Sau Tết Nguyên đán, nhiều người dân trên địa bàn phường Long Sơn, thị xã Thái Hòa đến bộ phận một cửa của phường để xác nhận các loại giấy tờ, sơ yếu lý lịch đi lao động, học tập xa quê hoặc làm thủ tục vay vốn ngân hàng phục vụ sản xuất. Trong số đó, có những người dân từng thuộc địa bàn xã Nghĩa Hòa (TX Thái Hòa) vừa được sáp nhập vào phường Long Sơn. Mặc dù, trước đó, công tác tuyên truyền về thay đổi ĐVHC khi sáp nhập được tăng cường trên hệ thống truyền thanh và qua các tổ chức đoàn thể, thế nhưng một số người vẫn điền tên địa phương cũ là xã Nghĩa Hòa trong đơn trình bày, sơ yếu lý lịch...
Bên cạnh sáp nhập xã với phường, từ 16 khối, xóm trên địa bàn phường mới cũng tiến hành sáp nhập còn 9 khối. Chính vì vậy, nhiều người dân vẫn còn bỡ ngỡ với tên khối, tên phường mới. Cán bộ giao dịch một cửa của phường Long Sơn nhiều lần phải giải thích lại là quá trình sáp nhập, không còn xóm cũ cũng như không còn xã Nghĩa Hòa nữa và hỗ trợ để làm lại thủ tục hành chính cho đúng với thực tế.
Một vấn đề nữa là những giấy tờ tùy thân như: Hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... liên quan đến 2.300 người dân thuộc xã Nghĩa Hòa cũ chưa thể chuyển tên thành phường Long Sơn. Vì thế khi người dân cần giao dịch các thủ tục hành chính, UBND phường Long Sơn cấp kèm một giấy xác nhận rằng người của phường và những giấy tờ cá nhân ghi xã Nghĩa Hòa cũ là một. Trước những vấn đề thực tế đặt ra, ngay sau khi sáp nhập ĐVHC, phường Long Sơn vừa bố trí cán bộ, sắp xếp phòng làm việc, vừa tăng cường cán bộ ở bộ phận một cửa để phục vụ người dân kịp thời.
“Chúng tôi còn tăng cường cả cán bộ thống kê, địa chính trực ở một cửa để hỗ trợ cán bộ văn phòng, tư pháp trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân”
Xã Nghĩa Hòa và phường Long Sơn thuộc thị xã Thái Hòa là hai ĐVHC tiến hành công bố sáp nhập sớm nhất trên địa bàn tỉnh. Tên đơn vị hành chính cấp xã mới là phường Long Sơn. Đây là một trong những thuận lợi khi có hơn một nửa hộ dân trên địa bàn không bị ảnh hưởng khi xác nhận các loại giấy tờ hành chính liên quan. Thế nhưng việc cấp đổi các giấy tờ cho người dân xã Nghĩa Hòa như: chứng minh thư nhân dân, hộ khẩu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho một nửa số dân còn lại chưa thể tiến hành trong nay mai. Có một số lĩnh vực, vừa làm, vừa chờ hướng dẫn, chỉ đạo từ cấp trên để đảm bảo thống nhất cao.
Qua trao đổi, đồng chí Nguyễn Văn Thăng - Bí thư Đảng ủy phường Long Sơn cho biết: “Sau công bố sáp nhập khoảng 2 tuần, công tác kiện toàn các tổ chức đoàn thể của phường đang được tiến hành những khâu cuối cùng song song với nhiệm vụ phục vụ người dân. Cùng đó, chuẩn bị công tác đại hội 14 chi bộ và đảng bộ phường... Khối lượng công việc nhiều nhưng chúng tôi quán triệt cán bộ, công chức phát huy trách nhiệm phục vụ người dân tốt nhất. Đồng thời tăng cường nắm tình hình cơ sở sau sáp nhập, động viên nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội...”.
Tại xã Đại Đồng thuộc huyện Thanh Chương - đơn vị vừa chính thức công bố thành lập ngày 12/2, từ việc sáp nhập 3 xã: Thanh Tường, Thanh Văn và Thanh Hưng, khối lượng công việc hành chính càng nhiều hơn. Bởi xã mới có đến 13.300 người dân với trên 4.000 hộ và tất cả thủ tục giấy tờ hành chính đều phải thay đổi tên ĐVHC trong thời gian tới. Trước mắt, xã cũng đang tiến hành giải quyết thủ tục hành chính cho người dân bằng cách cấp thêm giấy xác nhận về người ở xã mới với chứng minh thư nhân dân, hộ khẩu xã cũ là trùng hợp.
Xã Đại Đồng sau khi sáp nhập 3 xã trở thành ĐVHC cấp xã có diện tích và dân số lớn nhất nhì huyện Thanh Chương. Đảng bộ xã có 25 chi bộ, 826 đảng viên, cũng là đảng bộ có nhiều đảng viên nhất huyện Thanh Chương. Với những đặc thù nêu trên, ngay sau khi sáp nhập, xã Đại Đồng tăng cường cán bộ cho bộ phận một cửa. Theo đồng chí Nguyễn Văn Thùy - Bí thư Đảng ủy xã Đại Đồng, cùng với tăng cường cán bộ văn phòng, Đảng ủy xã phân công 3 Phó Chủ tịch UBND xã thường trực tại bộ phận một cửa giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính cho người dân. Công việc sau sáp nhập rất nhiều, nhưng xã nhanh chóng ổn định bộ máy, phấn đấu hoạt động đạt hiệu quả cao nhất.
Theo lộ trình, 36 ĐVHC cấp xã thuộc 9 huyện, thị (Tương Dương, Quế Phong, Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Diễn Châu, Nghi Lộc, Nghĩa Đàn và TX Thái Hòa) sẽ sáp nhập. Quá trình đó, việc bố trí, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức; giải quyết chế độ, chính sách cho đội ngũ dôi dư sẽ được tiến hành theo hướng dẫn của các cấp. Nhưng việc quan trọng nhất đặt ra cho các xã chính là tập trung giải quyết tốt các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp nhằm không để xảy ra xáo trộn lớn ảnh hưởng đến đời sống người dân sau sáp nhập.
Hiện lực lượng công an các địa phương cùng cán bộ tư pháp đang tích cực làm việc cả ngày và đêm để sớm cấp đổi chứng minh thư nhân dân, hộ khẩu cho người dân sau sáp nhập, bởi đó là những giấy tờ tùy thân thiết yếu, thường xuyên phải sử dụng. Cùng đó, chính quyền các đơn vị mới kịp thời có những giải pháp phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với điều kiện tự nhiên, giá trị văn hóa, cơ sở hạ tầng sau sáp nhập, góp phần đưa đời sống vật chất, tinh thần người dân ngày càng nâng cao như mục tiêu đề ra.