Chiều 20/8,  UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe và cho ý kiến 3 dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh, gồm: Nghị quyết thu phí thăm quan di tích, bảo  tàng và các công trình văn hóa; Nghị quyết về cơ chế chính sách hỗ trợ các danh hiệu văn hóa trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tỉnh Nghệ An; Nghị quyết về chính sách hỗ trợ xây dựng một số thiết chế văn hóa - thể thao ở cơ sở trên địa bàn.
Đồng chí Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp, tham gia cuộc họp có đồng chí Trần Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao, đại diện các sở, ban, ngành liên quan.
bna__toan_canh_cuoc_hop5524094_2082020.jpgToàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Thanh Nga

Chưa thu phí khách thăm quan di tích, danh thắng

Dự thảo về việc quy định thăm quan các di tích bảo tàng trên địa bàn tỉnh nêu rõ: Thu phí thăm quan di tích, danh lam thắng cảnh, bảo tàng và công trình văn hóa là thực hiện theo quy định của Luật phí, lệ phí; góp phần thiết lập hệ thống chính sách phí thống nhất, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện chính sách phí trên địa bàn tỉnh.

Đối với các di tích, bảo tàng, việc thu phí nhằm bù đắp chi phí phục vụ công tác thu, quản lý và sử dụng nguồn thu phí thăm quan tại đơn vị; bổ sung kinh phí cho hoạt động thường xuyên và công tác bảo quản, phục hồi và sửa chữa các di tích, bảo tàng, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ khách thăm quan.

Đền thờ vua Quang Trung thu hút đông đảo du khách tập phương. Ảnh tư liệu Thành Cường

Tuy nhiên, tại cuộc họp nhiều ý kiến cho rằng đề ra việc thu phí ở thời điểm hiện nay là chưa phù hợp, nhiều di tích danh lam thắng cảnh nhất là ở bảo tàng lượng khách thăm quan rất ít. "Vấn đề đặt ra lượng khách đến thăm quan có nhiều không, nếu thu phí với đối tượng là người dân địa phương mỗi tháng đến thắp hương thì có phù hợp với việc thu phí thăm quan không", đại diện Sở Tư pháp nêu ý kiến.

Có ý kiến cho rằng, nên quản lý tiền công đức chứ chưa nên tính đến việc thu phí.

Đồng chí Trần Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao giải trình các ý kiến đóng góp tại cuộc họp. Ảnh: Thanh Nga

Sau khi nghe các ý kiến, Giám đốc Sở Văn hóa &Thể thao đề xuất nên dừng việc ban hành nghị quyết về thu lệ phí khách thăm quan di tích văn hóa.

Tại cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long khẳng định, việc ban hành nghị quyết thu phí tại thời điểm này là chưa phù hợp, sở ngành cần tiếp tục nghiên cứu để đề xuất về mức phí, đối tượng thu, cơ chế và bộ máy thực hiện trong thời điểm phù hợp hơn.

Số lượng gia đình văn hóa cần nhiều hơn 4 gia đình/ khu dân cư/ năm

Nghị quyết hỗ trợ khen thưởng các danh hiệu văn hóa trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” quy định 3 chính sách.

Với chính sách Gia đình văn hóa 3 năm liên tục có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được tặng Giấy khen của Ủy ban nhân dân cấp xã kèm theo mức thưởng 200.000 đồng; số lượng tối đa 4 Gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc/ khu dân cư/ năm.

Đối với “Cơ quan đạt chuẩn văn hóa ”, “Đơn vị đạt chuẩn văn hóa”, “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” được UBND cấp huyện công nhận lần đầu kèm theo mức thưởng 2.000.000 đồng; được UBND tỉnh công nhân lại kèm theo mức thưởng 3.000.000 đồng.

Giao lưu bóng chuyền ở xã Nghi Lâm (Nghi Lộc). Ảnh tư liệu

Đối với xã đạt chuẩn “văn hóa nông thôn mới”, “Phường đạt chuẩn văn minh đô thị” được UBND cấp huyện công nhận kèm theo mức thưởng 20.000.000 đồng/ xã.

Về nội dung này đa số các đại biểu khá đồng tình về các chính sách, tuy nhiên đối với chính sách "Gia đình văn hóa", nhiều ý kiến cho rằng chính sách này chỉ quy định mỗi thôn xóm chỉ có 4 gia đình văn hóa/ năm là quá ít trong bối cảnh đã sáp nhập xóm, xã như hiện nay.

Đối với các doanh nghiệp được công nhận là đơn vị văn hóa chúng ta cũng cần có mức thưởng phù hợp ở đơn vị lần đầu đạt danh hiệu này.

Đồng chí Bùi Đình Long kết luận việc thông qua các nghị quyết. Ảnh: Thanh Nga

Kết luận nội dung này, đồng chí Bùi Đình Long cho rằng cần phải có tiêu chí cụ thể cho danh hiệu Gia đình văn hóa đồng thời nên nâng số lượng các gia đình văn hóa nhiều hơn 4 gia đình. Các hạng mục khác yêu cầu Sở Văn hóa & Thể thao phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Tài chính thống nhất nội dung, tiêu chí hoàn thiện để tham mưu trình UBND tỉnh vào tháng 9/2020.

Ưu tiên đầu tư thiết chế văn hóa cho các xã đặc biệt khó khăn

 Đối với Nghị quyết về chính sách hỗ trợ xây dựng thiết chế văn hóa – thể thao ở cơ sở trên địa bàn đến năm 2030. Chính sách này quy định về cơ chế đầu tư xây dựng, mua sắm cơ sở vật chất; Hỗ trợ kinh phí hoạt động sự nghiệp văn hóa thể thao cho các xã thuộc vùng III và các xã thuộc huyện Nam Đàn; Cân đối từ ngân sách tỉnh chi trả chế độ thù lao hàng tháng cho cộng tác viên văn hóa, thể thao và gia đình ở thôn bản, khối, xóm.

Với mục tiêu hỗ trợ các địa phương xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở đồng bộ về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhằm đáp ứng nhu cầu sáng tạo thụ hưởng văn hóa, thể thao giữa các vùng miền; Hỗ trợ các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các xã, thị trấn huyện Nam Đàn trong việc tổ chức và nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động văn hóa; nhằm phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa – thể thao ở khu dân cư.

Tuyến đường mẫu Nông thôn mới tại xóm Sen 3, xã Kim Liên, Nam Đàn. Ảnh tư liệu: Nguyễn Hải

Ở nghị quyết này đa số các đại biểu đồng tình các quy định hỗ trợ đầu tư thiết chế văn hóa, tuy nhiên nhiều đại biểu cho rằng nên đầu tư cuốn chiếu cho từng xã để hoàn thiện dần các thiết chế mới đạt hiệu quả.  

Nhiều ý kiến cho rằng cần tiết giảm sân vận động trong thiết chế chung, đồng chí Trần Thị Mỹ Hạnh cho rằng đó là một hạng mục  trong xây dựng nông thôn mới vì có một thực tế hiện nay nhiều nơi thiết chế văn hóa thừa nhưng lại thiếu. “Tới năm 2025 với quyết tâm 82% xã đạt Nông thôn mới nên chúng ta cần phấn đấu hoàn thiện các hạng mục trong tiêu chí thiết chế văn hóa theo đúng quy định của chương trình mục tiêu quốc gia.” Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao nói.

Về nghị quyết này đồng chí Bùi Đình Long cho rằng Ngành văn hóa cần rà soát lại thiết chế văn hóa xóm, xã để phân kỳ đầu tư, trên cơ sở nguyên tắc ưu tiên như xã về đích Nông thôn mới, xã đặc biệt khó khăn, xã vùng bãi ngang... Đồng thời cần lưu ý giảm thiểu kinh phí tối đa cho từng hạng mục.