image_832055_1152020.jpgÔng Phạm Thành Chung - Phó Giám đốc Sở Tư Pháp Nghệ An triển khai các nội dung tập huấn nghiệp vụ xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Ảnh tư liệu

P.V: Xin ông cho biết kết quả qua hơn 3 năm triển khai thực hiện Quyết định số 619/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh?

Ông Phạm Thành Chung: Thực hiện Quyết định số 619/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, từ năm 2017 đến nay, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo việc xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tư pháp đã tổ chức tập huấn cho thành viên Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật cấp huyện và công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã về nghiệp vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Bên cạnh đó thường xuyên kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện để kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này ở các địa phương.

Nhờ nỗ lực của các cấp, ngành có liên quan, sau hơn 3 năm thực hiện, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 335/480 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (đạt tỷ lệ 69,79%). Trong đó: 34 đơn vị cấp xã loại I, 209 đơn vị cấp xã loại II, 92 đơn vị cấp xã loại III. Trong 11 huyện miền núi có 107 đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Số đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại các huyện đồng bằng là 228 đơn vị.

Việc đánh giá được thực hiện theo đúng quy trình và cơ bản đảm bảo thời gian theo quy định tại Quyết định số 619/QĐ-TTg. Hồ sơ minh chứng kết quả thực hiện các tiêu chí được hệ thống hóa, hoàn thiện khoa học. Cơ sở vật chất, trang thiết bị tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, Phòng tiếp dân tại các địa phương được quan tâm bố trí. Một số địa phương đã quan tâm nâng mức kinh phí phục vụ cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải cơ sở.

Người dân giao dịch tại bộ phận một cửa xã Nghi Kim (TP. Vinh). Ảnh tư liệu

P.V: Bên cạnh những kết quả đạt được, việc đánh giá, công nhận xã, phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật hiện còn gặp những hạn chế và khó khăn, vướng mắc gì, thưa ông?

Ông Phạm Thành Chung: Bên cạnh những kết quả đạt được, việc đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong thời gian qua vẫn còn những hạn chế. Đó là: Lãnh đạo một số đơn vị cấp huyện, nhất là ở khu vực miền núi chưa quyết liệt, chủ động trong chỉ đạo, theo dõi, hướng dẫn cấp xã xây dựng chuẩn tiếp cận pháp luật.

Sự phân công, giám sát của chính quyền cơ sở đối với cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật chưa chặt chẽ. Hoạt động của Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật cấp huyện một số nơi chưa thực chất. Đa số chưa có cơ chế giám sát cũng như đánh giá kết quả hoạt động của thành viên hội đồng.

Cán bộ Hội Nông dân xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai (ngoài cùng bên phải) tuyên truyền Luật Thủy sản cho ngư dân. Ảnh: Tư liệu

Một số địa phương chưa quan tâm đầu tư các nguồn lực để xây dựng các tiêu chí nhằm nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và nâng cao đời sống chính trị - pháp lý của nhân dân. Kinh phí đảm bảo cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở ở một số địa bàn chưa được bố trí hoặc còn hạn chế nên ảnh hưởng lớn đến chất lượng xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật...

Vì vậy, tại một số địa phương số lượng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật còn thấp (ví dụ huyện Quỳ Châu chỉ có 2/12 xã, thị trấn đạt chuẩn; huyện Con Cuông 2/13 xã đạt chuẩn; huyện Nghĩa Đàn 4/25 xã đạt chuẩn...), cá biệt theo số liệu thống kê năm 2019, có một số nơi (như ở 2 huyện Quế Phong, Kỳ Sơn) chưa có xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

BĐBP Nghệ An tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân xã biên giới. Ảnh: tư liệu

Thêm vào đó, quá trình thực hiện còn gặp một số vướng mắc do chưa có quy định về cơ chế giám sát và xử lý vi phạm trong đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính, vì vậy, việc đánh giá còn mang tính hình thức. Quy định thời gian đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật và đánh giá nông thôn mới có sự chênh lệch, gây khó khăn trong quá trình đánh giá. Bên cạnh đó, hiện vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể để xây dựng từng chỉ tiêu của các tiêu chí nên đa số các địa phương còn lúng túng trong tổ chức xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Mặt khác,Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg (văn bản được Thông tư 14/2014/TTLT-BTC-BTP dẫn chiếu làm căn cứ lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí đảm bảo về chuẩn tiếp cận pháp luật) đã bị bãi bỏ, dẫn đến Thông tư số 14 hết hiệu lực một phần nhưng vẫn chưa có thông tư sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế. Do đó, địa phương không có cơ sở để quy định khoản chi, mức chi cho hoạt động này...

P.V: Thời gian qua, tại các địa phương đã triển khai thực hiện sáp nhập xã, xóm. Việc này có gây ảnh hưởng đến công tác xây dựng xã, phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật không, thưa ông?

Ông Phạm Thành Chung: Việc sáp nhập xã, xóm không gây ảnh hưởng đến  công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật do các tiêu chí để được công nhận đạt chuẩn đều trên cơ sở các nhiệm vụ thường xuyên của cấp xã. Mặt khác, Bộ Tư pháp đã có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.

Theo đó, việc đánh giá, công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đối với các đơn vị cấp xã mới hình thành được thực hiện kể từ thời điểm quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền về việc sáp nhập, thành lập hoặc chia tách có hiệu lực thi hành và được tiến hành hằng năm, tính từ ngày 1/1 đến hết ngày 31/12 theo quy định tại Khoản 1, Điều 7, Quyết định số 619/QĐ-TTg. Trình tự, thủ tục, hồ sơ đề nghị, thẩm quyền công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của các đơn vị cấp xã này được thực hiện theo quy định của Quyết định số 619/QĐ-TTg và Thông tư số 07/2017/TT-BTP.              

P.V: Vậy, để nâng cao hiệu quả đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh, cần tập trung vào các giải pháp cơ bản nào?

Ông Phạm Thành Chung: Để nâng cao hiệu quả đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới, Sở Tư pháp sẽ tiếp tục đẩy mạnh vai trò tham mưu cho UBND tỉnh nhằm nâng cao chất lượng quản lý Nhà nước về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Bên cạnh đó, thường xuyên hướng dẫn, chỉ đạo cơ quan tư pháp cấp huyện thực hiện nghiêm túc, chất lượng, nhiệm vụ xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với xây dựng nông thôn mới.

Công an huyện Kỳ Sơn tổ chức tuyên truyền phòng, chống mua bán người cho người dân. Ảnh: tư liệu

- Về phía các địa phương cấp huyện, cần tăng cường vai trò của Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật trong chỉ đạo, theo dõi, đánh giá đảm bảo khách quan, bám sát thực tiễn; có hướng dẫn cụ thể để các đơn vị cấp xã tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đặc biệt cần quan tâm hướng dẫn từng tiêu chí tiếp cận pháp luật. Chủ động bồi dưỡng nguồn nhân lực tại địa phương; tổ chức tập huấn, tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm để cùng giải quyết khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, cấp huyện cần đẩy mạnh kiểm tra các đơn vị cấp xã (có thể lồng ghép trong kiểm tra công tác tư pháp), qua đó kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc cho đơn vị cấp xã, đồng thời tranh thủ ý kiến chỉ đạo của cấp tỉnh về những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Cán bộ tư pháp xã Nghi Khánh (Nghi Lộc) làm thủ tục đăng ký hộ tịch cho người dân. Ảnh: Tư liêu

- Đối với cấp xã cần xây dựng kế hoạch cụ thể, chủ động thực hiện các nội dung về xây dựng, đánh giá tại cấp xã trên cơ sở hướng dẫn của cấp huyện. Đặc biệt, Chủ tịch UBND cấp xã cần tích cực chỉ đạo, đôn đốc công chức theo dõi các tiêu chí và có giải pháp nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ, trong đó tập trung ban hành và triển khai đầy đủ các văn bản trên các lĩnh vực; giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng trình tự, thủ tục, kịp thời, không để xảy ra khiếu nại, tố cáo kéo dài; tiếp công dân đúng lịch; giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính khi có yêu cầu; tăng cường phổ biến pháp luật bằng nhiều hình thức đến cán bộ, nhân dân; đầu tư thỏa đáng cho công tác hòa giải ở cơ sở; đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Quyết định số 619, cấp xã được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật khi đáp ứng:

-  5 tiêu chí (tổng số điểm 100) gồm: Bảo đảm thi hành hiến pháp và pháp luật (15 điểm); Thực hiện thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền UBND cấp xã (30 điểm); Phổ biến, giáo dục pháp luật (25 điểm); Hòa giải cơ sở (10 điểm); Thực hiện dân chủ cơ sở (20 điểm).

- 4 điều kiện gồm: Không có tiêu chí nào dưới 50% số điểm tối đa; Tổng số điểm của các tiêu chí tiếp cận pháp luật phải đạt từ 90% số điểm tối đa trở lên đối với cấp xã loại I, từ 80% số điểm tối đa trở lên đối với cấp xã loại II và từ 70% số điểm tối đa trở lên đối với cấp xã loại III; Kết quả đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân về chất lượng, thái độ phục vụ khi thực hiện thủ tục hành chính đạt từ 80% tổng số điểm tối đa trở lên; Trong năm không có cán bộ, công chức cấp xã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức từ cảnh cáo trở lên do vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ hoặc phải bồi thường thiệt hại do hành vi công vụ trái pháp luật gây ra.