Phân hóa đối tượng để ôn tập
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 theo kế hoạch không khác nhiều so với Kỳ thi của năm 2020 và điều này đã tạo tâm lý thuận lợi cho thí sinh trong quá trình ôn tập. Về phía các nhà trường, để đẩy nhanh việc ôn thi, học sinh khối 12 được hoàn thành chương trình khá sớm và đến tuần đầu tiên của tháng 5, nhiều trường đã cơ bản kết thúc việc kiểm tra học kỳ. Thời gian còn lại, tập trung chính cho các môn thí sinh đăng ký dự thi.
Trường THPT Anh Sơn 1 là một trong những trường nằm trong tốp đầu của tỉnh và cũng là trường có tỷ lệ thí sinh đăng ký để xét tuyển vào các trường đại học rất cao. Tại lớp 12T1 - lớp điểm của Trường THPT Anh Sơn 1, không khí ôn thi cũng đang khẩn trương. Tại kỳ thi thử toàn tỉnh vừa rồi, lớp có 1 học sinh nằm trong tốp 5 với 27,7 điểm, mức điểm trung bình là trên 22.
Cô giáo Phạm Thị Thanh Thái - Chủ nhiệm lớp chia sẻ: “Lớp chúng tôi có 42 học sinh và tất cả đều đăng ký vào đại học. Vào thời điểm tăng tốc, chúng tôi tổ chức ôn thi theo từng chuyên đề dành cho từng đối tượng học sinh khác nhau. Nếu học sinh đăng ký các môn thi để vào đại học thì sẽ tập trung để nâng cao kiến thức. Ngược lại, những môn thi chỉ để xét tốt nghiệp chúng tôi tập trung ôn tập những kiến thức cơ bản để các em có đủ điểm khá”.
Ở Trường THPT Hoàng Mai, việc ôn tập cho học sinh lớp 12 đã được nhà trường xây dựng từ đầu năm học nên đến thời điểm này, nhà trường hoàn toàn chủ động cho học sinh cuối cấp.
Thầy giáo Hồ Hồng Sơn - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Ngay từ khi học sinh trúng tuyển vào trường, chúng tôi đã chia lớp theo nguyện vọng của học sinh và các em đã xác định được khối thi khá sớm. Do đó, trong quá trình ôn thi, học sinh và giáo viên đều không lúng túng và có sự chuẩn bị rất sớm. Thời điểm cuối năm học, chúng tôi không ôn thi theo lớp mà ôn thi theo từng đối tượng học sinh. Chúng tôi cũng đã yêu cầu các tổ bộ môn phân tích kỹ cấu trúc đề thi minh họa, ra đề và tổ chức thi thử cho học sinh. Để ôn thi đạt hiệu quả cao, nhà trường lựa chọn những thầy, cô có đạo đức tốt, có kinh nghiệm, có tâm huyết hướng dẫn ôn tập cho các em. Với những học sinh năng lực yếu hơn trường tổ chức lớp phụ đạo riêng cho các em”.
Chủ động chuyển sang phương án ôn thi trực tuyến
Chủ trương dạy học trực tuyến được Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng từ đầu năm học trong bối cảnh toàn ngành vừa chống dịch nhưng vẫn phải đảm bảo nhiệm vụ dạy và học. Tại thời điểm này, phương án này đã được nhiều nhà trường triển khai khi dịch Covid-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp.
Thầy giáo Lê Tùng Lâm là giáo viên dạy bộ môn Vật lý ở Trường THPT Hà Huy Tập và cũng là một trong những giáo viên có nhiều kinh nghiệm trong ôn thi lớp 12. Thời gian vừa qua, song song với việc dạy học trực tiếp ở lớp, thầy cùng nhiều giáo viên khác xây dựng các bộ đề để hướng dẫn ôn tập qua kênh ôn thi trực tuyến riêng của nhà trường.
Chia sẻ thêm về điều này, thầy cho biết: “Hiện tại chúng tôi đã đẩy nhanh chương trình để hoàn thành việc kiểm tra, thi đánh giá cho học sinh cuối cấp. Đồng thời, tôi cũng đã triển khai các phương án dạy học trực tuyến để phù hợp với tình hình mới. Quá trình soạn giáo án, chúng tôi bám sát đề thi minh họa. Việc dạy online được thực hiện song song 2 hình thức đó là vừa giảng bài online, vừa thực hiện ra bài tập và chấm bài cho học sinh qua mạng để có thể đánh giá đúng năng lực học sinh...”.
Thời gian qua, Trường THPT Hà Huy Tập cũng là đơn vị đi đầu trong việc xây dựng chương trình dạy học trực tuyến. Cụ thể, nhà trường xây dựng câu lạc bộ bộ môn và trên cơ sở phần mềm đã được xây dựng các giáo viên trong từng tổ bộ môn sẽ ra đề và tổ chức ôn thi trực tuyến cho tất cả học sinh theo từng lớp, từng khối thi khác nhau.
Thầy giáo Cao Thanh Bảo - Hiệu trưởng nhà trường cũng cho biết: “Thời gian qua, học sinh của trường đã được làm quen với việc học và thi trực tuyến để rèn luyện kỹ năng làm bài. Vì thế, nếu thời gian tới, học sinh không đến trường thì nhà trường sẽ khởi động ôn tập bằng hình thức trực tuyến trên hệ thống riêng của nhà trường theo mô hình phòng học trực tuyến”.
Hiện phương án dạy học trực tuyến này cũng đang được các trường ở thị xã Hoàng Mai áp dụng và triển khai trong điều kiện học sinh toàn trường đang phải tạm dừng đến trường do trên địa bàn có bệnh nhân dương tính với Covid-19.
Tại Trường THPT Hoàng Mai 2, nơi có 1 học sinh là con gái của bệnh nhân dương tính với Covid-19, thầy Nguyễn Xuân Bài - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay: “Nhà trường dự kiến sẽ hoàn thành kiểm tra định kỳ vào ngày 11/5, tuy nhiên, do học sinh phải tạm nghỉ học nên nhà trường vẫn chưa thể triển khai kiểm tra học kỳ. Nếu học sinh tiếp tục nghỉ học, nhà trường tính đến việc kiểm tra học kỳ bằng hình thức trực tuyến. Trường cũng tính đến phương án giao đề kiểm tra, cho học sinh làm bài thu hoạch ở nhà và nộp cho giáo viên chấm lấy điểm kiểm tra định kỳ.
Với học sinh lớp 12, mặc dù chương trình năm học đã cơ bản hoàn thành, nhưng khi triển khai ôn tập trực tuyến chúng tôi cũng đã lường trước khó khăn khi điều kiện cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo, giáo viên khó kiểm soát chặt chẽ học sinh, một số học sinh tự học, tự giác lại chưa cao. Trước mắt nhà trường sẽ cùng phối hợp nhiều kênh để ôn thi như giảng bài qua youtube, ra đề thi thử qua mạng xã hội để giúp học sinh không gián đoạn trong học tập”.
Từ nay đến Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, học sinh lớp 12 đang còn gần 2 tháng chuẩn bị. Trong thời điểm này, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ đạo các nhà trường sẵn sàng chủ động chuyển sang ôn thi trực tuyến nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp. Trước đó, để học sinh lớp 12 ôn thi hiệu quả, Sở cũng đã có văn bản hướng dẫn chi tiết. Sở cũng yêu cầu các nhà trường, trên cơ sở phân tích đề thi tham khảo của Bộ, kết quả các đợt thi thử, phân loại đối tượng học sinh để tiến hành rà soát, điều chỉnh kế hoạch ôn tập cho học sinh trong từng giai đoạn.
“Khi dạy học trực tuyến, chúng tôi chỉ đạo các đơn vị tiến hành rà soát việc thực hiện kế hoạch giáo dục để xác định các nội dung môn học, hoạt động giáo dục chưa thực hiện, từ đó lựa chọn nội dung dạy học phù hợp theo hình thức dạy học trực tuyến và các hình thức khác đảm bảo kiến thức, kỹ năng cốt lõi cho học sinh.
Tuy nhiên, khi xây dựng thời khóa biểu không gây quá tải cho học sinh và bố trí lịch học để hạn chế tối đa trùng lịch học giữa các cấp học nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh, học sinh”.