Huyện Tân Kỳ là một trong những địa phương có nhiều diện tích ngô vụ đông đang bị sâu keo mùa thu gây hại nhiều nhất tỉnh hiện nay.
Sâu keo mùa thu đang gây hại hàng trăm ha ngô vụ đông của huyện Tân Kỳ. Ảnh: Xuân Hoàng Gia đình bà Nguyễn Thị Bình ở xóm Xuân Lâm, xã Nghĩa Hoàn có hơn 1 sào ngô đang giai đoạn 10 lá. Tuy nhiên, toàn bộ đám ngô đã bị sâu keo mùa thu phá hại đến mức trụi lá. Mặc dù gia đình bà Bình đã 2 lần phun thuốc BVTV nhưng không hiệu quả; đọt ngô vẫn có nhiều con sâu còn sống. Những đám ngô xung quanh cũng có hiện tượng tương tự.
Đến đầu tháng 10, Tân Kỳ đã có gần 589 ha ngô đông bị sâu keo mùa thu tấn công nhiều ở các xã: Phú Sơn, Hương Sơn, Nghĩa Thái, Nghĩa Hoàn, Tân An, Kỳ Tân, Tân Hương...
Ông Nguyễn Văn Trình - Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Tân Kỳ
Trên địa bàn huyện Nam Đàn, sâu keo mùa thu đang gây hại trên diện tích ngô vụ đông với diện tích khá nhiều.
Ông Nguyễn Đình Thế - Phó trưởng phòng Nông nghiệp - PTNT huyện cho biết: Đến đầu tháng 10, Nam Đàn đã trồng được hơn 1.500 ha ngô vụ đông đang giai đoạn 6 - 7 lá. Tuy nhiên, sâu keo mùa thu đã gây hại trên 500 ha, trong đó có khoảng 100 ha bị nhiễm nặng.
Những địa phương có diện tích ngô bị sâu keo mùa thu gây hại nhiều: Nam Thượng, Nam Tân, Hùng Tiến... Hiện bà con nông dân Nam Đàn đang phòng trừ loại sâu này bằng cách phun thuốc BTVT theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn là chính.
Thông tin từ Chi cục Trồng trọt và BVTV cho biết, đến ngày 6/10, bà con nông dân Nghệ An đã trồng được gần 10.800 ha ngô vụ đông. Tuy nhiên, đến thời điểm này sâu keo mùa thu đã tấn công gây hại với diện tích trên 1.400 ha, trong đó có khoảng 200 ha bị nhiễm nặng, với mật độ 7 - 10 con m2, cục bộ 20 - 25 con/m2. Những địa phương xuất hiện nhiều sâu keo mùa thu gồm Nam Đàn, Tân Kỳ, Diễn Châu. Dự kiến, thời gian tới, sâu keo mùa thu sẽ gây hại trên nhiều diện tích hơn.
Những cây ngô bị sâu keo mùa thu gây hại. Ảnh: Xuân Hoàng Dự báo thời gian tới, sâu keo mùa thu tiếp tục phát sinh gây hại trên diện rộng, trên những diện tích có mật độ sâu cao làm ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng, phát triển và năng suất ngô.
Ông Nguyễn Tiến Đức - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cho biết, nguyên nhân sâu keo mùa thu phát tán nhanh trên diện rộng là do đặc tính sinh học của loại sâu này ăn khỏe, đẻ nhiều trứng, di chuyển xa. Đặc biệt là có tính cạnh tranh, nên trên 1 cây ngô chỉ có 1 con sâu, buộc chúng phải di chuyển đến ngô khác để sinh sống, trong khi đó loại sâu này chỉ gây hại trên cây ngô, chứ không gây hại trên các loại cây khác. Cùng đó, đây là đối tượng sâu gây hại mới nên cơ quan chuyên môn chưa có kinh nghiệm chuyên sâu trong phòng trừ. Bên cạnh đó, bà con nông dân chưa quen với cách phun theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn nên hiệu quả chưa cao.
Những diện tích ngô có mật độ sâu non cao (từ 2 - 3 con/m2 trở lên), bà con phun các loại thuốc có hoạt chất: Indoxacarb, Lufenuron, Spinetoram, BT,... phun theo liều khuyến cáo, phun vào nõn cây ngô, thời gian phun hiệu quả nhất khi đa số sâu ở tuổi 1 - 3.
Cùng đó, bà con nên trồng giống ngô chuyển gen để hạn chế sâu keo mùa thu gây hại. Mới đây, theo Quyết định số 3666/QĐ-UBND của UBND tỉnh ngày 18/9/2019, Nghệ An hỗ trợ 800.000 đồng/ha tiền mua giống ngô chuyển gen gieo trồng trên vùng ngô tập trung từ 5 ha trở lên.
Đặc điểm của sâu keo mùa thu: Sâu non có 6 tuổi, tuổi 1 - 2 cơ thể màu xanh nhạt - vàng nhạt là phổ biến. Khi sâu non phát triển tuổi 3 - 6 có màu nâu xám - nâu sẫm với các sọc dọc thân. Kích thước sâu non tuổi 1 dài khoảng 0,5 mm, lên tuổi 3 sâu non dài 6 - 9 mm; tuổi 6 dài 30 - 40 mm.
Trên trán sâu non tuổi lớn nhìn rõ hình chữ Y ngược màu vàng, mặt lưng màu đen với lông cứng dài. Trên mặt lưng, đốt bụng cuối có 4 đốm đen được sắp xếp thành hình vuông.
Triệu chứng của cây ngô bị sâu keo mùa thu phá hại: Sâu non tuổi 1 - 2 ăn biểu bì ở mặt dưới của lá non gây ra các vết hình vuông hoặc hình chữ nhật màu trắng đặc trưng. Sâu non tuổi lớn hơn ăn khuyết lá, bẹ lá tạo thành các lỗ lớn.
Cách phòng trừ: Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, đặc biệt ở giai đoạn ngô 3 - 6 lá để phát hiện ổ trứng, ngắt tiêu hủy. Sử dụng tro bếp hoặc nước xà phòng loãng đổ vào nõn ngô diệt sâu non.
Sử dụng các hoạt chất thuốc BVTV được phép sử dụng theo hướng dẫn của khuyến nông để phun trừ khi sâu đa số tuổi 1 - 3 (giai đoạn ngô 3 - 6 lá). Sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc "4 đúng".
Có thể dùng biện pháp bẫy đèn, bã để diệt khi sâu trưởng thành.