(Baonghean.vn) - Câu mực là nghề truyền thống của ngư dân xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu). Mặc dù vất vả hơn các nghề đánh bắt khác nhưng giá trị lại rất cao, được xem là nghề "câu cơm" của ngư dân vùng biển.
Vừa đặt chân tới cảng Lạch Thơi đã thấy hàng chục thương lái đang chờ sẵn trên bến để thu mua hải sản từ những chiếc tàu vừa mới ở ngoài khơi trở về. Chiếc tàu cá NA 95170 của ngư dân Hoàng Văn Bảng đang thả neo, lần lượt vận chuyển hải sản như mực, cá hố xuống tàu. Lúc này, có khoảng 5 thương lái đến đóng gói, sắp xếp mực vào trong khay để mang đi bán trong ngày.
Ngư dân Hoàng Văn Bảy, thuyền trưởng tàu cá NA 95170 phấn khởi: Để tránh đánh bắt hải sản lúc trăng sáng không có hiệu quả nên khoảng từ mùng 7 đến 12 âm lịch hàng tháng, tất cả các phương tiện đều phải trở về bến để nghỉ trăng, nhập hải sản và sửa sang lại tàu thuyền. Chuyến này, chúng tôi câu được 300 kg mực tươi, sau khi phơi nắng được 80 kg mực khô. Như vậy, chỉ trong 1 đêm chúng tôi thu được 40 triệu đồng.
Ngư dân Bảy chia sẻ: “Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên năm 13 tuổi anh đã theo các ngư phủ lâu năm đi biển, công việc chủ yếu là câu mực, sáng thì ngủ và tối ngồi câu mực cho đến tận sáng. Biết là vất vả nhưng dần dần thành thói quen, đến nay tôi đã có 28 năm gắn bó với biển, với nghề câu mực”.
Ngư dân Ngô Văn Đông ở thôn 4, xã Sơn Hải có hơn 20 năm làm nghề câu mực trên biển cho biết: Hiện nay, nghề câu mực đang được ngư dân ở nhiều vùng biển khai thác, mỗi nơi có một bí kíp câu mực khác nhau để đạt hiệu quả. Đối với ngư dân chúng tôi đang tập trung khai thác ở vùng khơi, hiệu quả khai thác cao hơn rất nhiều so với vùng lộng và đó là điểm nổi bật của nghề câu mực Sơn Hải”.
Theo kinh nghiệm của ngư dân, để câu mực, mỗi tàu phải trang bị từ 10-20 chiếc cần. Cần câu được làm bằng ống tre, hóp dài khoảng 15-20 mét; thứ hai phải có ống dây cước được quấn tròn nhiều vòng; thứ 3 là mồi câu. Mồi câu được sử dụng bằng các vật giả như nhựa, gỗ có hình thù bắt mắt, màu sắc rực rỡ thì mới thu hút được con mồi.
Và điều quan trọng hơn nữa là khi câu mực, trên tàu phải bật hết bóng điện cao áp, mỗi đèn 1.000kW để dụ con mồi đến rồi vung cần ra câu trong sóng yên, biển lặng. Trong quá trình câu, phải biết nhìn con trăng, nước thủy triều, kỹ thuật nương, kéo dây thì nhiều con mực lớn mới dính câu. Khi đó cũng phải khéo léo cuộn dây mới có thể đưa được mực lên ghe, chứ không thì vuột trở lại biển thành công toi.
Ông Nguyễn Tiến Mạnh - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hải cho biết: câu mực khơi là nghề chính của người dân địa phương, mỗi năm, sản lượng mực khô khoảng trên 300 tấn, giá trị hàng tỷ đồng. Nhiều gia đình giàu có nhờ nghề câu mực khơi. Hiện nay, địa phương đang khuyến khích nhân dân đóng tàu to máy lớn, mở rộng ngư trường khai thác, vừa phát triển nghề câu truyền thống, vừa đánh bắt bằng các ngư cụ hiện đại để tăng sản lượng trong mỗi chuyến đi dài ngày.
Mực là nguồn hải sản rất được thị trường ưa chuộng, giá cả ổn định, nhất là mực phơi khô có thể trong thời gian lâu vẫn không bị hỏng. Hiện nay, mực khô thu mua tại bến là 500-600 nghìn đồng/kg loại mực to; 300-400 nghìn/kg loại nhỏ. Nếu mực được thương lái bán trong các điểm chợ thì sẽ có giá cao hơn từ 100-150 nghìn đồng/kg.
Ngoài xã Sơn Hải, một số xã như Quỳnh Nghĩa, Tiến Thủy hiện cũng đang đầu tư thuyền to máy lớn khai thác hải sản, trong đó có mực. Từ đầu năm đến nay, nghề câu mực của ngư dân Quỳnh Lưu liên tục trúng lớn, trung bình sau mỗi đêm, ngư dân thu nhập từ 20-40 triệu đồng.
Toàn xã Sơn Hải có 246 phương tiện tàu thuyền, trong đó có 215 chiếc đánh bắt xa bờ có công suất 90 CV trở lên. Nghề khai thác hải sản ở địa phương chủ yếu là 4 sào, 2 sào chụp mực. Sản lượng hàng năm đạt gần 2.700 tấn/năm, doanh thu khoảng trên 450 tỷ đồng. |
Việt Hùng