(Baonghean.vn) - Tình trạng tranh mua tranh bán diễn ra lâu nay đang khiến cung - cầu vùng nguyên liệu chè trở nên bức xúc. Nhiều cơ sở chế biến chè tại Nghệ An đang gặp khó bởi không đủ nguyên liệu để hoạt động...

Với tổng diện tích hiện có 485 ha chè, trong đó có 280 ha diện tích chè kinh doanh, cây chè được xem là thế mạnh của xã Thanh Thủy (Thanh Chương), giúp người dân xóa đói giảm nghèo trong nhiều năm qua.

images1414288_1.jpgAnh Trần Trọng Hào (xóm 3, Thanh Thủy) dẫn nước về tưới cho diện tích chè cuả gia đình.

Ông Phan Duy Trinh – Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy cho biết: Người dân trồng chè đang gặp nhiều khó khăn, khó đáp ứng đủ nguyên liệu cho các cơ sở chế biến chè trên địa bàn. Hiện trên địa bàn xã Thanh Thủy có xí nghiệp chè Ngọc Lâm, Tổng đội TNXP 5 nhưng đều hoạt động cầm chừng. Cũng vì khó khăn, nguyên liệu không đáp ứng đủ nên trước đây trên địa bàn có 7 cơ sở mini chế biến chè nhưng hiện chỉ còn 5 cơ sở.

Vợ chồng anh Hoàng Văn Hải ở xóm Khe Mừ - Thanh Thủy nhập chè cho cơ sở chế biến mini trên địa bàn

Anh Hoàng Văn Hải ở xóm Khe Mừ - Thanh Thủy trồng 3 ha chè. Anh cho biết, hàng năm sản lượng đạt khoảng 3 tấn chủ yếu nhập cho cơ sở chế biến mini trên địa bàn. Trong khi đầu vào chi phí cao nhưng giá cả đầu ra biến động giảm, việc thu mua cũng thất thường. Trước đây giá khoảng 400-450.000đồng/tạ chè búp tươi thì nay giảm còn 350-360.000 đồng/tạ. 

Vì  nguyên liệu không đáp ứng đủ nên nhiều doanh nhà máy chạy không đủ công suất thiết kế. Hiện nay, Công ty TNHH MTV đầu tư và phát triển chè Nghệ An đạt 58% công suất thiết kế, các cơ sở chế biến chè còn lại chỉ đạt 40 - 45% công suất thiết kế. Việc các cơ sở chế biến tư nhân sản xuất theo phong trào dẫn đến tổng công suất chế biến chè hiện nay vượt  quá 2 lần so với sản lượng nguyên liệu, gây mất cân đối giữa công nghiệp chế biến và sản xuất nguyên liệu. 

Theo Quyết định 6290 của UBND tỉnh, đến năm 2020, toàn tỉnh quy hoạch 12.000 ha chè kinh doanh. nhưng do nhiều khó khăn nên điều chỉnh xuống còn 10.700 ha.

Hiện trên địa bàn tỉnh, tổng diện tích chè có gần 7.000 ha trong đó nhiều nhất là Thanh  Chương với khoảng 3.000 ha. Kế tiếp là Anh Sơn 2.500 ha, Kỳ Sơn 490 ha, Con cuông 345 ha… Toàn tỉnh có hơn 80 dây chuyền chế biến với tổng công suất thiết kế 602 tấn búp tươi/ngày. Trong đó, “chủ công” là Công ty THHH MTV Đầu tư phát triển chè Nghệ An có công suất chế biến thiết kế 262 tấn chè búp tươi/ngày.

Ngoài ra, Công ty TNHH chè Trường Thịnh có 2 dây chuyền chế biến với công suất thiết kế là 28 tấn chè búp tươi/ngày. Công ty cổ phần Rồng Phương Đông có 2 dây chuyền với công suất chế biến là 24 tấn chè búp tươi/ngày. Bên cạnh đó còn có 74 cơ sở chế biến mini với tổng công suất chế biến chè xanh thiết kế 567 tấn búp tươi/ngày.

Mới đây, tại cuộc họp bàn điều chỉnh quy hoạch vùng chè công nghiệp, phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng đề nghị phải rà soát lại toàn bộ các cơ sở chế biến chè trong toàn tỉnh, xác định rõ các cơ sở chế biến đảm bảo các điều kiện về quy hoạch vùng nguyên liệu, tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn và quy chuẩn thì cho hoạt động.

Các cơ sở không đảm bảo các điều kiện quy định thì bắt buộc ngừng sản xuất, chế biến. Khi cấp giấy phép các cơ sở chế biến cần căn cứ vào quy hoạch đã được phê duyêt, phải xây dựng vùng nguyên liệu đủ cho nhà máy hoạt động, tránh tình trạng có quá nhiều cơ sở chế biến trong phạm vi hẹp làm mất cân đối giữa nguyên liệu và chế biến, phá vỡ liên kết công – nông nghiệp gây hậu quả về kinh tế, xã hội và môi trường, ảnh hưởng lâu dài tới sản xuất.

Để đáp ứng nguyên liệu cho các cơ sở chế biến, theo Quyết định 6290 của UBND tỉnh thì đến năm 2020, toàn tỉnh quy hoạch 12.000 ha chè kinh doanh. Tuy nhiên, do chuyển đổi cơ cấu cây trồng, một số địa phương chuyển đổi sang cây trồng khác hiệu quả hơn... nên điều chỉnh xuống còn 10.700 ha chè kinh doanh; năng suất dự kiến 130 tạ/ha, sản lượng 139.100 tấn búp tươi, tương đương 27.820 tấn búp khô. Cụ thể: Quỳ Hợp giảm 10 ha, còn 140 ha; Tương Dương giảm 100 ha còn lại 200 ha; Thanh Chương 4.480 ha, giảm so với quy hoạch cũ 1.290 ha; Con Cuông giảm 280 ha so với phương án quy hoạch cũ; huyện Anh Sơn tăng 80 ha so với phương án cũ, Kỳ Sơn giữ nguyên phương án quy hoạch cũ là 1.000 ha.

Thu Huyền