Ông Nguyễn Văn Thương ở xóm 7, xã Quỳnh Trang (thị xã Hoàng Mai) cho biết, mùa này châu chấu rất hiếm nên sản lượng săn bắt không đạt như thời điểm mùa lúa trổ đòng, lúa chín và sau khi thu hoạch; tuy nhiên, giá bán lại cao gấp nhiều lần so với vào mùa. Hơn nữa, thời điểm này, châu chấu sau khi được săn bắt về đều được đóng gói, đếm từng con lấy tiền chứ không phải cân lên như trước đây.
Theo các hộ ở xã Quỳnh Trang (thị xã Hoàng Mai) làm nghề săn bắt châu chấu cho biết, khoảng từ tháng 7 – 9 là mùa săn bắt "tôm bay", sau đó nhập cho thương lái từ 80.000 – 100.000 đồng/kg. Tuy nhiên, hiện nay trên các xứ đồng của bà con nông dân, lúa mới gieo cấy khoảng được nửa tháng nên chưa thu hút châu chấu bay về nên rất khó để săn bắt.
Do vậy, người dân chỉ có thể săn được 3 – 5 kg châu chấu là nhiều; hiện giờ mỗi kg châu chấu được thương lái thu mua với giá 150.000 - 180.000 đồng. Với giá này, người bắt châu chấu có thể thu nhập từ 500.000 – 700.000 đồng/ngày.
Được biết, trên địa bàn thị xã Hoàng Mai và Quỳnh Lưu có khoảng hơn 100 hộ chuyên đi săn bắt châu chấu, trong đó tập trung chủ yếu ở xã Quỳnh Trang, Quỳnh Thanh. Ngoài ra, trên địa bàn 2 huyện có nhiều hộ chuyên thu mua châu chấu. Vào mùa chính, những cơ sở này thu mua từ 5 tạ đến 1 tấn "tôm bay", sau đó ướp lạnh bảo quản trong thùng xốp vận chuyển đi các tỉnh phía Bắc như: Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc và một số tỉnh miền Trung để tiêu thụ. Theo tìm hiểu từ các lái buôn ở phía Bắc, tôm bay đang được thương lái tìm mua với 250.000 đồng/kg (cao gấp 3 lần so với thời điểm vào mùa) nhưng vẫn không có nguồn cung.
Vào mùa nắng nóng, đặc sản “tôm bay” trở lên hút khách, đặc biệt ở các tỉnh, thành như Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương... khi đây được xem là món khoái khẩu đối với người dân sành nhậu. "Tôm bay" có thể chế biến được nhiều món, nhưng ưa thích nhất vẫn là chiên sả ớt nóng giòn. Ngoài dùng để chế biến thành món ăn đặc sản thì “tôm bay” còn được dùng để làm thức ăn cho chim cảnh.