Trước đó, chiều 27/12/2018, bệnh nhân Nguyễn Hữu Tài (45 tuổi, phường Hưng Dũng, TP. Vinh) nhập viện trong tình trạng bị chấn thương kín vùng ngực, da xanh, huyết áp tụt; đồng tử giãn 4 mm, không còn phản xạ ánh sáng, không bắt được mạch, hôn mê rất sâu...
Tại nạn xảy ra trong lúc làm mộc, anh Nguyễn Hữu Tài bị một thanh gỗ lớn đập mạnh vào lồng ngực.
Sau khi khám, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có hiện tượng sốc mất máu, vùng ngực trước tim bầm tím bị lõm vào, đầu trong xương sườn số 5 trái bị gãy. Siêu âm ngay tại giường cấp cứu cho thấy hình ảnh màng ngoài tim có rất nhiều dịch máu gây chèn ép tim cấp.
Ê kip cấp cứu nhận định đây là trường hợp tối khẩn, bởi bệnh nhân có thể bị tổn thương tim và các mạch máu lớn, đe dọa tử vong nhanh chóng. Bệnh nhân phải chọc dịch màng ngoài tim giảm áp ngay tại giường cấp cứu. Tim bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu đập lại và được chuyển mổ khẩn cấp.
Dù khi đến bệnh viện cấp cứu, người thân của bệnh nhân chưa thể đến kịp, nhưng các bác sĩ đã mạnh dạn xin ý kiến lãnh đạo bệnh viện để can thiệp phẫu thuật bảo toàn tính mạng cho bệnh nhân.
Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Văn Chung - Khoa Phẫu thuật tim mạch Lồng ngực - phẫu thuật viên chính ca phẫu thuật (BV Hữu nghị Đa khoa tỉnh) cho biết: Êkip đã mở ngực khẩn cấp giải áp cho tim. Vết vỡ tim dài khoảng 2 cm đang phun máu xối xả được xử lý nhanh chóng để cầm máu. Phần xương sườn bị gãy được cố định bằng chỉ thép đặc biệt. Với sự phức tạp của 1 ca phẫu thuật chấn thương tim và sốc mất máu, 4 ngày sau mổ, bệnh nhân liên tục được theo dõi chặt chẽ tại phòng hồi sức tim.
Theo bác sĩ Chung: Chấn thương tim tương đối ít gặp nhưng một khi xảy ra, diễn biến lại vô cùng nguy hiểm. Đa số bệnh nhân vỡ tim nặng có tiên lượng rất xấu và có thể tử vong ngay sau tai nạn. Việc cứu sống được bệnh nhân vỡ tim như trường hợp này cần sự phối hợp chặt chẽ của êkip từ đội ngũ cấp cứu ngoại viện, trực cấp cứu, ê- kip phẫu thuật tim, gây mê và hồi sức.
Sau hơn 10 ngày phẫu thuật, bệnh nhân Nguyễn Hữu Tài đã hồi phục và dự kiến được xuất viện vào ngày mai (9/1).