(Baonghean) - Xã Kỳ Sơn (Tân Kỳ) vừa tổ chức giải bóng đá nữ cấp xã đầu tiên của huyện. Sau giải đấu này, phong trào bóng đá nữ hứa hẹn sẽ phát triển rộng khắp các địa phương trên địa bàn huyện.

Đầu tháng 9, khi Hội phụ nữ bàn kế hoạch tổ chức các hoạt động chào mừng Ngày Phụ nữ Việt Nam, một số chị em có ý kiến tổ chức giải bóng đá nữ thay vì bóng chuyền như những năm trước. Ý kiến này nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của các chi hội trưởng. Được Đảng ủy, UBND xã Kỳ Sơn đồng ý cho phép tổ chức giải, Hội phụ nữ đã phối hợp với Ban văn hóa xã tham mưu thành lập Ban tổ chức giải, xây dựng điều lệ và phát động phong trào tập luyện bóng đá về các xóm. 
 
 
images1410740_m_t_pha_b_ng_trong_tr_n_chung_k_t_gi_i_b_ng_d__n__x__k__s_n.jpgMột pha bóng trong trận chung kết Giải bóng đá nữ xã Kỳ Sơn (Tân Kỳ).
 
Hầu hết chị em là nông dân, một số ít buôn bán, hàng ngày đầu tắt mặt tối lo toan, vun vén cho cuộc sống gia đình, nhưng khi được thông báo về giải bóng đá nữ của xã, phần đông đều rất hào hứng. Chị Nguyễn Thị Tình – Chi hội trưởng Hội Phụ nữ xóm Tiền Phong 1 cho biết: “Ban đầu khi phát động, chỉ có khoảng 5-6 chị em đăng ký tập luyện, nhưng dần dần, số chị em tham gia ngày càng đông. Tất cả chị em đều không biết đá bóng, nhưng càng chơi mọi người càng mê. 
 
Anh Vũ Xuân Việt, cán bộ văn hóa xã Kỳ Sơn kể: “Trước khi giải diễn ra 2 ngày, anh Thắng – xóm trưởng xóm Tiền Phong 1 gọi điện cho tôi, nhờ giải quyết rắc rối về nhân sự đội bóng. Hóa ra là điều lệ giải chỉ cho phép đăng ký tối đa 14 cầu thủ nhưng ở Tiền Phong 1 có đến 32 chị đăng ký tham gia. Phải mất một ngày, tôi và Ban cán sự xóm, chi hội trưởng phụ nữ, huấn luyện viên đội vận động mãi, 16 chị mới chịu rút khỏi danh sách. Còn lại 17 chị, dù vẫn vượt so với quy định điều lệ, nhưng chị nào cũng kiên quyết đòi ở lại đội. Thế nên Ban tổ chức đành “lựa lời” với các xóm khác để linh động cho phép Tiền Phong 1 tham gia với 17 cầu thủ”. 
 
Chị Cao Thị Hà Phương - thành viên đội bóng xóm Tiền Phong 2 tâm sự: “Bóng đá giúp tình làng nghĩa xóm thêm gắn chặt, yêu thương, đoàn kết nhau hơn. Ai ốm đau, cả đội đến để chia sẻ, giúp đỡ. Nhiều chị em còn phụ nhau việc đồng áng, việc nhà nhằm sớm hoàn thành công việc để còn đi đá bóng”. 
 
Điều đặc biệt là phong trào bóng đá nữ ở xã Kỳ Sơn đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của mọi tầng lớp nhân dân trong xã. Trong thời gian tập luyện, thi đấu, số tiền mà nhân dân đóng góp ủng hộ đội bóng, xóm ít nhất 4 triệu đồng, nhiều nhất là 12 triệu đồng, trung bình mỗi xóm hơn 7 triệu đồng. Sau mỗi trận giao lưu, các nữ cầu thủ còn trổ tài đầu bếp, người “hùn” gà, vịt, kẻ bắt cá trong ao, hái rau, cây trái trong vườn... cùng nhau liên hoan vui vẻ, thắm tình đoàn kết.
 
Chị Tạ Thị Thủy – Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Sơn tự hào: “Giải bóng đá nữ của xã không những là dịp để chị em thắt chặt tình đoàn kết, nêu cao tinh thần đồng đội, qua đó giúp đỡ nhau nhiều hơn trong cuộc sống mà còn khẳng định vai trò của phụ nữ trong việc phát triển các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao. Hình ảnh những người chồng sẵn sàng đưa vợ đi thi đấu, đứng bên ngoài sân cổ vũ vợ cho thấy sự thay đổi nhận thức về bình đẳng giới. Người phụ nữ không chỉ xoay quanh những công việc đồng áng, nội trợ mà họ có thể thoải mái tham gia những hoạt động mà mình yêu thích trong sự ủng hộ của cả gia đình và xã hội.
 
Anh Bùi Gia Lý – Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT huyện Tân Kỳ cho biết: “Sau khi xem chị em Kỳ Sơn đá bóng, phụ nữ thị trấn đã rủ nhau thành lập 2 đội bóng và tổ chức một trận đấu rất sôi nổi. Có thể nói, sau giải đấu này, phong trào bóng đá nữ ở Tân Kỳ hứa hẹn sẽ phát triển mạnh mẽ, tạo thêm sân chơi cho chị em phụ nữ, góp phần đa dạng hóa các hoạt động văn hóa, thể thao của huyện nhà”. 
 
 Minh Quân