Ông Bùi Xuân Trúc - Phó phòng NN&PTNT huyện Quỳnh Lưu cho biết: Trên địa bàn huyện có hơn 460 ha tôm nuôi, trong đó có 105 ha nuôi theo quy trình VietGAP. Tuy nhiên, từ trước đến nay các hộ dân tự nuôi, tự lo đầu ra. Thương lái đến tận đầm thu mua là chính, chưa có liên kết theo chuỗi để bao tiêu sản phẩm.
Theo ông Trúc, để nghề nuôi tôm phát triển bền vững, ổn định, cần có doanh nghiệp lớn trong tỉnh đầu tư, liên kết theo chuỗi.
Tại huyện Diễn Châu có 330 ha ao đầm nuôi tôm. Những năm qua, người nuôi tôm trên địa bàn huyện đã mạnh dạn đầu tư áp dụng công nghệ nuôi tôm mới nên năng suất đạt cao; đạt trung bình 5 tấn/ha, sản lượng tôm thương phẩm hàng năm ước đạt 1.600 tấn.
Theo ông Lê Thế Hiếu - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Diễn Châu, thì khoảng 80% sản lượng tôm nuôi trên địa bàn được các công ty ngoại tỉnh thu mua để xuất khẩu; còn khoảng 20% sản lượng tôm nhập cho các nhà hàng, khách sạn trong tỉnh.
Trong những năm gần đây, nghề nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển khá, đặc biệt là đối với nghề nuôi tôm mặn, lợ. Diện tích nuôi tôm tăng hàng năm, đến nay đã có 1.500 ha; tổng sản lượng tôm mỗi năm đạt gần 7.000 tấn.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Chi cục Thủy sản, khâu tiêu thụ tôm nuôi đang trong tình trạng bị động, chưa hình thành liên kết giữa người nuôi và doanh nghiệp, người mua và người bán chủ yếu thông qua môi giới trung gian.
Người nuôi tôm cho rằng: Để nghề nuôi tôm phát triển, đạt hiệu quả kinh tế cao hơn, trên địa bàn tỉnh cần có doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu đủ năng lực, tạo dựng được thương hiệu tôm Nghệ An để có điều kiện xuất khẩu ra nước ngoài.
Cùng đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu sản phẩm thủy sản của Nghệ An, thông qua các kênh thông tin, truyền thông, triển lãm, các hội chợ thủy sản, chú trọng ở các thị trường xuất khẩu lớn… Đặc biệt, tăng cường mối liên kết giữa người sản xuất giống đến người nuôi và doanh nghiệp bao tiêu thu mua, chế biến, xuất khẩu tôm.