Chủ trì từ điểm cầu Hà Nội có ông Trương Hùng Long – Cục trưởng Cục Quản lý nợ, Bộ Tài chính chủ trì hội nghị. Cùng dự có đại diện các Cục, Vụ thuộc Bộ Tài chính và 6 Ngân hàng phát triển nước ngoài.

Từ điểm cầu Nghệ An, đồng chí Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có đại diện Kho bạc tỉnh và các sở, ngành liên quan.

bna_anh_long_chu_tri__anh_nguyen_hai9758411_7122020.jpgĐồng chí Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị trực tuyến về đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công từ vốn vay nước ngoài từ điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Hải

Tại hội nghị, đại diện Cục Quản lý nợ, Bộ Tài chính cho biết: Trên cơ sở nguồn vốn vay được Chính phủ giao (sau điều chỉnh) cho năm 2020 là 34.038 tỷ đồng, tính đến 30/11/2020, các địa phương đã giải ngân được 13.846 tỷ đồng, đạt 41% dự toán giao. So với 6 tháng đầu năm, nhờ liên tục có các giải pháp kiểm tra, đôn đốc nên tiến độ giải ngân 5 tháng cuối năm có chuyển biến tích cực hơn khi có nhiều địa phương đạt tỷ lệ giải ngân trên 50% và có 4/63 tỉnh, thành đạt tỷ lệ giải ngân đạt trên 80%.

Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân nói chung vẫn khá thấp và khá nhiều vướng mắc; chỉ còn 1 tháng nữa nhưng tỷ lệ giải ngân nhiều địa phương mới chỉ đạt được từ 15-20%.

Công trình đập bara Đô Lương được thi công từ nguồn vốn đầu tư công là nguồn vốn vay dự án JICA (Nhật Bản). Ảnh tư liệu

Tại Nghệ An, trên cơ sở nguồn vốn đầu tư công từ nguồn vốn vay nước ngoài năm 2020 được giao là 397,6 tỷ đồng và 265,6 tỷ đồng/5 chương trình, dự án từ năm 2019 chuyển sang, tỉnh có giải pháp triển khai tích cực.

Tính đến 31/11/2020, tỉnh đã giải ngân được 206,05 tỷ đồng, đạt 51,82%. Bên cạnh đó, nguồn từ năm 2019 được giao bổ sung sang năm 2020, tỉnh đã giải ngân được 141,05 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 53,09%. Nếu tính cả số vốn 56,01 tỷ đồng không giải ngân được nên tỉnh đề nghị trả về ngân sách Trung ương, Nghệ An đạt tỷ lệ giải ngân là 67,27%; về giải ngân vốn vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ, tỉnh giải ngân được 45,925 tỷ đồng/KH là 134 tỷ đồng.

Trường THPT chuyên Phan Bội Châu là một trong những đơn vị được đầu tư để phát triển giáo dục nhưng vướng thủ tục đấu thầu nên giải ngân chậm và được kiến nghị kéo dài sang năm 2021. Trong ảnh: Tiết học thực hành của thầy trò Trường chuyên Phan Bội Châu. Ảnh: Tư liệu

Tham gia hội nghị trực tuyến, bên cạnh nêu kết quả giải ngân vốn vay, Nghệ An đề xuất, để phấn đấu giải ngân năm 2020 đạt 100%, tỉnh đề xuất cắt giảm và trả về ngân sách Trung ương trên 101,2 tỷ đồng do không có nhu cầu giải ngân, bao gồm kế hoạch vốn bổ sung năm 2019 chuyển sang năm 2020 và vốn vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ. Thông qua nêu lên một số khó khăn vướng mắc về đấu thầu và giải phóng mặt bằng, tỉnh cũng đề xuất chuyển nguồn thực hiện ghi thu, ghi chi giai đoạn II dự án Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An; đề xuất cho phép kéo dài thời gian giải ngân đối với dự án Chương trình phát triển giáo dục THPT giai đoạn 2 Trường THPT chuyên Phan Bội Châu.

Đại diện các sở, ngành Nghệ An theo dõi Hội nghị trực tuyến đôn đốc giải ngân đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài tháng 11. Ảnh: Nguyễn Hải

Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến phát biểu đề xuất của các địa phương, đại diện Cục Quản lý nợ, Bộ Tài chính cho biết, sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành đôn đốc. Thời gian còn lại của năm tài chính 2020 không còn nhiều, Cục Quản lý nợ đề nghị các địa phương cần tăng cường chỉ đạo quyết liệt để tăng tỷ lệ giải ngân; song song với đó, các địa phương xem xét để đề xuất kế hoạch gia hạn giải ngân năm 2020 và xây dựng kế hoạch giải ngân, phân bổ vốn vay cho năm 2021./.