Chiều 11/10, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp để nghe và cho ý kiến vào các dự thảo tờ trình đề nghị ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định một số biện pháp tăng cường giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ, đường sắt, vỉa hè trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 - 2025; Dự thảo Nghị quyết về bố trí ngân sách địa phương thực hiện công tác quản lý, bảo trì đường tỉnh giai đoạn 2022 - 2025.
CẦN THIẾT BAN HÀNH NGHỊ QUYẾT MỚI
Theo đó, tờ trình Dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh “Quy định một số biện pháp tăng cường giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, vỉa hè trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022- 2025” có 6 điều. Nội dung của dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh chủ yếu tập trung vào việc huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị, quy định trách nhiệm của chính quyền địa phương trong chỉ đạo, tuyên truyền và tổ chức thực hiện công tác giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông.
Bên cạnh đó, nội dung của dự thảo còn đề cập đến sự cần thiết trong việc chỉnh trang đô thị, thiết lập các tuyến phố, đoạn đường văn minh, cũng như bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh.
Tại hội nghị, đại diện các sở, ngành, địa phương đã đề cập đến mặt tích cực, một số hạn chế cần bổ sung của dự thảo Nghị quyết để khi ban hành sát thực tế, đặc biệt là góp phần thực hiện hiệu quả công tác giải tỏa, chống tái lấn chiếm hành lang ATGT.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định: Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết số 56/2016/NQ-HĐND ngày 16/12/2016 của HĐND tỉnh, tình trạng vi phạm, tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, hè phố trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng đẩy mạnh công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; tăng tuổi thọ công trình giao thông.
Kinh phí để thực hiện tuy không lớn nhưng mang lại hiệu quả cao, đặc biệt đại bộ phận nhân dân đã ý thức được tầm quan trọng của hành lang an toàn giao thông, nên tạo sự đồng thuận của người dân về bảo vệ hành lang an toàn giao thông.
Tuy nhiên, tình trạng vi phạm, đặc biệt là tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông vẫn còn diễn biến rất phức tạp, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu hạ tầng giao thông, trật tự an toàn giao thông và là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn giao thông.
Việc ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 56 năm 2016 (đến nay đã hết hiệu lực) “Quy định một số biện pháp tăng cường giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, vỉa hè trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022- 2025” là hết sức cần thiết, phù hợp với các quy định hiện hành của pháp luật và điều kiện thực tế của địa phương.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh đề nghị trên cơ sở các ý kiến góp ý của các sở, ngành, địa phương cơ quan soạn thảo cần tổng hợp các ý kiến góp ý, hoàn chỉnh về thể thức, nội dung văn bản trước khi trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.
Trong cuộc họp chiều nay, UBND tỉnh còn nghe và cho ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết về cơ chế trích ngân sách địa phương phục vụ công tác quản lý, bảo trìđường tỉnh giai đoạn 2022-2025.
Theo đó, hiện nay trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 38 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài là 930,44km do Sở Giao thông Vận tải quản lý.
Đến nay, còn khoảng 35% đường tỉnh bị hư hỏng, tương đương 327km; các đoạn còn lại hàng năm được đầu tư sửa chữa mang tính chất cục bộ, nhỏ lẻ, không có tính đồng bộ. Cơ quan soạn thảo dự thảo Nghị quyết đề xuất, hàng năm bố trí ngân sách địa phương 120 tỷ đồng để phục vụ cho công tác quản lý, bảo dưỡng đường tỉnh.
Cụ thể, bố trí 50 triệu đồng/km/năm để bảo dưỡng thường xuyên đối với đường bộ miền núi; bố trí 45 triệu đồng/km/năm để bảo dưỡng thường xuyên đối với đường bộ đồng bằng. Số kinh phí còn lại sẽ được dùng để sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất.
Về nội dung này, theo đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh trong quá trình khai thác, các tuyến đường xuống cấp, vì vậy công tác duy tư, bảo dưỡng các tuyến đường rất cần thiết.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thống nhất với mức kinh phí mà cơ quan soạn thảo đề xuất. Đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến của các sở, ngành hoàn thiện nội dung Nghị quyết thông qua cuộc họp UBND tỉnh sắp tới và trình HĐND tỉnh thông qua.