(Baonghean.vn) - Đối phó với mùa nắng nóng năm nay, người trồng chè ở huyện Thanh Chương (Nghệ An) đang có nhiều giải pháp để chống hạn hiệu quả.
Trước năm 2014 toàn huyện có 4.500 ha chiếm¾ diện tích chè của cả tỉnh. Trong trận đại hạn lịch sử năm 2015 số lượng chè bị chết trên 1.000 ha. Đây là một tổn thất rất lớn vì từ khi trồng đến khi thu hoạch phải mất ít nhất 3 năm và để trồng được một ha chè phải đầu tư trên 40 triệu đồng.
Xác định chè là cây kinh tế chủ lực, huyện Thanh Chương đã tập trung chỉ đạo, có nhiều cơ chế chính sách để người dân trồng lại và trồng mới thêm nhiều diện tích.
Huyện đã huy động được trên 100 tỷ đồng đầu tư cho cây chè từ các chương trình cho vay xây dựng trang trại, nước sạch của Ngân hàng chính sách xã hội huyện và Ngân hàng nông nghiệp. Cùng với đó, chỉ đạo trạm khuyến nông tổ chức trên 50 cuộc tập huấn cho trên 4.000 người dân vùng chè về kỹ thuật trồng, chăm sóc chè.
Nhờ vậy, trong những tháng cuối năm 2015 và đầu năm 2016, toàn huyện đã khôi phục được 200 ha và trồng mới đạt 350 ha, đang chuẩn bị trên 30 triệu cành giống để trồng khoảng 200 ha vào vụ thu tới. Ngoài các xã chuyên chè, hiện nay, người dân các xã tái định cư Thủy điện Bản Vẽ như Thanh Sơn, Ngọc Lâm cũng đã tích cực trồng chè, coi đây là giải pháp xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Bên cạnh việc khôi phục, trồng mới, rút kinh nghiệm từ các năm trước, bước vào mùa nắng nóng năm nay người trồng chè tập trung cao cho việc phòng chống hạn. Các hộ dân ở gần khe suối hồ đập tập trung vào việc tích trữ nguồn nước, mua sắm các loại máy bơm và thiết bị để phun tưới.
Theo thống kê, hiện có 63% số hộ dân có máy bơm các loại. Nhiều hộ dân xã Thanh Mai đầu tư từ 20- 150 triệu đồng mua sắm máy bơm nước công suất lớn và hệ thống tưới tự động.
Hộ ông Bùi Ngọc Toàn ở xóm Nam Sơn, Thanh Mai đầu tư 200 triệu động để lắp đặt hệ thống phun tưới. Nhờ hệ thống này, trong trận đại hạn lịch sử năm 2015, 3 ha chè của nhà ông luôn xanh tốt. Kết quả bảo vệ chè và hệ thống bơm tưới của ông Toàn đang là trực quan sinh động để người dân đến học tập.
Ở những vùng không có các nguồn nước tự nhiên, nhiều hộ dân đầu tư xây dựng các bể nước trên 100 m2 ở nơi cao nhất trong vườn chè để dự trữ nước mưa. Điển hình như hộ gia đình ông Đinh Xuân Thông ở Xóm Đá Bia Xí nghiệp chè Ngọc Lâm.
Cùng với việc đào ao, ngăn đập, xây bể, mua sắm máy bơm nước, người dân vùng chè là tích cực chăm sóc, bón phân, làm cỏ và tủ gốc cho chè bằng các loại cây phân xanh, lá cây tươi để giữ ẩm.
Ngoài ra, người dân có kinh nghiệm để phòng chống hạn thì trong vụ chè xuân đầu tiên không nên thu hoạch bằng máy mà nên thu hoạch thủ công. Tuy năng suất không cao nhưng giữ được bộ lá không bị tổn thương. Thu hoạch chè bằng máy do nhiệt độ cao và vương xăng dầu sẽ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây chè, nếu gặp nắng nóng chè sẽ chết.
Trần Đình Hà
Đài Thanh Chương
TIN LIÊN QUAN