích mở rộng quy mô đàn gia súc ăn cỏ vốn là lợi thế phát triển ở các vùng miền núi của Nghệ An.
Phát triển các loại sản phẩm có tín hiệu thị trường tốt như cây ăn quả. Ảnh: Phú Hương Hai tháng đầu năm nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh đạt gần 16.000 ha, tổng sản lượng trên 27.000 tấn. Thời gian tới, sẽ tiếp tục chỉ đạo tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản các đối tượng chủ lực và các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao theo hướng nâng cao giá trị thương mại và phát triển bền vững.
Là một trong những địa phương có đội tàu đánh cá xa bờ lớn với hơn 1.300 tàu có chiều dài từ 15 m trở lên, Nghệ An sẽ tập trung theo dõi và nắm chắc tình hình thời tiết cũng như thông tin về nguồn lợi thủy sản để chỉ đạo kịp thời, huy động tàu thuyền sản xuất các nghề phù hợp để khai thác có hiệu quả.
Cảng cá Quỳnh Lập nhộn nhịp hoạt động mua bán hải sản. “Để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này, đảm bảo tốt cho cả nhu cầu trong tỉnh và bán ra ngoài, chúng tôi đang kiến nghị Trung ương hỗ trợ hóa chất và vắc xin, ban hành các chính sách trong công tác phòng chống, hỗ trợ tiêu hủy dịch tả lợn châu Phi khi Quyết định số 793 của Thủ tướng đã hết hiệu lực từ ngày 31/12/2019; hỗ trợ Nghệ An xây dựng các mô hình phát triển chăn nuôi an toàn sinh học. Đồng thời, quan tâm phát triển mạnh thị trường trong nước, mở rộng thị trường ngoài nước nhất là với những sản phẩm lâu nay phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc như thủy sản, hoa quả… Thường xuyên thông báo diễn biến thị trường để địa phương kịp thời nắm bắt và có định hướng cho sản xuất cũng như tiêu thụ”- ông Nguyễn Văn Đệ chia sẻ.
“Để đạt mục tiêu đề ra, điều đầu tiên là phải nhận diện sớm và rõ các nguy cơ thách thức để đề ra giải pháp phù hợp; tập trung chỉ đạo quyết liệt và đồng bộ với sự vào cuộc của cả Nhà nước, doanh nghiệp và người dân; phát hiện lợi thế, biến nguy thành cơ, khai thác tất cả mọi cơ hội; xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện các chỉ tiêu”.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường.