(Baonghean) - 55 năm đã đi qua nhưng những người lính Điện Biên năm xưa vẫn chưa quên được giây phút xúc động ấy. Đó là khi cờ đầu hàng của quân giặc treo trắng các chiến hào, là khi cả đất nước Việt Nam reo vang khúc khải hoàn chiến thắng.

762695_small_48456.jpgLễ mừng Chiến thắng ở Điện Biên.

Giây phút trước giờ điểm hoả đồi A1 

Trong hồi ức “Ngày cuối cùng chiến dịch Điện Biên Phủ” chàng lính trẻ Nguyễn Đức Vĩnh (một trong những người còn lại của Ban liên lạc chiến sỹ Điện Biên ở thành phố Vinh), người đã trực tiếp chiến đấu trong 56 ngày đêm oanh liệt, đã viết: “Chiều ngày 6/5, phân đội chúng tôi được lệnh tiến vào khu tiền duyên sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Từ đây, đứng trong chiến hào có thể nhìn lên đồi A1 rất rõ. Trong hai đợt tiến công vừa qua chúng tôi đã nhiều lần lên xuống đồi A2 phối hợp với các đơn vị chiến đấu, cứu chữa thương bình, đào giao thông hào vây lấn…Nhưng đêm nay chúng tôi cảm thấy có điều gì đó khác thường. Trung đội trưởng Nguyễn Văn Sáng nét mặt đăm chiêu suy nghĩ, anh ít nói hơn ngày thường, cặp mắt có đôi lông màu hơi xếch, thường ngày có vẻ nghiêm khắc, hôm nay nhìn chúng tôi dịu dàng hơn, tha thiết hơn…Linh cảm của những người lính cho chúng tôi biết trận đánh sẽ rất ác liệt đang chờ phía trước”.
 
Theo kế hoạch, tối hôm đó khu đồi A1 sẽ cho nổ gần một tấn bộc phá, nhằm tiêu diệt hầm ngầm. Nếu nhiệm vụ này thành công chiến thắng gần như đã cận kề. Bộ chỉ huy chiến dịch cũng đã dự kiến nếu mọi kế hoạch suôn sẻ sẽ chuyển sang tổng công kích vào tối 7/5. Chiến thắng đã gần kề nhưng ngày cuối cùng cũng chính là ngày hiểm nguy nhất, bác Nguyễn Đức Huyên (nay đang trú tại xóm 1, xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An) nhớ lại: Cả đêm 6/5 tôi cùng với anh em trong đơn vị ra sức đào hào giao thông ở Bắc sân bay Mường Thanh – nhằm có chỗ để tránh đạn thẳng của địch bắn ra, hào đào thêm được đoạn nào là đội hình lại tiến về phía trước để cho đơn vị sau dồn lên: “Có lúc đang đào thì một quả pháo địch rơi đúng đội hình phía trước, nhiều người đã bị thương vong”.

Những người lính xứ Nghệ trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
 
Bác Nguyễn Đức Vĩnh không thể quên được cảm xúc lúc đó: “Chúng tôi được lệnh phải ra khỏi hầm ếch để đề phòng sức chấn động của khối bộc phá gần một tấn đặt trong đường hầm chui dưới lô cốt trên đồi A1. Biết giờ phút đặc biệt sắp đến nhưng đang lúc căng thẳng chờ lệnh xuất kích không ai dám biểu lộ tình cảm vui sướng của mình. Chúng tôi nắm chặt tay nhau hồi hộp chờ đợi. Cậu bạn Trần Hợi, cùng quê thầm thì: Bọn Tây sắp đi đời rồi. Mai mốt chúng mình nhảy xuống sông Nậm Rốm tắm một trận cho đã đời. Cả tháng nay nỏ có đưa mô nghĩ đến chuyện tắm rửa cả” ...
 
“A-đi-ơ, A-đi-ơ..., vĩnh biệt ”
 
Ba tiếng ấy là tín hiệu được phát trên sóng GONO (Hệ thống thông tin vô tuyến của Pháp nối Điện Biên Phủ với Hà Nội). Lúc ấy bác Hà Tự (đang làm nhiệm vụ thu tín hiệu của địch và giải mật mã để phục vụ chỉ huy chiến dịch) thấy một hiện tượng lạ chưa bao giờ có, khi trên làn sóng chỉ có độc mỗi tín hiệu “A diêu, A diêu, A diêu” từ Điện Biên Phủ gửi Hà Nội rời rạc, buồn bã. Khác hẳn với những bức điện báo cáo về thiệt hại người và phương tiện. Một phút ngỡ ngàng rồi căn phòng như vỡ òa ra: Người Pháp ở  Điện Biên vĩnh biệt với Hà Nội rồi còn gì nữa. “A diêu”, tiếp Pháp đọc là A-đi-ơ có nghĩa là vĩnh biệt…Điện Biên kết thúc rồi ! Chúng ta thắng rồi !
 
Dư vị chiến thắng ngọt ngào đó trở thành một trong những kỷ niệm đẹp nhất trong đời người chiến sỹ của những thành viên trong ban liên lạc Điện Biên Phủ. Năm mươi lăm  năm đã trôi qua nhưng với Đại tá Nguyễn Đồng (nguyên là trợ lý tổ chức trong chiến dịch Điện Biên Phủ) vẫn không khỏi rạo rực: Đang chuẩn bị bàn giao công việc để đi dự hội nghị ở Cục tổ chức thì bất ngờ đài quan sát báo tin: Chiến dịch đã toàn thắng, địch đã đầu hàng.

Bác Nguyễn Đồng giới thiệu với tác giả những tư liệu quý về Điện Biên mà BLL đang lưu giữ được.
Không ai bảo ai, tất cả mọi người trong ba cơ quan của chỉ huy sở, kể cả nuôi quân, trực y tá, thông tin, cảnh vệ…đều chạy ùa lên đài quan sát xem cảnh tượng địch lũ lượt cầm vải trắng đầu hàng. Quân ta thì nhảy cả lên giao thông hào, hầm chiến đấu, công sự múa hát, reo hò thắng lợi…

Hình ảnh “đoàn người Tây, có cả phụ nữ, mặt mũi nhem nhuốc, quần áo xộc xệch đi hàng một, tay giơ cao mảnh dù trắng ra hàng” cũng là một trong những hình ảnh khó phai mờ nhất đối với nhà báo Trần Hợi (sau này khi đã tốt nghiệp Đại học Báo chí và làm việc trong ngành truyền hình). May mắn hơn, nhờ biết tiếng Pháp nên ngay trong chiều hôm đó bác Nguyễn Xuân Tính (Thuộc đơn vị F312) lại được tham gia hỏi cung tướng Đờ-Cát với vai trò là người phiên dịch. Trong hồi ký, bác Tính kể: khi tướng Đờ cát mới bước tới và chào các bác bằng một lời chào rất “quý tộc”:  Kính chào các ngài ! Bộ tổng chỉ huy.
 
“Trong giây phút đầu tiên như thực, như mơ chúng tôi ôm chầm lấy nhau trong niềm xúc động. Không biết làm gì trong giây phút lịch sử này, chúng tôi gọi tên nhau thật to như để điểm danh bạn bè, đồng đội còn sống đến giờ phút trọng đại này, rồi ôm nhau khóc. Nước mắt của những người lính trận chảy tràn trên gò má hóp hép đầy bùn đất…”

Đó là giờ phút hạnh phúc nhất trong đời những người lính Điện Biên.
Mỹ Hà