Theo dự thảo, mức hỗ trợ đối với trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia lần đầu được phân chia thành 3 vùng. Cụ thể mức hỗ trợ khu vực thành phố, thị xã đối với trường mầm non, tiểu học là 135 triệu đồng (mức độ I), 180 triệu đồng (mức độ 2); trường THCS là 180 triệu đồng; trường THPT là 270 triệu đồng.
Mức hỗ trợ vùng đồng bằng và miền núi thấp, đối với trường mầm non, tiểu học là 180 triệu đồng (mức độ I), 220 triệu đồng (mức độ II); trường THCS là 225 triệu đồng; trường THPT là 315 triệu đồng.
Mức hỗ trợ thuộc vùng các huyện miền núi cao, đối với trường mầm non, tiểu học là 225 triệu đồng (mức độ I), 260 triệu đồng (mức độ II); trường THCS là 270 triệu đồng; trường THPT là 360 triệu đồng.
Dự thảo cũng quy định mức hỗ trợ đối với các trường được công nhận lại sẽ được hỗ trợ bằng 50% mức hỗ trợ đối với trường được công nhân đạt chuẩn lần đầu theo từng cấp học tương ứng.
Tại cuộc thẩm tra, cơ bản đồng tình với dự thảo, một số thành viên Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cũng nêu một số băn khoăn yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo – cơ quan được giao xây dựng dự thảo nghị quyết làm rõ.
Phó trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Thị Lan, cho rằng, hiện tại quy định thu học phí được chia ra 4 vùng với 4 mức tương ứng; tuy nhiên việc quy định hỗ trợ trường công nhận đạt chuẩn chỉ phân chia 3 vùng, vậy liệu có vùng nào bị bỏ sót?!
Mặt khác, theo bà Nguyễn Thị Lan, dự thảo quy định mức hỗ trợ cho từng trường ở từng cấp học, song việc triển khai Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) đang đặt ra yêu cầu sáp nhập trường theo hướng nhiều cấp học trong trường thì có được hỗ trợ? Một số thành viên cũng đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo làm rõ cơ sở để đưa ra mức hỗ trợ và nguồn hỗ trợ ghi vào mục nào của Luật Ngân sách Nhà nước.
Kết luận nội dung này, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, ông Hồ Phúc Hợp khẳng định, việc UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ trường đạt chuẩn quốc gia là cần thiết nhằm thúc đẩy việc thực hiện chỉ tiêu xây dựng trường chuẩn theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII, bởi hiện tại các trường chưa đạt cơ bản đều rơi vào các trường khó khăn.
Theo ông Hồ Phúc Hợp, chính sách cũng nhằm khuyến khích các trường đã đạt chuẩn duy trì, củng cố vững chắc đạt chuẩn. Dự thảo nghị quyết này cũng để thay thế Quyết định số 4954/QĐ-UBND.VX, ngày 16/11/2011 của UBND tỉnh về định mức hỗ trợ kinh phí trường đạt chuẩn quốc gia và trường trọng điểm.
Trưởng ban Văn hóa - Xã hội đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia của các đại biểu để chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện trước khi trình ra HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 6 tới.
Cũng tại cuộc họp, Ban Văn hóa - Xã hội cũng tiến hành thẩm tra dự thảo Nghị quyết quy định mức thu, chế độ thu - nộp, quản lý và sử dụng phí tham quan danh lam thắng cảnh tại Vườn quốc gia Pù Mát.
Trên cơ sở ý kiến tham gia của các đại biểu tại cuộc họp, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội lưu ý Ban Quản lý rừng Quốc gia Pù Mát cần có biện pháp đảm bảo an toàn cho du khách và người dân vào tham quan trong khu vực và việc quy định giá vé đã bao hàm phí bảo hiểm trong đó hay chưa?
Ông Hồ Phúc Hợp cũng đặt ra vấn đề, đối với người dân sinh sống ở vùng đệm có thu phí hay không khi vào khu du lịch và làm rõ thêm chế độ miễn giảm đối với đối tượng chính sách và người nghèo?
Thẩm tra việc giải quyết kiến nghị của cử tri thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội, bên cạnh ghi nhận sự trách nhiệm của các ngành trong việc giải quyết và thông tin đến cử tri, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội Hồ Phúc Hợp cũng cho rằng vẫn còn một số kiến nghị, phản ánh của cử tri còn trả lời chung chung.
Người đứng đầu Ban Văn hóa - Xã hội đề nghị các ngành cần có trách nhiệm và giải quyết thấu đáo hơn nữa kiến nghị của cử tri; nội dung nào giải quyết được thì cần giải quyết ngay; nội dung nào còn vướng cơ chế chính sách thì cũng nêu rõ để kiến nghị; nội dung còn vướng mắc về quan điểm phối hợp giữa các ngành thì tìm giải pháp để giải quyết…