Gắn với sự phát triển của làng xã, văn hóa dòng họ như một động lực tác động và kích thích không nhỏ đối với gia đình và xã hội cổ truyền.
 
images1455761_img20160111173330030.jpg-Ảnh minh họa

Từ lúc sinh ra đến lúc mất đi tên và họ của một con người là một sự định vị cố kết và chắc chắn nhất đối với một cá thể. Bởi vì, dẫu có đi đâu, làm gì, dẫu có thành anh hùng cứu quốc hay chỉ là một người làm nghề giản dị sống thanh nhàn ở chốn quê thì tên riêng biểu thị một con người riêng biệt, còn họ lại biểu thị một cộng đồng có tính huyết thống và mang nhiều tính chất lịch sử. 

Gắn với sự phát triển của làng xã, một hạt nhân của xã hội Việt Nam cổ truyền, văn hóa dòng họ như một động lực tác động và kích thích không nhỏ đối với gia đình và xã hội cổ truyền. Nhà thờ họ, gia phả, trưởng nam, giỗ Tổ… là những yếu tố mang tính biểu tượng của văn hóa dòng họ. 

Từ hàng nghìn năm, văn hóa dòng họ trực tiếp hay gián tiếp tham gia vào quá trình phát triển của văn hóa cổ truyền đậm đặc đã trở thành nhân tố không thể thiếu trong di sản văn hóa Việt Nam. Xuân Bính Thân này, thắp nén hương thơm lên bàn thờ tổ tiên, chúng ta dành thời gian để ngưng- đọng lại suy ngẫm về văn hóa dòng họ với một tinh thần cầu thị, một tình cảm chân thành nhất.

Có một thời, người ta vì nhiều lí do khác nhau với những nhận thức khác nhau mà đã có sự phân biệt không tách biệt và rạch ròi giữa tín ngưỡng, văn hóa tâm linh với mê tín dị đoan. Những mặc định đó kéo theo nhiều hệ lụy khiến cho nhiều sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng bị hạn chế, nhiều khi phải chui lủi. 

Đã có hiện tượng đình, chùa bị tháo dỡ,  đền điện bị đập đi nhưng dẫu sao, các nhà thờ họ vẫn còn nguyên vẹn, không bị ảnh hưởng. Đó cũng là sự may mắn và cũng một phần để khẳng định dòng chảy liên tục của văn hóa dòng họ không bị đứt quãng bởi những tác động của ngoại cảnh.

Theo dòng lịch sử, có những dòng họ lớn và gắn với các triều đại mang tên dòng họ đó cầm quyền như: Đinh, Lê, Ngô, Lí, Trần, Mạc, Hồ, Nguyễn v.v… Người ta đã thống kê, có khoảng 14 họ phổ biến chiếm 90% dân số ở Việt Nam. 

Ngoài 8 dòng họ nói trên, còn phải kể đến các họ: Bùi, Đỗ, Phạm, Huỳnh, Đặng, Dương v.v… Bên cạnh đó, 10% dân số còn lại là các dòng họ các dân tộc thiểu số như: Chăm, Khơ me, An, Kiều, Hoa, Phùng, Doãn v.v… Mỗi dòng họ lớn đó lại lập nên nhiều chiến công hiển hách được ghi vào chính sử cùng những anh hùng cứu nước cứu dân, lưu truyền hậu thế, rạng danh dòng họ. 

Vì vậy, nhiều trang sử dòng họ cũng đồng thời là trang sử của đất nước. Trong sự phát triển đó, mỗi dòng họ xác lập ra những nét riêng, đặc điểm riêng về phong cách và uy thế đối với làng xã cũng như đối với các họ khác.

Có thể là họ văn, theo nghề thầy giáo nối dòng nho gia; có thể là họ võ, tinh thông cung kiếm, luyện tập võ nghệ, truyền đời cho con v.v… Những yếu tố đó tạo nên bản sắc văn hóa riêng của dòng họ, định vị chỗ đứng của dòng họ trong đời sống và có sự đối chiếu với các dòng họ khác.

Dẫu vậy, bản sắc có khác nhau, nhưng những nội hàm về nghi lễ, đạo lý uống nước nhớ nguồn, vun xới dựng xây nhà thờ dòng họ, đoàn kết gắn bó thì các dòng họ rất giống nhau. Tổ tiên- nhà thờ dòng họ chính là điểm tựa tinh thần vững chắc cho con cháu trong họ. 

Dù đi đâu, làm gì, dẫu no, dẫu đói thế nào chăng nữa nhưng vào dịp Lễ, Tết âm lịch, bằng mọi giá con cháu trong họ cũng tở về quê huơng, nơi chôn rau cắt rốn, nơi có nhà thờ dòng họ để được đứng trước bàn thờ tổ tiên dòng họ thắp nén nhang thơm tỏ lòng thành kính với Tổ tiên và cầu xin tổ tiên ban cho phúc lộc, bình an. Thế là mãn nguyện. Thế là thỏa mãn nhu cầu tâm linh.

Cha mẹ, ông bà, anh chị em họ hàng là một nguồn động lực giúp con cháu luôn vững tin để yên tâm làm ăn, công tác. Tính huyết thống, gần gũi đó như một liều thuốc tinh thần có tác dụng kích thích và động viên họ vượt qua được khó khăn để vươn tới thành công. Trong cuộc sống hằng ngày, trước những thử thách, họ luôn nghĩ về những người thân thiết đó để quyết tâm vượt qua. 

Khi thành công rồi, trở về quê hương, trở về Từ đường dòng họ, được sum vầy với người thân, không hạnh phúc nào bằng. Còn gì đẹp hơn khi sang ngày mùng 1, sắc xuân tràn khắp quê hương, đào mai hé nở, chúng ta được sống trong tình thương yêu của cha mẹ, ông bà, anh chị em dòng tộc, được hàn huyên, chia sẻ những tình cảm chân thành. 

Vào những khoảnh khắc, phút giây ấy, nhiều ý nghĩ chợt đến. Thoảng qua trong đầu, nghĩ rằng, cuối cùng thì chỉ có tình cảm là giá trị và thiêng liêng nhất. Tiền bạc, danh vị cuộc đời rồi cũng hư vô… Một chiếc bánh chưng xanh cắt làm 8 miếng, sẻ chia cho 8 người được gọi là cùng họ, ai cũng thấy đoàn kết và hạnh phúc nhường nào. Thấm thía câu” giọt nước đào hơn ao nước lã”.

Ở góc độ cấu trúc của làng xã, nhà nước, gia đình là hạt nhân của xã hội, gia đình là tế bào của dòng họ, dòng họ là đơn vị cấu thành nên làng. Làng là hạt nhân của nước. Làng mạnh nước mới mạnh, làng còn nước mới còn. Tính chất liên đới và bắc cầu đó cho thấy vai trò tầm quan trọng của văn hóa dòng họ với Làng, với Nước.

Dòng họ nói chung, văn hóa dòng họ nói riêng muốn mạnh hay yếu, muốn tĩnh hay động, muốn thịnh hay suy chủ yếu là ở chính những con người của dòng họ đó quyết định. Tính thời đại chỉ mang yếu tố phụ. 

Theo nhiều nghiên cứu, văn hóa dòng họ như một mạch nước ngầm, tưới mát tâm hồn và làm giàu vốn liếng văn hóa cho các thành viên trong họ. Văn hóa dòng họ không trống, không chiêng, nhưng nguồn sống tràn trề và sung mãn. 

Với những biểu hiện bên ngoài, từng có một thời gian, do điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều nhà thờ họ xuống cấp, giỗ Tổ họ tổ chức sơ sài, con cháu tham gia thưa thớt, người trong họ không biết nhau v.v… Nhưng, may mắn thay, trong khoảng mấy thập niên gần đây, xu hướng trở về nguồn cội, phục hưng các sinh hoạt dòng họ tại các làng quê diễn ra sôi nổi và có nhiều nét nổi bật. 

Nhiều nhà thờ dòng họ được trùng tu hoặc xây mới; nhiều gia phả dòng họ được sưu tầm, dịch và phổ biến rộng cho các thành viên trong họ; các hoạt động về nghi lễ thờ cúng tổ tiên được thực hiện bài bản theo đúng nguyên tắc truyền thống. 

Đặc biệt là việc lập ban điều hành dòng họ để lo việc học tập, khuyến học, giáo dục truyền thống cho con cháu được tổ chức phổ biến và hiệu quả. Những hoạt động này mang lại nhiều giá trị tinh thần và vật chất cho các thành viên của dòng họ, trở thành một nét sinh hoạt ích lợi chung cho dòng họ. 

Tất cả những sinh hoạt mang tính gắn kết, phát triển dòng họ sẽ là sự kết nối chính đáng và thiêng liêng để các thành viên trong họ đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau về vật chất lẫn tinh thần để ổn định và phát triển đời sống. Trong nội tại mỗi dòng họ, còn nhiều vấn đề chưa giải quyết nổi, còn nhiều xung đột và mâu thuẫn. 

Tuy nhiên, đó chỉ là hiện tượng có tính thời vụ, thoảng qua. Đó không phải là bản chất. Hãy nhìn vào thực tế mà xem. Trên khắp các miền quê, khắp các nèo đường ngày xuân, dường như tất cả những người đi xa và người ở lại đều đến nhà thờ dòng họ để thắp hương tổ tiên, tỏ lòng thành kính. 

Chỉ dăm năm, chục năm trước đây thôi, việc đến hương khói tại nhà thờ dòng họ là của Trưởng nam, trưởng tộc chứ đâu phải sự quan tâm của thứ nam, trưởng nữ , thứ nữ?

Tết của người Việt ngày nay đã có sự thay đổi về chất. Cùng với những biến đổi, phát triển kinh tế là sự biến đổi trong văn hóa, sinh hoạt cộng đồng. người Việt không chỉ Ăn Tết như trước kia, mà còn chuyển sang Chơi Tết.

Trong sự biến chuyển đó, văn hóa dòng tộc là nền tảng và bệ đỡ giúp con cháu trong họ tộc ý thức sâu sắc hơn về gia đình dòng họ, qua đó làm cho tâm hồn mỗi con người thăng hoa và tạo nên một bản lĩnh văn hóa tiêu biểu văn hóa Việt trong hành trình hướng tới tương lai./.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN