Triển khai thực hiện Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hộivề việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021, huyện Hưng Nguyên có 10 xã tiến hành sắp xếp thành 5 xã. Sau sắp xếp, huyện Hưng Nguyên từ 23 xã, thị trấn còn 18 xã, thị trấn, giảm 5 xã.
Cùng với giảm về bộ máy hành chính nhà nước, huyện cũng giảm 5 trường học, giảm 5 trạm y tế xã. Gắn với sắp xếp đơn vị hành chính ở 5 xã này cũng sáp nhập, giảm 127 xóm.
Theo báo cáo từ UBND huyện Hưng Nguyên, thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính, năm 2020 tiết kiệm được hơn 2,2 tỷ đồng chi ngân sách, bao gồm chi tiền lương, phụ cấp, chi hoạt động cho bộ máy 5 xã giảm.
Theo lãnh đạo Sở Tài chính báo cáo tại cuộc làm việc, qua tính toán từ việc giảm 5 đơn vi hành chính cấp xã và 127 xóm trong vòng 5 năm sẽ tiết kiệm khoảng hơn 17,4 tỷ đồng.
Ngoài khẳng định những tác động tích cực, như giảm đầu mối tổ chức bộ máy, đơn vị sự nghiệp, giảm chi ngân sách, tăng nguồn lực phát triển kinh tế cho các đơn vị sáp nhập…; huyện Hưng Nguyên cũng nêu những khó khăn trong quá trình sáp nhập, đặc biệt là sắp xếp, thực hiện chế độ chính sách cho cán bộ, công chức dư dôi sau sáp nhập. Cụ thể, sau sáp nhập, 5 xã sáp nhập có tổng số cán bộ, công chức dôi dư là 95 người.
Đến thời điểm này đã có 39 người đã được giải quyết nghỉ hưu đúng tuổi, chờ hưu, thôi việc, nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ việc theo Nghị quyết số 15/2019/NQ-HĐND và điều chuyển sang xã khác.
Hiện tại, 5 xã sáp nhập đang còn dôi dư 56 cán bộ, công chức. Số này để sắp xếp được cũng đang là bài toán khó, khi thời hạn cho phép sắp xếp đến năm 2024, trong khi đó các xã còn lại trên địa bàn huyện cũng đang dôi dư 10 người do thực hiện Nghị định 34 của Chính phủ.
Huyện Hưng Nguyên còn 4 xã chưa đảm bảo đủ 2 tiêu chí
Hiện tại trên địa bàn huyện có 7/18 xã, thị trấn không đảm bảo 1 hoặc 2 tiêu chí về diện tích, dân số theo quy định; trong đó 5 xã đã thực hiện sắp xếp thì có 4 xã không đạt cả 2 tiêu chí diện tích, dân số và 1 xã không đạt tiêu chí về quy mô dân số.
Nếu thực hiện sắp xếp đủ 2 tiêu chí theo quy định thì Hưng Nguyên tiếp tục phải thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính với 3 - 4 xã thành 1 xã.
Từ thực tiễn đặt ra, huyện Hưng Nguyên đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đối với những đơn vị đã sắp xếp giai đoạn 2019 - 2021 nhưng chưa đảm bảo về tiêu chuẩn thì không xem xét sáp nhập giai đoạn 2022 - 2030.
Huyện cũng đề nghị Quốc hội nghiên cứu sửa đổi, bổ sung giảm quy mô diện tích tự nhiên đối với xã đồng bằng, thay từ 30 km2 trở lên, xuống còn 15 km2; đối với thị trấn giảm từ 14 km2 xuống 10 km2.
Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ sớm ban hành cơ chế, chính sách riêng cho đội ngũ cán bộ, công chức dôi dư sau sắp xếp; đồng thời có cơ chế riêng xét chuyển cán bộ, công chức cấp xã thành công chức cấp huyện.
Kết luận tại cuộc làm việc, bà Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận sự nỗ lực của huyện Hưng Nguyên và các xã thực hiện sáp nhập trong việc giải quyết các công việc, nội dung, nhất là giải quyết cán bộ, công chức dôi dư sau sắp xếp; xử lý, đưa vào sử dụng cơ sở vật chất dư thừa.
Nhấn mạnh mục tiêu sắp xếp đơn vị hành chính là tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị huyện tiếp tục quan tâm bố trí lại cán bộ, công chức phù hợp với chuyên môn, vị trí, việc làm; gắn với đó là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nâng cao chất lượng.
Gắn với đó, huyện cần sớm ban hành đề án sắp xếp, giải quyết cán bộ, công chức dôi dư, trên cơ sở đó rà soát tổng thể cán bộ, công chức để có phương án xử lý tốt hơn.
Huyện cũng cần bám sát các quy định, hướng dẫn của tỉnh để xử lý cơ sở vật chất sau sáp nhập, tránh lãng phí; quan tâm đảm bảo các quyền lợi cho người dân ở các đơn vị sáp nhập…