6 tháng đầu năm thiệt hại 242 tỷ đồng
Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2020, thời tiết, thiên tai trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp. Cụ thể, trên địa bàn đã chịu ảnh hưởng của 15 đợt không khí lạnh, 5 đợt nắng nóng, 22 đợt tố lốc, lũ quét. Hậu quả làm 3 người chết, sập đổ 35 ngôi nhà, hư hỏng 2.355 nhà, hư hại 2.897 ha lúa, ước tính thiệt hại 242 tỷ đồng.
Đối với công tác quản lý đê điều, Nghệ An có 68 km đê cấp III (đê tả Lam). Hiện nay đê cấp III chưa được phân cấp, kinh phí đầu tư tu bổ còn ít.
Mặc dù thiên tai diễn biến phức tạp nhưng công tác phòng, chống thiên tai tiếp tục được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo nghiêm túc. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cùng các ngành, địa phương, đơn vị triển khai quyết liệt, đồng bộ, phát huy tốt “4 tại chỗ” chuẩn bị tốt các khâu phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả. Nhờ đó, đã hạn chế được nhiều thiệt hại về người, tài sản.
Sẵn sàng ứng phó với thiên tai
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trần Quang Hoài - Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai cho rằng: Nghệ An thường xuyên chịu ảnh hưởng của các loại hình thiên tai, vì vậy, cần kiện toàn BCH phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng thành viên; Xây dựng kịch bản cho các loại hình thiên tai.
Tiếp tục rà soát để xây dựng phương án hộ đê, xây dựng các phương án với các đoạn đê xung yếu. Cần gắn trách nhiệm quản lý hồ chứa đối với chính quyền địa phương, xây dựng các phương án duy tu, nâng cấp hồ chứa, xây dựng kịch bản an toàn cho vùng hạ du. Nghệ An thường xuyên xảy ra lũ quét, lũ ống, nên cần tuyên truyền cho bà con cách phòng tránh, kiểm tra nơi ở có nguy cơ để di dời bà con đến nơi an toàn...
Kết luận buổi họp,đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu đã ghi nhận những ý kiến của đoàn công tác Tổng cục Thủy lợi, tỉnh sẽ nghiêm túc tiếp thu, thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai. Xác định thiên tai đang diễn biến ngày càng phức tạp, vì vậy, UBND tỉnh yêu cầu các ban, ngành, địa phương phải chủ động ứng phó với thiên tai, từ đó mới giảm thiểu được thiệt hại.
Tỉnh sẽ xây dựng cụ thể phương án sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, tăng cường công tác dự báo, cảnh báo đối với các loại thiên tai; Đẩy nhanh tiến độ tu sửa, nâng cấp hệ thống, đê điều, hồ, đập; Tăng cường công tác quản lý tàu thuyền, phát huy phương châm “4 tại chỗ” trong phòng, chống thiên tai.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Tổng cục Thủy lợi đề xuất với Bộ Nông nghiệp và PTNT đầu tư kinh phí triển khai dự án nâng cấp hệ thống đê biển trên địa bàn; Xem xét, phân loại phân cấp đối hệ thống đê điều. Đồng thời, trình Chính phủ có quy chế phối hợp với Chính phủ Lào về việc cung cấp thông tin mưa lũ trên lưu vực sông Cả phía nước bạn Lào để tỉnh Nghệ An kịp thời ứng phó trong mùa mưa lũ.