(Baonghean) - Việc tìm cách can thiệp để sinh con trai  đang xảy ra ngày càng nhiều hơn ở những khu vực thành thị, trung tâm, nơi có những cặp vợ chồng có trình độ học vấn cao, kinh tế gia đình khá giả..

Giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh là chủ đề của đêm giao lưu truyền thông do Chi cục DS/KHHGĐ tổ chức tại huyện Hưng Nguyên. Đây cũng là một trong những địa phương có tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cao khi hiện nay tỷ lệ đang là 121/100 (nghĩa là cứ 100 bé gái thì có 121 bé trai).

1503367078979.jpgTư vấn về sức khỏe sinh sản, KHHGĐ cho công nhân Khu công nghiệp Bắc Vinh. Ảnh: Mỹ Hà

Tuy nhiên, con số này có thể sẽ còn tăng trong năm 2017 bởi theo ông Nguyễn Kim Bảng – Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện thì ngày càng có nhiều gia đình lựa chọn phương pháp áp dụng các biện pháp khoa học để lựa chọn giới tính cho con. Thực tế, 60% trường hợp sinh con thứ 3 trở lên hiện nay hầu hết đều là trai và điều đó càng thôi thúc các gia đình tiếp tục sinh thêm con.

Trong khi đó, việc xử lý vi phạm đang “chững” lại khiến cho việc tuyên truyền, vận động trở nên khó khăn. Tại thị trấn Hưng Nguyên, chị Nguyễn Thị Bình An - chuyên trách dân số cho biết: “Hiện tại, trẻ sinh ra trên địa bàn cứ 3 bé thì có 2 bé trai, 1 bé gái (tỷ lệ 200/100). Riêng trẻ sinh thứ 3 trở lên thì chiếm đến 70% là bé trai. Hầu hết gia đình sinh con thứ 3 là do áp lực phải sinh con trai để nối dõi tông đường”.

Trên toàn tỉnh, hiện nay tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh là 112 bé trai/100 bé gái và là một trong những tỉnh có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất cả  nước. Trong đó, có nhiều địa phương, tỷ lệ mất cân bằng giới tính còn rất cao như Thị xã Cửa Lò 119/100, Quỳnh Lưu 120/100, Yên Thành 122/100, Thị xã Hoàng Mai 120/100... 

Qua đánh giá cũng cho thấy, mất cân bằng giới tính khi sinh còn  xảy ra ngay từ lần sinh thứ nhất và các gia đình đã sớm lựa chọn giới tính của con ngay từ lần mang thai đầu tiên.

Đặc biệt, mất cân bằng giới tính xảy ra nhiều hơn ở những khu vực thành thị, trung tâm và nơi có những cặp vợ chồng có trình độ học vấn cao, kinh tế gia đình khá giả.

Theo thống kê hiện nay trên địa bàn thành thị cứ hai bé trai thì chỉ có một bé gái. Ảnh: Internet.

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Lam Thanh (phường Hưng Bình, thành phố Vinh) phải chờ đợi gần 10 năm mới quyết định sinh thêm cháu thứ 2. Chị tâm sự: “Sau khi sinh cháu thứ nhất là con gái, tôi rất lo lắng vì chồng là con trai một. Để có con trai, hai vợ chồng áp dụng triệt để mọi biện pháp từ chế độ ăn, uống thuốc theo Đông y.

Ngoài ra, hai vợ chồng cũng áp dụng các biện pháp hiện đại như siêu âm, canh trứng... Thậm chí, hai vợ chồng còn chọn tháng, chọn năm để khả năng có con trai đạt tỷ lệ cao”.

Cũng vì muốn sinh con trai, nên nhiều gia đình còn tìm nhiều cách để “lách luật” như "giả vờ ly dị", xin nghỉ làm lâu dài để về địa phương khác sinh con. Nhiều trường hợp lại áp dụng phương pháp mang thai hộ dù rằng chi phí bỏ ra không hề nhỏ. Việc lựa chọn giới tính khi sinh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe phụ nữ như gia tăng tình trạng nạo hút, phá thai, các bệnh viêm, nhiễm.

Truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh ở huyện Hưng Nguyên. Ảnh: Mỹ Hà

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng việc giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh còn khá nhiều khó khăn. Theo ông Phan Văn Huê - Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ, nguyên nhân chính là do nguồn kinh phí chi cho các hoạt động của đề án còn hạn chế, chủ yếu chỉ đủ để tuyên truyền vận động, tập huấn chứ chưa có kinh phí để bố trí tập trung vào chính sách cho các cặp vợ chồng có hai con một bề là gái.

Bên cạnh đó, dù việc nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi đã được quy định tại  Pháp lệnh Dân số, tuy nhiên chưa có chế tài xử lý cụ thể nên việc thực hiện còn khó khăn./.

Mỹ Hà

TIN LIÊN QUAN