Theo ông Nguyễn Duy Minh - Tổng thư ký Hiệp hội Logistics Việt Nam cho rằng trên cương vị của nhà đầu tư, thì khi quyết định đầu tư vào bất cứ địa điểm nào ngoài những ưu đãi đất đai, lợi thế lao động, thuế thì vấn đề rất quan trọng họ quan tâm là chi phí vận tải một container từ nơi sản xuất đến người bán hàng. 

Hiện nay, tại Nghệ An, các nhà máy đều phải tiếp cận với cảng cửa ngõ gần nhất đó là cảng Hải Phòng với cự ly hơn 400km với chi phí hơn 8 triệu đồng/container 40 feet bằng đường bộ.

Lợi thế của Nghệ An đó là cảng Cửa Lò với 2 bến số 3, số 4 đang phục vụ rất tốt vận tải container ven bờ, container nội địa kết nối TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng với tần suất 3 chuyến/tuần.

Đây là tần suất đủ tốt, đủ để chúng ta nên nghĩ đến việc tổ chức hội nghị chuyên đề cùng các nhà đầu tư cũng như các nhà vận tải ven bờ trên địa bàn Nghệ An, Hà Tĩnh và những địa bàn lân cận, để bàn giải pháp quy tập nguồn hàng đó thông qua cảng Cửa Lò và dùng vận tải ven bờ kết nối với cảng Hải Phòng kết nối với TP Hồ Chí Minh để giảm chi phí vận tải.

bna_nguyenduyminhphatbieuanhducanh2100478_932018.jpgÔng Nguyễn Duy Minh - Tổng thư ký Hiệp hội Logistics Việt Nam tại phát tại biểu Hội thảo. Ảnh: Đức Anh

Được biết, hiện nay, chi phí vận tải ven bờ đối với hàng container từ Cửa Lò đi Hải Phòng là 3,7 triệu/container 40 feet cộng thêm chi phí vận tải khoảng 1 triệu đồng từ nhà máy đến cảng Cửa Lò. Như vậy so với chi phí 8 triệu đi bằng đường bộ đó là con số chênh lệch rất lớn mà nhà đầu tư cần suy nghĩ. Hơn nữa trong tương lai quy mô đầu tư ngày càng nhiều hơn.

Cũng theo ông Minh, trước mắt về hạ tầng, cảng Cửa Lò đã cơ bản đáp ứng, vấn đề chúng ta cần phải đặc biệt lưu ý là dịch vụ kết nối về chiến lược dài hạn.

Tổng thư ký Hiệp hội Logistics Việt Nam nhấn mạnh, liên quan đến dịch vụ Logistics đó là nguồn nhân lực. Với vai trò ngành nghề Logistics thì Hiệp hội Logistics Việt Nam sẵn sàng giúp các đại học trên địa bàn của Nghệ An nếu họ quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về dịch vụ Logistics. “Chúng tôi chia sẻ bản quyền đào tạo cũng như chuỗi cung ứng đối với các trường đại học để họ đào tạo chung cho tỉnh Nghệ An cũng như các tỉnh Bắc Trung bộ nhằm đón đầu những nguồn đầu tư mới” - ông Minh khẳng định.

Bên cạnh đó, vị trí chiến lược của Nghệ An hiện nay trong tương quan thương mại giữa Trung Quốc - Việt Nam - Lào và Thái Lan theo nhận định của Hiệp hội Logistics Việt Nam thì dòng hàng đi từ Bắc Thái Lan hiện nay đang chuyển hướng đi qua cửa khẩu Cha Lo, qua Nghệ An, ra Hà Nội và sang Trung Quốc. Còn nguồn hàng từ phía Lào trong tương lai sẽ có đường cao tốc Vinh - Viêng Chăn - Hà Nội.

Tàu lớn cập cảng Cửa Lò nhận hàng. Ảnh tư liệu

Như vậy, đây là lợi thế để Nghệ An cần tận dụng Quyết định 1012 về quy hoạch các trung tâm Logistics. Trong vùng Bắc Trung bộ có quy hoạch trung tâm Logistics hạng II. Trung tâm Logistics chính là trái tim để tạo ra chi phí Logistics hiệu quả.

Tổng thư ký Hiệp hội Logistics cũng khuyến nghị, cùng với có quy hoạch tốt về trung tâm Logistics thì tỉnh cần quan tâm quy hoạch các khu công nghiệp liên kết vùng giữa Nghệ An - Hà Tĩnh - Thanh Hóa để hình thành các cụm công nghiệp, tránh manh mún. Bởi vì nếu manh mún sẽ làm kém hiệu quả việc kết nối giữa khu vực chân hàng đến trung tâm Logistics. Như vậy, sẽ không phát huy hết tối ưu của trung tâm Logistics.

Hiệp hội Logistics cũng muốn cùng tỉnh nghiên cứu xu hướng cơ cấu chuyển dịch sắp xếp lại các nhà đầu tư từ Thái Lan để đón đầu cơ hội đầu tư.

Ông Minh thông tin, theo khảo sát của tổ chức ALG, nghiên cứu chi phí Logistics dựa trên chuỗi cung ứng nguồn hàng cho thấy chi phí vận tải chiếm trên 60%. Nếu như chúng ta không giải quyết chi phí vận tải hiệu quả thì rất khó làm cho hàng hóa có tính cạnh tranh hơn. Về lâu dài dịch vụ Logistics sẽ đòn bẩy để thúc đẩy sản xuất thương mại, thúc đẩy đầu tư. Vì vậy, Nghệ An cũng như nhiều địa phương khác đang quan tâm và có chính sách đặc biệt ưu tiên đối với các nhà kinh doanh dịch vụ Logistics.