Nghị định mới có hiệu lực trong tháng 3

Nghị định 19 về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của Chính Phủ có hiệu lực từ 31/3/2020. Nghị định này nhằm góp phần ngăn chặn hành vi tham nhũng, nhất là tham nhũng vặt, góp phần làm trong sạch bộ máy...

Theo đó, công chức, viên chức nói chung sẽ bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc nếu có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của người vi phạm; Dung túng, bao che, hạn chế quyền của người vi phạm hành chính khi bị xử lý vi phạm hành chính. Thực tế cho thấy các hành vi như trên xảy ra ở nhiều lĩnh vực, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính; quản lý trật tự giao thông, đô thị; đất đai… và “biến tướng” dưới nhiều hình thức nên không dễ phát hiện, xử lý.

004_iazu06514747620_1432020.jpgẢnh minh họa

Tại Nghệ An, tuy không nhiều nhưng đã từng có trường hợp cán bộ, công chức có hành vi tương tự, gây ảnh hưởng xấu trong nhân dân. Còn nhớ, mấy năm trước dư luận từng xôn xao trước thông tin ông Nguyễn Ngọc S - nguyên Đội phó Đội quy tắc trật tự đô thị một xã trên địa bàn thành phố Vinh đã bị công an bắt quả tang khi đang nhận tiền bảo kê của 7 người bán hàng rong tại nhà riêng. Tại cơ quan điều tra,vị cán bộ này đã thừa nhận về hành vi nhận hối lộ để bảo kê, không xử lý những hộ bán hàng rong lấn chiếm lòng lề đường.

Hay năm 2019 xảy ra vụ việc nguyên 2 kiểm sát viên thị trường của Đội Quản lý thị trường số 8 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Nghệ An) bị khởi tố vì hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản khi nhận 6 triệu đồng của ông Vi Văn Hùng, một người hành nghề bốc thuốc nam trú xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương khi đến nhà ông này để kiểm tra việc kinh doanh hành nghề y dược. Thời điểm kiểm tra, ông Hùng không xuất trình được bất kỳ thủ tục nào nên đã đưa số tiền 6 triệu đồng theo yêu cầu để không bị xử lý vi phạm...

Hình ảnh camera ghi được nhóm người mang sắc phục quản lý thị trường đến nhà ông Vi Văn Hùng. Ảnh tư liệu

Những vụ việc như trên tuy nhỏ nhưng hậu quả không hề nhỏ, như “ổ mối ăn mòn chân đê” làm suy giảm niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào công tác quản lý nhà nước. Đồng thời là nguyên nhân dẫn đến vi phạm đạo đức công vụ của cán bộ, đảng viên.

Theo Nghị định số 19 năm 2020 của Chính phủ, hình thức kỷ luật buộc thôi việc  cũng được áp dụng với hành vi giữ lại vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để xử lý vi phạm hành chính; Giả mạo, làm sai lệch hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính; Đe dọa, trù dập người cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan kiểm tra…

Ở các mức độ nhẹ hơn, cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm có thể bị khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức hoặc cách chức. Cùng với Luật Phòng chống tham nhũng 2008, Nghị định 19 có hiệu lực sẽ là “ cây gậy” để các cấp, các ngành xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức vi phạm đạo đức công vụ, thoái hóa, biến chất, tự diễn biến, tự chuyển hóa. 

Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 43/KH-UBND về quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2020. Trong đó yêu cầu: Quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính phải đảm bảo triển khai đồng bộ, thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm; kết hợp quản lý theo lĩnh vực và theo địa bàn; công tác kiểm tra việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính phải đúng nguyên tắc, thẩm quyền, trách nhiệm...Trong năm, UBND tỉnh giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện có liên quan thực hiện thanh tra việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính khi có kiến nghị, phản ánh của các cơ quan, tổ chức và cá nhân về việc áp dụng các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

Phát huy vai trò “tai, mắt” của dân

Bên cạnh siết chặt công tác quản lý nhà nước, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh thanh tra hành chính, thanh tra công vụ, thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất. Qua đó phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là trên các lĩnh vực nhạy cảm như đất đai, xây dựng cơ bản, tài chính, ngân sách.. BTV Tỉnh ủy Nghệ An đã có Công văn số 5192-CV/TU ngày 13/11/2019.  Trong đó yêu cầu các ban, ngành liên quan lãnh đạo chỉ đạo triển khai xử lý nghiêm những cán bộ, công chức nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành nhiệm vụ, công vụ để vụ lợi cá nhân.

Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng; xử lý nghiêm hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quá trình kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; kịp thời thay thế những cán bộ không đủ phẩm chất, đạo đức...

Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra kỷ luật, kỷ cương hành chính tại cơ sở. Ảnh tư liệu minh họa

Về phía UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Văn bản số 4702/UBND-TD ngày 10/7/2019 yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị thực hiện nghiêm Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ tăng cường xử lý, ngăn chặn  tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Văn bản nêu rõ: "Sẽ xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị thiếu trách nhiệm để cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý trực tiếp có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà đối với người dân, doanh nghiệp; xử lý ngay người đứng đầu có biểu hiện bao che, dung túng nhân viên dưới quyền có hành vi sai trái".

Giải quyết TTHC cho doanh nghiệp tại Sở KH&ĐT. Ảnh tư liệu minh họa

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 610/KH-UBND ngày 14/10/2019 triển khai thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019 – 2021” trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Trong đó có nhấn mạnh việc: “Hình thành văn hóa minh bạch, giải trình của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, nhận thức rõ hành vi đưa, nhận, môi giới hối lộ là vi phạm pháp luật, trái với đạo đức, lương tâm, trách nhiệm, xây dựng mối quan hệ lành mạnh giữa cán bộ, công chức với người dân, củng cố vững chắc đạo đức hành vi, chuẩn mực giữa cán bộ, công chức và người dân.

Hội nghị triển khai Luật Phòng chống tham nhũng. Ảnh tư liệu

Tuy nhiên, cùng với việc giáo dục đạo đức, lối sống liêm chính cho cán bộ, công chức, viên chức, các cấp, các ngành, các địa phương cần có những giải pháp thiết thực đưa Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định số 19 năm 2020 của Chính phủ đi vào cuộc sống, lan tỏa sâu rộng trong xã hội để người dân nắm rõ và nói “không” với các hành vi tiếp tay cho sai phạm của cán bộ, công chức.

Đồng thời phát huy vai trò “tai, mắt” của người dân trong việc phát hiện, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức có hành vi sách nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực thi công vụ.

Các hành vi vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính theo Nghị Định 19

1. Giữ lại vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để xử lý vi phạm hành chính.


2. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của người vi phạm; dung túng, bao che, hạn chế quyền của người vi phạm hành chính khi xử lý vi phạm hành chính.

3. Không xử phạt vi phạm hành chính; không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc không áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người vi phạm theo quy định pháp luật.

4. Xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính không kịp thời, không nghiêm minh, không đúng thẩm quyền, thủ tục, đối tượng theo quy định pháp luật.

5. Áp dụng hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả không đúng, không đầy đủ đối với hành vi vi phạm hành chính.

6. Can thiệp trái pháp luật vào việc xử lý vi phạm hành chính.

7. Kéo dài thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

8. Sử dụng tiền thu được từ tiền nộp phạt vi phạm hành chính, tiền nộp do chậm thi hành quyết định xử phạt tiền, tiền bán, thanh lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu và các khoản tiền khác thu được từ xử phạt vi phạm hành chính trái quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

9. Giả mạo, làm sai lệch hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính, hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

10. Cung cấp thông tin, tài liệu không chính xác, thiếu trung thực liên quan đến nội dung kiểm tra.

11. Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kiểm tra, lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người làm nhiệm vụ kiểm tra.

12. Chống đối, cản trở người làm nhiệm vụ kiểm tra, đe dọa, trù dập người cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan kiểm tra, đoàn kiểm tra, gây khó khăn cho hoạt động kiểm tra.

13. Tiết lộ thông tin, tài liệu về kết luận kiểm tra khi chưa có kết luận chính thức.

14. Không thực hiện kết luận kiểm tra.

15. Thực hiện không đầy đủ, chính xác kết luận kiểm tra.

16. Không theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành quyết định xử phạt của cá nhân, tổ chức bị xử phạt; việc thi hành biện pháp khắc phục hậu quả do cá nhân, tổ chức thực hiện.

17. Ban hành trái thẩm quyền văn bản quy định về hành vi vi phạm hành chính; về thẩm quyền, thủ tục, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước và biện pháp xử lý hành chính.

18. Thiếu trách nhiệm trong việc chỉ đạo thực hiện kết luận kiểm tra.

19. Không giải quyết hoặc giải quyết không kịp thời khiếu nại, tố cáo trong xử lý vi phạm hành chính.