Nhiều địa bàn chuyển hóa thành công
Nghi Trung là xã thuộc khu vực trung tâm của huyện Nghi Lộc, có địa bàn rộng, giáp ranh với nhiều xã trong và ngoài huyện, nên nhiều đối tượng tội phạm lợi dụng để hoạt động. Theo đó, có những thời điểm như trước 2020 trên địa bàn thường xuyên xảy ra tình trạng gây gổ đánh nhau, tệ nạn ma túy, đánh bạc, trộm cắp… gây mất an ninh trật tự, bức xúc trong quần chúng nhân dân.
Để làm trong sạch địa bàn, Công an xã Nghi Trung đã tham mưu UBND xã tổ chức kiện toàn các tổ tự quản 10/10 đơn vị xóm; tập trung kinh phí, huy động quần chúng nhân dân xây dựng thành công hệ thống camera an ninh với 25 mắt giám sát các địa điểm ngã tư, ngã ba và các địa điểm phức tạp về ANTT trên địa bàn. Cùng với đó, công tác quản lý, cảm hóa, giáo dục, cải tạo người lầm lỗi, thanh thiếu niên hư, người nghiện ma túy, người sau cai nghiện tại gia đình, cộng đồng dân cư được quan tâm thực hiện… Chính vì vậy, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn có sự chuyển biến mạnh mẽ.
Bà Nguyễn Thị Lợi, một người dân phấn khởi: Hiện nay, nhờ công an xã có nhiều cách làm, xây dựng thành công nhiều mô hình phòng chống tội phạm, mà an ninh trật tự trên địa bàn ổn định, tình trạng trộm cắp đã giảm. Đáng nói, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt, người dân đồng lòng chung tay ngăn ngừa và tố giác các loại tội phạm, bảo vệ bình yên xóm làng. Đơn cử như ngày 21/11/2021, sau khi phát hiện 2 đối tượng trộm 6 con mèo đi bán cho người dân trên địa bàn xóm 5, người dân trong xóm đã cùng nhau chặn đuổi bắt và bàn giao cho công an xử lý, không tự ý đánh đập như trước.
Thượng úy Hoàng Văn Phùng - Trưởng Công an xã Nghi Trung cho biết thêm: Trước đây, tình trạng đánh bạc trên địa bàn xảy ra nhiều, khiến người dân bỏ bê công việc, rồi phát sinh trộm cắp… thì nay nhờ tập trung các giải pháp như thường xuyên tuần tra tại các điểm kinh doanh café, bi-a, những gia đình có nhiều thanh niên qua lại, cùng với tin báo từ người dân mà nay tệ nạn này đã giảm, trong năm 2021 chỉ xảy ra 5 vụ trong tổng số 24 vụ, việc.
Có được kết quả đó, ngoài vai trò nòng cốt là lực lượng công xã, đó còn là sức mạnh tổng hợp từ các tổ chức đoàn thể, quần chúng nhân dân cùng tham gia phòng chống tội phạm, đưa phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ngày càng mạnh hơn. Qua đó, đã góp phần quan trọng để Nghi Trung được đưa ra khỏi diện trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội vào năm 2021.
Tương tự, tại xã Thạch Ngàn (Con Cuông), sau khi xác định mục tiêu chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội trong năm 2020, cấp ủy, chính quyền các cấp và ban, ngành, tổ chức đoàn thể đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, làm tốt công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, phát huy sức mạnh tổng hợp của quần chúng nhân dân, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và nhân dân đối với công tác phòng, chống tội phạm tại địa bàn cơ sở. Theo đó, nhiều mô hình, phong trào đã được triển khai như: Mô hình “Câu lạc bộ chống bạo lực gia đình” tại xã Thạch Ngàn; Phong trào toàn dân tố giác tội phạm tại bản Tổng Xan…
Với những cách làm đó, hiện Thạch Ngàn là địa bàn chuyển hóa thành công. Số vụ phạm pháp hình sự, tệ nạn xã hội giảm so với trước khi chuyển hóa (2/7 vụ, giảm 71,4% số vụ so với trước chuyển hóa). Số người nghiện ma túy được kìm giữ; 4/4 người nghiện có hồ sơ quản lý, đã đưa 2 đối tượng đi cai nghiện bắt buộc; không có các tụ điểm sản xuất, mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy. Địa bàn không để phức tạp nổi lên về trật tự, an toàn xã hội…
Theo ông Lô Thanh Huấn - Chủ tịch UBND xã Thạch Ngàn: Trong những năm qua, phong trào bảo vệ an ninh trật tự ở địa phương nhận được sự vào cuộc của đông đảo nhân dân. Đơn cử như từ phong trào toàn dân tố giác tội phạm tại bản Tổng Xan. Kết quả có 116 người tham dự, thu được 116 phiếu tố giác, trong đó có nội dung tố giác 6 đối tượng về các hành vi say rượu gây mất trật tự công cộng, sử dụng súng, kích điện… Theo đó, lực lượng chức năng đã gọi hỏi 6 đối tượng, tiến hành thu giữ 4 súng tự chế, 2 bộ kích điện.
Kéo giảm tội phạm, tạo môi trường sống an toàn
Theo Quyết định số 313/QĐ-UBND tỉnh ngày 8/2/2022 về phê duyệt danh sách địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội chuyển hóa thành công; địa bàn theo dõi sau chuyển hóa và địa bàn thực hiện chuyển hóa năm 2022.
Theo đó, 23 địa bàn đảm bảo các tiêu chí chuyển hóa, đủ điều kiện đưa ra khỏi diện chuyển hóa, gồm các phường, xã: Hà Huy Tập, Trường Thi, Hưng Bình (TP Vinh); Thanh Long (Thanh Chương); Thị trấn Hưng Nguyên (Hưng Nguyên); TT Nam Đàn (Nam Đàn); Nghi Trường, Nghi Thịnh, Nghi Trung (Nghi Lộc); TT Cầu Giát, Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu); Quỳnh Xuân (TX Hoàng Mai); Mường Lống, Bảo Thắng (Kỳ Sơn); Thị trấn Thạch Giám (Tương Dương); Thạch Ngàn (Con Cuông); Đặng Sơn (Đô Lương); Bảo Thành (Yên Thành); TT Tân Kỳ (Tân Kỳ); Nghĩa Lâm (Nghĩa Đàn); Diên Lãm (Quỳ Châu); Đồng Văn, Nậm Nhoóng (Quế Phong).
Đối với 32 địa bàn thực hiện chuyển hóa năm 2021, ngoài 5 địa bàn chuyển hóa chưa đạt yêu cầu, tiếp tục thực hiện chuyển hóa trong năm 2022, có 27 địa bàn chuyển hóa đạt yêu cầu, đưa vào diện theo dõi sau chuyển hóa trong năm 2022, gồm xã, phường: Hưng Tây (Hưng Nguyên); Diễn Bích, Diễn Thịnh (Diễn Châu); Phúc Sơn, Thị trấn Anh Sơn (Anh Sơn); Nghĩa Thuận (TX Thái Hòa); Đô Thành, Trung Thành (Yên Thành); Tam Hợp, Yên Hợp (Quỳ Hợp); Mường Ải (Kỳ Sơn); Hưng Dũng, Hưng Lộc, Nghi Phú (TP. Vinh); Trung Phúc Cường (Nam Đàn); Nghi Lâm (Nghi Lộc); Hạnh Lâm (Thanh Chương); Quỳnh Châu, Quỳnh Long (Quỳnh Lưu); Quỳnh Phương (TX Hoàng Mai); Lưu Kiền (Tương Dương); Lạng Khê (Con Cuông); Đà Sơn, Giang Sơn Đông (Đô Lương); Đồng Văn (Tân Kỳ); Nghĩa Thịnh (Nghĩa Đàn); Châu Bính (Quỳ Châu).
Có được kết quả trên, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh đã tham mưu, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả; huy động được sức mạnh của các ngành, các cấp, của hệ thống chính trị và nhân dân trong công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về TTATXH. Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể chính trị từ cấp huyện, cấp xã, nhất là các địa bàn được lựa chọn chuyển hóa đã nêu cao vai trò trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện các biện pháp phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; chủ động phòng ngừa, giải quyết các vụ việc nổi lên ngay từ cơ sở, không để phát sinh phức tạp, hình thành “điểm nóng” về TTATXH.
Tình hình TTATXH tại các địa bàn thực hiện chuyển hóa cơ bản được đảm bảo, tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội được kìm giữ và làm giảm; các vụ việc phát sinh liên quan đến TTATXH đều được tập trung giải quyết, không để phát sinh phức tạp.
Về trọng tâm trong thời gian tới, theo Đại tá Nguyễn Đức Hải - Phó trưởng Ban Chỉ đạo 138 tỉnh, Phó Giám đốc Công an tỉnh, trong thời gian tới, Ban chỉ đạo sẽ tiếp tục tham mưu, chỉ đạo thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 113/KH-BCA của Bộ Công an, gắn với Đề án “Chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2030 của UBND tỉnh, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác phòng, chống tội phạm nói chung, chuyển hóa địa bàn nói riêng, hướng tới mục tiêu kéo giảm tội phạm tại cơ sở bền vững, tạo môi trường sống an toàn cho nhân dân.
Tăng cường nắm tình hình, kịp thời phát hiện, tham mưu giải quyết các tình hình nổi lên về TTATXH tại cơ sở, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp, địa bàn đặc thù, không để bị động, bất ngờ, phát sinh “điểm nóng” về TTATXH…