Trong bài phát biểu của mình, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài đánh giá cao Nghệ An trong nỗ lực thu hút đầu tư, tinh thần tự phê cao; quyết liệt, bám đuổi công việc. Nghệ An có nhiều nhân tài, cũng như nêu ra những thuận lợi khách quan.
Theo đó, ở góc độ rộng hơn, theo lộ trình đàm phán, Việt Nam là 1 trong những thành viên của Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được ký kết nên mang lại lợi thế cho nước ta nói chung và Nghệ An nói riêng trong quá trình thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, Chính phủ quyết liệt, kiến tạo đồng hành cùng doanh nghiệp. Các nước trong khu vực cạnh tranh thu hút đầu tư, Việt Nam là một trong 3 nước của ASEAN được các nhà đầu tư quan tâm.
Dư địa, tiềm năng của Việt Nam đang rất lớn, chi phí thấp, ưu đãi cạnh tranh. Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn.
Nhiều điểm đầu tư ở miền Bắc, miền Nam đang có dấu hiệu bão hòa và trọng tâm đang chuyển hướng sang miền Trung. Bằng chứng là nhiều nhà đầu tư chiến lược như Hemaraj, VSIP đã chọn Nghệ An.
Tuy nhiên, trong giai đoạn 2009-2017, trong số 980 dự án đầu tư với tổng vốn 276.000 tỷ đồng thì chủ yếu là đầu tư trong nước với 112.000 tỷ đồng. Đầu tư nước ngoài chỉ có 53 dự án với tổng mức đầu tư 163.000 tỷ đồng.
Thách thức của Nghệ An là xa các trung tâm kinh tế lớn, chưa có dự án động lực lớn; nhân lực thiếu ngoại ngữ.
Với những thuận lợi, thách thức đó, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng để Nghệ An thu hút đầu tư thành công cần thúc đẩy đường cao tốc Vinh - Hà Nội; tiếp tục phát triển nguồn nhân lực, nhất là đầu tư nguồn nhân lực có khả năng ngoại ngữ; tăng cường kết nối hành lang kinh tế Đông Tây.
Ngoài ra, theo ông Đỗ Nhất Hoàng, tỉnh cũng cần tập trung xây dựng hạ tầng xã hội, các trường quốc tế; cùng với đó là tiếp xúc các quỹ, các công ty tư vấn, ngân hàng để nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư.