(Baonghean) -Ngày Quốc khánh - Tết Độc lập (2/9) về, người dân Việt Nam nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng, ai cũng đều mừng vui khôn tả. Trong ngày lễ trọng này, mỗi người đều tự tìm và làm những việc tốt, giàu ý nghĩa để tưởng nhớ, ghi sâu công ơn những bậc tiền nhân và qua đó còn để giáo dục, nhắc nhở con cháu mình học tập tốt, lao động tốt, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.
Sáng tinh mơ của Ngày Tết Độc lập, đường phố Thành Vinh rợp màu cờ đỏ sao vàng. Nhịp sống dường như chậm rãi hơn ngày thường khiến lòng người như lâng lâng xúc cảm, tận hưởng không khí mát mẻ, không gian thanh bình. 7 giờ 30 phút, thành phố rộn ràng hơn, người thì gọi bạn bè tụ tập, người thì cùng gia đình đi chơi lễ, thăm thú họ hàng. Trên khuôn mặt ai cũng rạng ngời niềm vui khó tả. Ông Nguyễn Hảo (ở phường Hà Huy Tập) dậy sớm đưa cháu nội đi chơi trong ngày lễ trọng đại của dân tộc, thăm thú những di tích, thắng cảnh, để các cháu được vui chơi, hiểu và thêm yêu đất nước.
Cũng như gia đình ông Nguyễn Hảo, hàng ngàn người dân khác hành hương về Kim Liên, hai bên đường đã thơm mùi rơm và mùi lúa mới. Trong dòng người mỗi lúc mỗi đông, có những cụ già râu tóc bạc phơ, nhưng đông nhất vẫn là nam thanh, nữ tú. Làng Sen, quê Bác gần gũi mà thiêng liêng. Nghe chị thuyết minh kể những câu chuyện về đất, về người chất chứa tình cảm, khiến mắt nhiều người đã nhòa lệ yêu thương. Kính cẩn dâng lên bàn thờ Bác bông hoa huệ tinh khiết, cùng với những chùm quả ngọt, ông Đào Văn Tuấn, 78 tuổi, Việt kiều sống ở tỉnh Chiangmai Thái Lan, lần đầu tiên về Kim Liên cho hay: “Ngày 2/9 đã đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam, từ đó nước Việt Nam đã trở thành một nước tự do, độc lập. Là người dân Việt Nam dù ở nơi đâu, vào những ngày mùa thu lịch sử này đều nhớ về quê hương đất nước. Hàng năm, cứ đến ngày 2/9 là bà con Việt Kiều lại tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm”. Ông Tuấn kể: “Lúc nghe tin Bác Hồ mất, hơn 100 người Việt ở tỉnh Chiangmai không ai ngủ được. Chúng tôi đi gõ cửa từng nhà thông báo Bác đã mất rồi. Chúng tôi để tang Bác 15 ngày. Nhà nào biết Bác Hồ mất cũng khóc. Tình cảm đối với Bác hơn cả cha mẹ mình”.
Khu Di tích Kim Liên ngày Quốc khánh.
Mặt trời lên cao, chợ Cầu nhộn nhịp bán mua. Trên những cánh đồng của xã Kim Liên rộn rã tiếng máy gặt đập liên hoàn. Dòng người rời Kim Liên, hành hương lên núi Đại Huệ, nơi thân mẫu Bác Hồ là cụ bà Hoàng Thị Loan yên nghỉ… Cũng như ở nhiều nơi khác, người dân (xã Nam Giang, huyện Nam Đàn) vẫn thường xem ngày Quốc khánh là ngày đặc biệt, ngoài ý nghĩa đoàn viên còn làm ngày giỗ Bác Hồ. Mâm cơm trưa của gia đình bà Trần Thị Lan hôm nay rất tươm tất, có cả xôi gà và nhiều món khác. Bà Lan tâm tình: “Mâm cơm này gia đình kính dâng lên Bác Hồ và ông bà tổ tiên. Bác không vợ, không con. Bác đem hết trí tuệ của mình phục vụ nhân dân, lãnh đạo toàn dân giành độc lập tự do. Bác là người cha của dân tộc. Ngày 2/9, dù bận đến đâu, gia đình cũng làm mâm cơm cúng Bác”…
Tương tự như gia đình bà Lan, gia đình ông Trần Đức Anh (xã Đông Hiếu, thị xã Thái Hòa) cũng làm cơm cúng Bác Hồ. Ông Trần Đức Anh chia sẻ: “Mâm cơm cúng dứt khoát phải có đĩa rau luộc, muối vừng, cá kho. Tôi nghĩ Bác thích thế, bởi sinh thời Người rất giản đơn. Trước giờ làm mâm cúng thì tôi đã lên Đền Làng Vạc để dâng hương cho tổ tiên. Ngày 2/9 năm nào cũng thế. Gia đình tôi luôn giữ gìn truyền thống này”.
Ngày Quốc khánh – Tết Độc lập đã trở thành một nét đẹp văn hóa ở nhiều bản làng vùng cao xứ Nghệ. Vào lễ năm nay, vượt lên trên những mái nhà lợp gỗ pơmu màu xám, trên những sắc xanh của núi rừng vẫn là màu cờ Tổ quốc tung bay tạo điểm nét son rực rỡ. Âm thanh rộn ràng của kèn, sáo, chiêng trống lại vang lên, đồng bào nô nức tập trung về trung tâm bản, xã tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ và trò chơi dân gian. Chị em xúng xính trong những bộ váy áo thổ cẩm thật đẹp, cánh đàn ông vui với chóe rượu cần. Với nhiều người, đi chơi Tết Độc lập, ngoài gặp gỡ bạn bè và cùng giao lưu văn hoá còn là trao đổi cách làm ăn để xoá đói giảm nghèo. Ở huyện Kỳ Sơn ngày này đã có nhiều sự kiện văn hóa, trò chơi dân gian Xã Đoọc Mạy thì mở hội chọi bò, xã Hữu Kiệm thì hào hứng với hội thi kéo co. Anh Cự Và Tủa, Ủy viên văn hóa xã Mường Lống cho biết: Người Mông Nghệ An thường mỗi năm có 2 cái Tết. Tết Mông (theo thu hoạch mùa, cuối năm âm lịch) và Tết Độc lập 2/9 mừng ngày quốc khánh.
Tết truyền thống của người Mông có cả làm lễ, làm hội, cúng ma trả ơn năm cũ. Nhưng mà Tết Độc lập là tết vui nên chỉ toàn hội vui là chính. Tết Độc lập cũng chính là một trong vài dịp hiếm hoi để gái trai hò hẹn. Các chàng trai thi nhau trổ tài thổi khèn, thổi sáo để mời gọi, tỏ tình, còn các cô gái thì thể hiện sự đảm đang, giỏi giang của mình qua đường kim, mũi chỉ ở những quả pao mang đến chợ. Nhà anh Tủa nấu thêm những món cổ truyền như chỗng pua (bánh chưng), dúa ki (bánh rán), hay dua túa (bánh đâm). Những món bánh được làm từ gạo nếp nương, giã bằng cối, luộc hay đồ lên... Món cơm rượu (chớ mò) cũng là đặc sản trong dịp này đưa lên mời khách. Nếp cẩm được hông chín, cho men vào, sau 2 ngày đổ vào ống để có nước cốt mời bạn. Món ăn tuy đơn sơ nhưng nồng ấm ân tình.
Anh Lỳ Bá Thái, Thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn khẳng định : “Ngày Tết Độc lập, bà con người Mông rất mừng, rất vui. Mọi người đều đi chơi, năm nào cũng vậy, dù xa đến mấy cũng rủ nhau về xã, huyện để chung vui với mọi người. Có cuộc sống ấm no, đồng bào nhớ ơn Bác Hồ, nhớ ơn Đảng nhiều lắm”… Với người dân tộc Thái ở các huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong thì ngày Tết Độc Lập cũng được ăn mừng không kém gì ngày Tết cổ truyền. Tết Độc lập không thể thiếu một mâm cỗ cúng trong dịp này. Mâm cỗ dâng lên bàn thờ gồm món xôi, gà và hò moọc. Lễ ăn mừng năm nay của gia đình anh Lang Văn Tùng (Thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu) đã được chuẩn bị từ chiều ngày 1/9, kéo dài sang suốt ngày 2/9. Năm nay, nhà anh mổ thêm một con lợn nít và tất nhiên là không thể thiếu món cá. Theo anh Tùng “Mâm cỗ ẩn chứa tất cả tấm lòng dành cho đất nước, là một lời cầu chúc cho quốc thái dân an của người Thái. Ý nghĩa thiêng liêng của ngày Tết Độc lập sẽ còn mãi trong lòng mỗi người dân tộc Thái. Tình cảm ấy là động lực để bà con hăng hái lao động, góp phần xoá đói giảm nghèo, làm giàu cho gia đình và quê hương”.
Chiều muộn, những trung tâm thương mại như Siêu thị Intimex, Big C, điểm vui chơi như Công viên Trung tâm, Nhà Văn hóa lao động ở Thành phố Vinh lại đông vui, tấp nập hơn bao giờ hết. Không khí du lịch theo tour, du lịch gia đình trong dịp Quốc khánh 2/9 năm nay cũng nhộn nhịp. Chị Trần Thị Nga và con vừa có chuyến thăm Thủ đô Hà Nội về, cho biết: Hồi còn nhỏ, đến ngày Tết độc lập là mình vui mừng lắm vì được diện một bộ quần áo mới, cũng là đồ mới mẹ mua cho để tựu trường, cùng với chúng bạn tung tăng khắp ngả đường làng trên xóm dưới. Mẹ lại dúi cho mấy đồng bạc lẻ đi chơi để mua que kem hay chiếc kẹo kéo, đến buổi trưa về thì lao vào mâm cỗ mẹ nấu. Trong làng xóm còn tập trung lại một nơi liên hoan văn nghệ, cờ đỏ sao vàng bay phấp phới… Bây giờ đất nước đổi mới rồi và cũng có nhiều cái đổi thay. Nhưng tôi vẫn tâm niệm, để giáo dục các con luôn vui và tự hào về ngày Quốc khánh, thì phải có cái gì để các con luôn nhớ không quên. Nên trong 2 ngày, tôi đã cho cháu vào thăm Lăng Bác, đi công viên nước…
Đêm, Quảng trường Hồ Chí Minh rực rỡ ánh đèn, lung linh đài phun nước. Hàng nghìn người dân đã tập trung về đây theo dõi chương trình ca nhạc chào mừng ngày Quốc khánh. Không khí ngày hội thể hiện rõ trong tiếng trống rộn rã, tiếng nhạc và những bài hát về Đảng, Bác Hồ, ngợi ca đất nước, quê hương. Ngày Quốc khánh – Tết Độc lập là niềm vui chung của tất cả mọi người. Anh Micheal, du khách người Đức đã có mặt tại Quảng trường và chứng kiến sự nhộn nhịp, cờ hoa trong ngày trọng đại. Micheal cho biết, đây là ngày thứ 12 Micheal đến Việt Nam. Mặc dù chưa tìm hiểu được nhiều nhưng anh thấy Việt Nam, Nghệ An thật yên bình. Sự trang hoàng trên các đường phố là minh chứng cho quá trình phát triển mạnh mẽ của một đất nước đi lên từ chiến tranh và nghèo khó”… Trước tượng đài Bác trong đêm Thu hiền dịu, bất chợt lại nhớ về một sáng thanh khiết ở Quảng Trường Ba Đình 68 năm về trước và muốn thưa với với Người rằng: Cuộc sống hôm nay ngày càng phát triển đi lên và đời sống của người dân quê hương đã khá hơn trước nhiều rồi.