(Baonghean.vn) - Là giáo viên dạy thể dục về hưu nhưng nhà giáo ưu tú Nguyễn Thanh Phúc (66 tuổi) trú tại khối 7, Thị trấn Thanh Chương lại đặc biệt đam mê sưu tầm, chế tác và biểu diễn nhạc cụ dân tộc.
Niềm đam mê nhạc cụ dân tộc của ông Phúc được khơi nguồn từ thuở ấu thơ, khi còn chăn trâu cắt cỏ. Suốt cả quãng đời đi học, đi dạy cho tới lúc về hưu, niềm đam mê ấy vẫn không ngừng được hun đúc. Trong nhà ông Phúc có hẳn một không gian dành riêng cho nhạc cụ dân tộc với hơn 40 sản phẩm thuộc đủ 4 bộ: hơi (sáo, tiêu, khèn, tù và, đàn môi…), dây (đàn bầu, thập lục huyền cầm, nhị), da (trống cơm, trống tầm vông), gõ (tơ rưng, đàn đá, đàn bát). Riêng sáo có hàng chục chiếc vởi đủ loại: sáo ngang, sáo độc tấu, sáo đệm dân ca, sao pha trần, sáo mini, sáo mẹo kép, sáo bầu… Đầu giường ngủ của ông, treo hẳn một bộ tù và 6 chiếc cùng chiếc kèn Hmông mà ông thường biểu diễn. Số nhạc cụ này, 2/3 được ông sưu tầm, phục chế, còn lại do ông tự làm. Có những chiếc đàn phải mất cả hàng năm trời để tìm kiếm nguyên vật liệu, rồi mày mò tự đục đẽo, cắt gọt trên nhiều chất liệu khác nhau (đá, gỗ, sừng) mới chế tác nên sản phẩm. Trong những nhạc cụ thuộc bộ dây mà ông chế tác, chiếc thập lục huyền cầm là làm kỳ công nhất. Chiếc đàn Cơ níp của dân tộc Ơ Đu có tuổi đời trên cả trăm năm, là vật kỷ niệm của một già làng ở Kỳ Sơn tặng ông khi ông dạy học ở miền Tây. Chiếc đàn đá này được chế tác công phu, bởi đá làm đàn tạo âm thanh hay không phải nơi nào cũng có. Ông Phúc cho biết, ông đã từng lặn lội lên các huyện miền Tây, đến nhiều khe suối, hang động nổi tiếng như Khe Hao (Quỳ Hợp), lèn Rỏi (Tân Kỳ), lèn Yên Khê (Con Cuông), bản Pủng ( Tương Dương)… và ra cả Ninh Bình để tìm đá. Nhạc cụ dân tộc trong nhà ông được, treo, mắc, cất đặt ở khắp mọi nơi, trên tường, trên tủ, trên phản, dưới gầm dường… Ngoài nhạc cụ dân tộc ông còn sưu tầm các loại nhạc cụ phương tây, lưu giữ hàng chục bộ cung nỏ thời xưa treo dày dưới nóc nhà. Ông Phúc bên giàn đàn đá tự nhiên trước sân nhà. Đá ở đây do ông tìm kiếm và bạn bè gửi từ khắp nơi về. Không chỉ ham thích sưu tầm, chế tác nhạc cụ dân tộc mà ông còn có thể chơi được hầu hết các loại nhạc cụ mà ông có. Ngoài ra, ông còn là nhà “sáng chế” đồ dùng trực quan dạy học nổi tiếng và là “nhà” ảo thuật với hơn 100 tiết mục được viết thành tuyển tập. Trong các loại nhạc cụ mà ông sưu, tầm chế tác, đàn bầu, sáo bầu, đàn đá, đàn bát, sáo mẹo kép… là những nhạc cụ mà ông chơi điêu luyện và thường đi biểu diễn những dịp lễ hội. Ngoài ra, ông Phúc cũng có thể chơi khèn như một trai làng H'mông thực thụ. Huy Thư