(Baonghean) - Trong tuần qua, thêm một trụ cột nữa của SLNA khẳng định sẽ chia tay đội bóng quê nhà để tìm một CLB khác có tiềm lực kinh tế mạnh hơn. Người rũ áo ra đi lần này là tiền vệ - tuyển thủ quốc gia Ngô Hoàng Thịnh.
 
Trước đó, ban lãnh đạo CLB SLNA và Hoàng Thịnh đã có cuộc làm việc thỏa thuận về bản hợp đồng mới nhưng hai bên đã không tìm được tiếng nói chung khi SLNA không đáp ứng được 80% số tiền “lót tay” do cầu thủ này yêu cầu.
 
Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn sau mùa giải 2015, đội bóng xứ Nghệ đã mất một loạt trụ cột là: Quang Tình và Thế Cường về tay XSKT Cần Thơ, trong lúc Đình Đồng chuyển ra khoác áo FLC Thanh Hóa. Chung quy của việc “chảy máu” lực lượng cũng vì CLB không đủ kinh phí để giữ chân cầu thủ.
 
 
images1410742_dsc_0051.jpgTiền vệ Ngô Hoàng Thịnh (trái) đã quyết định chia tay SLNA.
Nhiều người đã rất ngạc nhiên khi SLNA là một CLB có bản sắc, CĐV đông và cuồng nhiệt nhất cả nước, nhưng cái nghèo, sự túng quẫn cứ mãi đeo bám đội bóng xứ Nghệ?!
 
Tại V.League, SLNA là đội bóng sở hữu lực lượng CĐV đông đảo, nhiệt huyết trong các hoạt động “tiếp lửa”. Chứng kiến hình ảnh hàng nghìn CĐV xứ Nghệ “phủ vàng” tất cả các khán đài các sân cỏ khắp mọi miền đất nước khi có đội bóng SLNA thi đấu, nhiều người cho rằng SLNA là đội bóng “giàu” nhất V.League. Nói vậy, bởi ở nước ngoài, CLB nào đông CĐV thì tiềm lực tài chính của CLB đó khá mạnh, bởi có nhiều nguồn thu quan trọng của đội bóng đều được huy động từ lực lượng này như: bán vé, áo đấu, hàng lưu niệm… Nhưng trên thực tế, SLNA vẫn nằm trong những đội có ngân sách eo hẹp nhất ở V.League. Nguyên nhân một phần do SLNA chưa tìm cách thu hút được nguồn tài chính từ các CĐV. Đơn giản nhất là việc bán áo đấu, hàng lưu niệm có biểu tượng của CLB vẫn đang ở dạng tự phát, do các CĐV SLNA tự làm trước từng trận đấu. 
 
Còn nhớ, trước đây, nhà tài trợ Kappa đã nhận tài trợ trang phục thi đấu cho SLNA với bản hợp đồng trị giá 2 tỷ đồng/mùa giải. Khi đặt bút ký hợp đồng này, đại diện nhà tài trợ đã nói: “Chúng tôi quyết định tài trợ cho SLNA vì chúng tôi đã tìm hiểu kỹ SLNA. Đây là đội bóng có truyền thống, lực lượng CĐV hùng hậu tốt nhất Việt Nam, phù hợp với việc phát triển hình ảnh và thương hiệu của chúng tôi tại Việt Nam”. Thế nhưng, chỉ sau một mùa bóng khoác lên mình chiếc áo đấu hàng hiệu đến từ Italia mang tên Kappa, các cầu thủ SLNA trở lại với những trang phục truyền thống được sản xuất trong nước. Nguyên nhân là công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh của hãng này đã không được phía SLNA quan tâm, nên sau 1 năm, đã không có sản phẩm nào của nhà tài trợ này bán cho CĐV xứ Nghệ!
 
Mùa giải 2016 đã cận kề, có lẽ CLB SLNA nên gấp rút có chiến lược, khai thác lợi thế, tiềm lực từ lực lượng CĐV hùng hậu của mình, ít nhất là trong mảng bán áo đấu, đồ lưu niệm, để dần thoát khỏi cảnh “túng quẫn”.
 
 Đức Dũng